Thách thức Trung Hoa
Meinhard von Gerkan (1935-2022)
Người đồng sáng lập gmp architekten viết trong bài mở đầu cuốn "Project in China"
Những ấn tượng về vùng Viễn Đông
“Trải nghiệm tại Trung Quốc”
Vào năm 1998, cũng là lần đầu tiên, tôi đến Trung Quốc, để dự hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ cuộc thi thiết kế toà nhà mới cho ngôi trường Đức tại Bắc Kinh. Niềm hào hứng với nơi đây rõ ràng rất lớn. Chuyến đi đã kéo dài thêm năm ngày so với dự kiến. Thời tiết tháng 12 với nền nhiệt -25oC, gió thổi từ sa mạc Gobi với băng giá. Để giữ ấm cơ, tôi có trải nghiệm đầu tiên khi mua đồ made in China, một chiếc mũ lông cáo nhưng hoá ra là thỏ. Rồi chuyến thăm Tử Cấm Thành, cuộc thưởng ngoạn Vạn Lý đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Tôi và đồng nghiệp đã cùng nhau cược khi nào ngôi trường khánh thành. Chúng tôi thắng cuộc thi và công trình xong xuôi trong một khoảng thời gian ngắn đến không tưởng, dĩ nhiên tôi thua cược vài chai – giấy tờ vẫn còn nguyên trong hầm rượu.
Vào thời điểm đó, tôi không nhận ra được tiềm năng của Trung Quốc. “Vùng đất này là một quốc gia đang phát triển”, tôi tới đây trong tâm thế khá ngây thơ, rồi sớm phải thừa nhận mình sai. Ở đây mua gì cũng có, ô tô nhiều và xe đạp thì ít, những khách sạn cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn châu Âu và vài nhà hàng tuyệt hảo - minh chứng rõ ràng cho thịnh vượng và xa xỉ. Quốc gia này tiến bộ hơn tôi tưởng. Nhưng trong chuyến đi đầu tiên, tôi chưa mường tượng được một tương lai về quy hoạch và kiến trúc tại thị trường Trung Quốc.
Mọi việc thay đổi vào sự kiện diễn ra hai năm sau đó. Hội nghị kiến trúc thế giới UIA được tổ chức tại Bắc Kinh vào mùa hè 1999 và tôi có một bài thuyết trình. Một nhân viên trong văn phòng tôi đề xuất tổ chức triển lãm của gmp. Anh này quen một bạn sinh viên người Trung Quốc, và mẹ của em này lại là một nhân vật rất có ảnh hưởng trong giới nghệ thuật tại Bắc Kinh, bà ấy đã hỗ trợ không gian triển lãm tại một bảo tàng danh tiếng. Mọi việc diễn ra trong thời gian ngắn, chúng tôi xoay trở và cũng vấp phải những sai lầm, chẳng hạn có rất nhiều vật liệu và khung tranh ở Hamburg, nhưng rõ là chuyển từ đó sang thì đắt đỏ hơn làm ở đây, và thế là phải bỏ khung ở nhà và làm lại khung Trung Quốc. Triển lãm đã tạo ra được tiếng vang lớn, một phần không nhỏ là nhờ mối quan hệ với những nhân vật quan trọng trong giới chính trị và nghệ thuật của nước chủ nhà. Chưa từng có một triển lãm kiến trúc nào xuất hiện trong bảo tàng, thế nên đây có thể xem là cú hích lớn trong hoạt động đại chúng. Chúng tôi tiếp tục xây dựng hình ảnh là đội ngũ kiến trúc sư thành công và đáng tin cậy, điều này khác với các đơn vị nước ngoài khác tại Trung Quốc, họ hướng tới yếu tố “mẫn cán” hơn. Đã có khoảng thời gian rất dài, kiến trúc miền trung phía Tây nước Mỹ thịnh hành, có pha trộn thêm yếu tố trang trí truyền thống Trung Hoa, kết quả trông như tranh biếm hoạ. Cộng đồng chuyên gia bản xứ đã có đôi chút thất vọng với các đồng nghiệp Canada, Nhật Bản và Pháp. Chúng tôi trở thành người thay thế, có thể nói như vậy. Ở Trung Quốc, người ta rất cởi mở với cái mới và chúng tôi được xem là một làn gió mới. Điều đó cực kì có lợi, chúng tôi sẽ tiếp tục được mời thi tuyển, thậm chí khi đã có các tư vấn sừng sỏ của Mỹ tham dự. Nhờ ý tưởng thiết kế, chúng tôi có được vị thế hiện giờ tại Trung Quốc. Không hề có ý khoa trương, tôi có thể thận trọng nói rằng chúng tôi là văn phòng kiến trúc ngoại quốc danh tiếng nhất tại đây. Giới chuyên gia Trung Quốc ai cũng biết chúng tôi, dù cách trở địa lý, quan hệ nhiều khi còn khăng khít hơn giữa Hamburg và Lübeck.
Ngôn ngữ và văn hoá không phải là những trở ngại duy nhất. Là người châu Âu, đặc biệt lại là người Đức, chúng tôi phải học cách kiên nhẫn trong tất các hoạt động tại Trung Quốc và không cuốn theo những quyết sách thay đổi từng giờ từng phút – một điều thái quá theo thông lệ thế giới. Một người Trung Quốc lịch sự không bao giờ nói “không”, khi đó từ “có lẽ” là một cách nói thay thế. Không màng đến tiểu tiết xung quanh, chúng tôi thể hiện quan điểm của mình rất thẳng, và nhận thấy rằng với người Trung Quốc, mất mặt là điều hổ thẹn nhất. Điều này phải được ghim vào đầu để tránh về sau.
Điều tôi thấy đặc biệt thú vị là cách tiếp cận cuộc sống đầy lễ nghi. Không phải mọi thứ đều đến cùng lúc, người ta có thời điểm của riêng họ. Chúng tôi dần làm quen với thực tế rằng gặp gỡ công việc và đàm phán hợp đồng thường song hành cùng những hoạt động kết nối như ăn tiệc, điều đó giúp các bên có nhiều thời gian cho nhau hơn, các luồng quan điểm cũng trở nên hanh thông hơn. Họ không nói thẳng đâu. Dù chỉ ở mức độ nhẹ nhàng, sự ẩn dụ trong câu nói làm chúng tôi bối rối và khó đàm phán. Chúng tôi luôn có cảm giác mình bị kém tinh tế tại xứ sở này.
Thương hiệu chính trị nhiều khi chỉ là cái mác. Nhiều hoạt động và loại hình hành vi ở Trung Quốc còn “tư bản” hơn tại phương Tây. Làm việc với kiến trúc sư, ban ngành và nhà thầu Trung Quốc mang tới một cảm giác rất lạ. Mối quan hệ cộng sinh này thân thiện, tích cực và năng động, nhưng mặt khác đó cũng đầy rẫy sự phân biệt và không hiểu ý nhau. Họ coi chúng tôi như một yếu tố đẩy giá trị dự án lên. Họ quan tâm đến khả năng sinh lời hơn giá trị đô thị. Họ mong muốn chúng tôi vẽ to, to hơn cả cấp phép, với hi vọng rằng tên tuổi của chúng tôi có thể là bảo chứng an toàn cho phần thêm vào này. Những nỗ lực dồn ép này không bao giờ thành và chúng tôi phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần cho tới khi có thoả hiệp cuối cùng giữa khách hàng, kiến trúc sư và thành phố.
Tôi ấn tượng bởi sự năng động, tốc độ và theo một khía cạnh nào đó là cả sự cởi mở với cái mới, mong muốn làm ra cái mới – tất cả hội tụ lại thúc đẩy quá trình ra quyết định. Nếu quy trình ở Đức chạy với tốc độ bò của ốc sên thì ở Trung Quốc mọi thứ xong trong một nhịp thở. Một hãng lữ hành lớn nhất Trung Quốc đưa ra quyết định đầu tư 70-80 triệu đô trong khoảng hai giờ đồng hồ, dù quyết định đưa ra không phải dựa trên trải nghiệm thực tế mà là cảm tính cá nhân.
Quy hoạch đô thị kiểu Trung Quốc là tự phát đô thị
“Sự tiến bộ của kiến trúc, kiến trúc sư và công trình kiến trúc hiện nay tại Trung Quốc”
Thành phố và cảnh quan phát triển thiếu kiểm soát là ấn tượng đầu tiên của tôi. Các thành phố không có khu trung tâm, không điểm bắt đầu, không điểm kết thúc và không chuyển biến. Tôi đi từ Thượng Hải tới Nam Kinh, cỡ 300 cây số và không tài nào nhận ra khi nào đã hết Thượng Hải và lúc nào đã vào Nam Kinh dù rất để ý. Bất cứ đoạn nào một vùng cảnh mở ra là chễm chệ một bất động sản cao tầng tại đó. Thành phố ngổn ngang không có cấu trúc nhận diện hay phân cấp rõ ràng, mọi vật sắp đặt như trò may rủi.
Tự người Trung Quốc cũng thấy sự phát triển không kiểm soát này là tiêu cực, thiếu rành mạch. Người ta tạo ra ở khắp nơi những bất động sản gắn mác Italy hay Tây Ban Nha, những Disneyland thu nhỏ để làm đặc điểm nhận dạng riêng biệt không đâu có.
Gần đây, nỗ lực bù đắp hiện trạng “thiếu hụt tính nhận diện” đã mang lại chuyển biến đáng kể. Diễn đàn về kiến trúc truyền thống và phương pháp xây dựng cổ tại Trung Quốc đã tiệm cận với châu Âu. Duy chỉ có một điểm khác biệt quan trọng: các công trình ở châu Âu đủ quy mô để đáp ứng những nhu cầu hiện thời với tổng diện tích sàn và kết cấu cũ, trong một vài trường hợp người ta chỉ cần dựng lại mặt đứng và cải tạo nội thất. Ngược lại, tổng sàn của một công trình ở Trung Quốc có thể là 50000, 100000, 150000 hay thậm chí 250000 m2. Kiến trúc truyền thống có sống dậy cũng không chịu nổi cú sốc về diện tích này, đó là lý do vì sao đặc điểm truyền thống chỉ được tô điểm trên mặt đứng, hoặc trên gương kính, trông như tranh biếm hoạ.
Cũng phải nói rằng phần đa người dân sống tại các đô thị đến từ vùng thôn dã. Dù với người phương Tây, làng mạc quê nhà họ nhỏ nhắn xinh xắn đẹp như tranh, nhưng phải thừa nhận điều kiện sống đó không khả dĩ với một quần thể đông đúc. Có nhiều thứ rất mất vệ sinh. Khi đến thành phố lớn, điều quan trọng với họ là tiện nghi và sạch sẽ chứ không phải là mỹ quan đô thị - xung quanh là một hỗn độn về mỹ thuật. Không còn phải đi bộ hàng cây số, giờ đã có xe bus. Nước nóng hay điều hoà không khí lồ lộ trên mặt đứng công trình, một biểu hiện của sự tiến bộ. Áp lực dân số là rất lớn. Thu nhập ở thành phố cao gấp ba lần nông thôn, thế nên ở rất nhiều công trường, kể cả của chúng tôi, 80% lực lượng lao động là thời vụ, “chỉ đâu làm đấy”. Họ làm 12 đến 16 tiếng một ngày, ăn ngủ sơ sài tại công trường. Với đồng lương công nhân xây dựng, họ có thể nuôi cả một đại gia đình ở quê, rõ ràng là hơn làm nông. Đến mùa gặt họ lại về quê vài tuần và trở lại công trường sau đó. Những công nhân này sống đạm bạc đến không thể ngờ được, họ hoàn toàn lãnh cảm. Nếu quản công bảo đập đi bức tường đã mất cả ngày để xây, thợ cũng đập ngay lập tức trong đêm, không càu nhàu. Họ không có ý niệm về công việc đang làm.
Những đổi thay diễn ra trong hai thế kỷ tại châu Âu hiển hiện ở Trung Quốc trong thời gian ngắn. Người ta dự đoán rằng diễn biến này không thể kéo dài lâu. Và tình cờ, tôi bất ngờ nhận ra rằng thành tựu trí tuệ và sáng tạo luôn luôn là đi kèm việc học hỏi. Đằng sau đó là sao chép và làm lại trong lần tiếp theo. Người Trung Quốc học cực nhanh. Họ làm tôi tin là đang thực hiện một dự án còn lớn hơn cả tàu đệm từ. Việc chúng tôi từ chối làm gì đó khi những thứ khác đã xong xuôi là một thái độ hoàn toàn ngoại lai với người Trung Quốc.
Một cách thường xuyên, khách hàng Trung Quốc tin rằng bằng việc có được thiết kế sơ bộ của chúng tôi, anh ta đã mua được thành công và tính thanh khoản cao, từ đó áp đặt ý chí của mình để hướng mọi thứ đến đích đến chung. Và đương nhiên, về chất lượng, thiết kế chỉ còn lại một chút so với nguyên gốc ban đầu. Phần lớn đã rơi rụng, bị gạt bỏ hoặc thay đổi. Nhiều hơn cả là thoả hiệp về giá mong muốn cho chất lượng kiến trúc. Ý tưởng tốt bị bóp méo thành một hình thù tệ hại.
Khách hàng tin rằng không tiếp tục thuê chúng tôi sau thiết kế cơ sở sẽ giúp họ tiết kiệm tiền và thực hiện tốt hơn quyền tự quyết với sự trợ giúp của những văn phòng kiến trúc dưới trướng họ. Có lần, chúng tôi được thuê thiết kế một tổ hợp lớn với bốn toà tháp cao tầng. Chủ đầu tư thẳng tay chỉ ra cửa tiễn chúng tôi ra về bởi lẽ có văn phòng Hong Kong hứa hẹn công việc sẽ rẻ hơn nhiều. Chẳng còn bàn luận gì về tác quyền nữa. Họ trả chúng tôi tiền giấy mực và chi phí đi lại, rồi còn mong gắn tên chúng tôi lên khi công trình khánh thành. Họ đâu có hiểu điều chúng tôi đem lại. Chỉ tới lúc xong xuôi, họ mới nhận ra sản phẩm không đạt chất lượng mà họ mong muốn ban đầu.
Chúng tôi chịu trách nhiệm cho tất cả các đồ án kiến trúc và trong một số tình huống cụ thể, nếu khách hàng thực hiện thừa hoặc thiếu những gì đã vạch ra (thường thì thiếu nhiều hơn là thừa), chúng tôi chỉ có thể chấp nhận sau khi phản kháng rất nhiều trên cơ sở mục tiêu cuối cùng.
Điều này đặc biệt đúng với lĩnh vực nhà ở. Trung Quốc không có quỹ nhà nước cho nhà ở công. Nhà ở là sản phẩm thương mại, được xây nhờ nguồn vốn tư nhân. Nhà là một dạng tài sản lớn, có thể tăng theo sức nóng thị trường. Thế nhưng căn hộ ở đây sẽ là không thể chấp nhận được nếu soi chiếu theo tiêu chuẩn Đức: chỉ có ống cấp và thoát nước, đi kèm xô, cán nền cơ bản ở phòng vệ sinh và bếp mở ngoài trời, ngồi ghế bệt. Trung Quốc sẽ sớm có một collection về những lỗi lầm xây dựng. Công trình rải sỏi vội vã sẽ không thể có một vòng đời dài. Chúng tôi, với mục tiêu cụ thể là mang tới chất lượng kiến trúc cao, mong muốn một thái độ khác khi nhìn nhận vấn đề đến từ chủ đầu tư và người được giao nhiệm vụ tiến hành dự án.
Qua những năm, tôi lấy làm tiếc khi những sản phẩm của kiến trúc Trung Quốc nhan nhác kiến trúc ngoại quốc. Tất cả đều thường: các mô hình bắt chước Mỹ, sử dụng vật liệu high-tech và tiếp tục phối kết hợp yếu tố truyền thống Trung Hoa như một dạng trang trí.
Khi tìm về một thứ nguyên bản của kiến trúc Trung Hoa, tôi dành cả ngày trong hiệu sách ở Thượng Hải và mua tất cả những gì nói về kiến trúc đô thị. Tôi nhận ra chỗ này thì giống Miami, chỗ kia đôi chút Cuba, một thoáng Belle Epoque, Art Déco và Art Nouveau, đây là khu phố Anh, khu phố Pháp, khu phố Ý rồi khu phố Đức. Nguồn gốc Trung Hoa đâu thể tìm ở đây!
Như đã nhắc đến ở trên, với tôi, các đô thị tại Trung Quốc thiếu vắng chiến lược nhận diện về phân cấp và cấu trúc. Các quyết sách thường là manh mún khi mà mỗi đồ án riêng lẻ phớt lờ đi bối cảnh tổng thể. Hệ quả là đặc trưng nhận dạng bị mất đi. Người ta sẽ thấy khác biệt lớn về tính truyền thống giữa lối sống và nhu cầu về môi trường sống của châu Âu và Trung Quốc. Ngày nay sự phát triển ở Trung Quốc đã đạt tới nhịp độ sôi động – một đặc trưng cấu trúc của các đô thị tại Mỹ, nơi mà giao thông cơ giới chiếm chủ đạo. Châu Âu thì khác, các thành phố vẫn giữ nét cổ kính. Một đô thị như Paris, London, Berlin hay Milan, có thể nhận diện bằng khứu giác, mà chẳng cần đến những biểu tượng du lịch nổi tiếng.
Điều đó minh chứng khả năng lưu giữ tính nhận diện trong quy hoạch đô thị tại châu Âu. Trong khi ở Trung Quốc, ảnh hưởng của quá trình hiện đại hoá làm cho hầu hết các đặc trưng truyền thống bị phá bỏ và thay thế bằng những công trình mới với đường xá rộng hơn. Sự thay đổi về quy mô đã đồng hoá các thành phố. Chỉ còn lại một vài ví dụ: Bắc Kinh với trung tâm là Tử Cấm Thành, Quảng Châu với những con đường trên nhiều cao độ, Thượng Hải – Phố Đông đối ứng nhau với sông Dương Tử ở giữa.
Sự phát triển trong những năm gần đây làm biến mất các đặc điểm nhận dạng của vùng nông thôn, mô hình kiểu Mỹ được dập khuôn và phối trộn với những yếu tố Trung Hoa một cách hời hợt. Chỉ một số ít là thực nghiệm, thường thì mặt đứng và công năng ít ăn nhập với nhau. Kiểu kiến trúc này có thể nổi bật, tự nó quảng bá cho mình, nhưng như một tấm voan lớn mà ai cũng cũng có thể vẽ lên, đặc trưng bị nuốt chửng trong một tổng thể mà kẻ nào cũng cố làm nổi bật.
Thứ duy nhất có chất lượng lâu dài là kiến trúc, sinh ra từ bối cảnh tự nhiên, bối cảnh xã hội, từ công năng, từ sự cân nhắc với đô thị, từ yếu tố kinh tế và trên hết là từ ý định thiết kế vượt thời gian.
Sinh thái và bền vững là chủ đề mà tôi thường xuyên phải đối mặt ở châu Âu, khi những cuộc bàn luận về giảm phát thải CO2 vẫn diễn ra. Thế nhưng ở Trung Quốc, những công trình mới dường như đứng ngoài chủ đề này. Ở vùng khí hậu nóng, mặt kính công trình trơ ra không có tấm che nắng, điều đó đồng nghĩa với việc công trình cần rất nhiều năng lượng làm mát. Ngay cả ở Bắc Kinh, nơi có khí hậu lạnh, cửa sổ của các văn phòng và căn hộ chỉ có một lớp kính, làm cho năng lượng sưởi ấm cũng tăng lên.
Với tôi, câu hỏi về tính bền vững và lâu dài cũng giống như câu hỏi về sự kiên định. Một công trình khoác lên mình một bộ áo lấp lánh tạm thời mà không đáp ứng được công năng thì chỉ là một thứ thời trang ngắn hạn. Nhắc đến độ bền của vật liệu, cũng cần cân nhắc sử dụng vật liệu tự nhiên và vật liệu xây dựng nhân tạo.
Câu hỏi về cách sử dụng năng lượng, hiệu suất trong vùng khí hậu tương ứng cũng có tầm quan trọng lớn đối với tính lâu dài và bền vững. Nhắc về chủ đề này, khi thiết kế công trình cho vùng khí hậu cận nhiệt tại Trung Quốc, chúng tôi điều chỉnh những yếu tố che nắng tạo bóng đổ lên mặt tiền, vừa là che nắng, vừa để hoạt động bên trong tiện nghi hơn, bất kể toà nhà đó là văn phòng hay chung cư.
Kiến trúc chuyển đổi
“Tại sao, cái gì và tôi thiết kế thế nào ở Trung Quốc?”
Tôi thường được hỏi về những mô hình áp dụng tại Trung Quốc để tạo lập mối quan hệ với một địa điểm cụ thể. Tôi nghĩ đây là câu hỏi sai. Những gì Trung Quốc sản xuất ra ngày nay rõ ràng không có liên hệ gì với truyền thống Trung Hoa và phong tục tập quán trước đây, bao hàm cả việc vệ sinh. Đôi khi điều đó gợi cho chúng tôi về trường hợp của cung điện Berlin đang tái thiết lại, điều đó cũng có thể áp dụng với những mô hình ở Trung Quốc. Nhưng có một khác biệt mang tính tiên quyết ở đây. Như đã nhắc đến ở trên, quy mô của những công trình cổ tại châu Âu đáp ứng được công năng mới – chẳng hạn như thư viện, bảo tàng hay văn phòng hành chính. Ngược lại, nằm trong tổng thể lớn, các công trình cổ Trung Hoa thường chỉ có một tầng với tỉ lệ nhỏ, nên sẽ không phù hợp với nhu cầu hiện đại. Trung Quốc thường lại thực hiện những đại dự án ngợp mắt. Điều còn lại duy nhất chỉ là mái chùa trên tầng 50 như một trái cherry trên đỉnh ly cocktail.
Cách tốt nhất để tiếp nối truyền thống có thể là chuyển hoá hiện tượng lịch sử và phong cách sống.
Một truyền thống của người Hoa là lối sống quần tụ nhiều thế hệ trong gia đình. Tập tục này được phản ánh trong loại hình kiến trúc: nhà với sân trong, nơi kết nối các công trình riêng lẻ trong tập hợp. Những công trình luôn luôn chỉ có một tầng, còn vệ sinh chung. Khía cạnh này hoàn toàn bị bỏ quên ở thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, các đơn vị ở chỉ đơn giản là đặt chồng lên nhau mà không cân nhắc tính kết nối gia đình – cách tiếp cận vấn đề này song hành cùng chính sách một con.
Trong đô thị ngày nay, những cấu trúc truyền thống không thể dùng lại được ở quy mô cũ nhưng có thể chuyển hoá. Chúng tôi tạo nên những khu phố, những đơn vị phù hợp về chiều kích có thể hoà mình vào cấu trúc đô thị.
Tôi sẽ trình bày dự án thành phố mới Lingang làm ví dụ.
Lingang New City
Ý tưởng về thành phố dựa trên nền tảng truyền thống châu Âu hàng trăm năm qua với phố xá, quảng trường, công viên, phố đi bộ, tất cả hình thành nên môi trường đô thị. Song một nét riêng mà không thành phố nào có được: vùng trung tâm là một hồ nước tĩnh không với đường kính 2,9 km. Thông thường, đây là vị trí đắc địa và đắt đỏ nhất của thành phố. Những tập đoàn ngân hàng tài chính sẽ mong muốn toạ lạc ở vị trí này hơn là khu dân cư.
Thêm vào đó, khu trung tâm luôn đông đúc xe cộ, điều đó làm giảm đi tính thân thiện và hấp dẫn với cư dân thông thường, những người đi bộ và xe đạp. Hồ nước tạo ra một vùng chung cho các hoạt động vui chơi trên mặt nước như đua thuyền, bơi lội. Ven hồ và trên các đảo nhân tạo là một loạt các công trình công cộng, tạo nên một phố đi bộ dài 9km.
Bắt đầu từ trung tâm đô thị dạng vành đai cân bằng giữa khu vực kinh tế và giải trí, một công viên vành đai với những công trình công cộng mang đặc điểm nhận dạng riêng biệt. Cấu trúc tương đồng này định hướng người ta bằng hồ nước trung tâm. Ở mọi vị trí, người dân có thể tìm đường một cách dễ dàng. Sự phát triển trong tương lai cũng có định hướng rõ ràng. Một mặt khác, cấu trúc đô thị này định hướng giao thông cơ giới để hoạt động này phục vụ được tốt hơn, thay vì là vật cản.
Thành phố Lingang có 13 quận và mỗi quận có trung tâm của nó với 18000 cư dân. Ở quy mô nhỏ hơn là những quần cư được nhóm lại quanh các sân chung. Những căn hộ ba đến bốn phòng ngủ có thể là nơi chung sống cho 12 thành viên – nó minh hoạ cho ý tưởng nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà.
Lingang xuất phát từ ý tưởng về một thành phố hội tụ những khát vọng xã hội cao nhất. Vì lý do này, dự án được giao cho các đồng nghiệp của chúng tôi ở châu Âu, Mỹ cũng như những nhà đầu tư Trung Quốc đảm nhận. Thành phố với quy mô dân số 800000 người sẽ trở thành cửa ngõ vào Trung Quốc, một khu vực thương mại tự do với nhiều điểm sản xuất và tập đoàn công nghệ chất lượng cao. Những tiêu chuẩn áp dụng ở đây không kém gì ở châu Âu.
Tôi xin phép được nêu ra một số câu hỏi trở đi trở lại trong tôi khi thực hiện dự án này.
1. Lingang có thể trở thành một functioning city?
2. Định hướng thế nào khi thiết kế mặt đứng, hình khối và vật liệu để cuối cùng mọi thứ giống Trung Quốc hơn là Poppenbüttel – một quận ở Hamburg, Đức?
3. Liệu kiểu đô thị như Lingang có xây dựng từ con số không? Thành phố này có nên phát triển theo cách khác thường?
4. Lingang có phải là một thành phố không tưởng (utiopian city)?
Câu số 1: Để trả lời câu hỏi này thực sự khó. Thay vì có một khu trung tâm xa hoa đắt đỏ, Lingang có một vành đai hấp dẫn. Còn có một số vấn đề ảnh hưởng khác. Quy hoạch là một chuyện, thực hiện nó là một chuyện khác. Và có những điểm bất đồng với dạng quy hoạch này. Khác với ý tưởng, các con phố rộng hơn, làm quy hoạch khó khăn hơn. Mặt khác, tôi nhìn thấy những yếu tố tiêu cực song hành làm nổi bật ý tưởng rằng thành phố mới này là chủ đề cho quá trình phát triển. Cả kiến trúc sư và cư dân tương lai phải sống trong những lý lịch tạm thời của quá trình này.
Câu số 2: Thật thú vị là ở vùng ven đô Thượng Hải, người ta dùng loại gạch nung đen, loại vật liệu mà chúng tôi cũng am hiểu. Chúng tôi không hạn chế sử dụng loại vật liệu này, dù nhiều người Trung Quốc xem chúng là loại rẻ tiền, họ muốn dùng gương kính. Điều đó tuỳ thuộc vào người dùng.
Câu số 3: Để kiểm chứng cho câu hỏi này, những ví dụ không thành công về quy hoạch đô thị như Brasilia hay Chandigarh vẫn thường được trích dẫn. Bất kì thành phố nhân tạo nào phát triển theo một quy trình toàn diện đơn nhất thường sẽ đối mặt với thất bại. Nhưng điều này có thể kiểm soát. Theo như tôi biết, Brasilia, Changdigarh hay Canberra, vì một số lý do, không ví dụ nào là một thành phố tốt. Chẳng hạn, Brasilia tôn vinh phương tiện cơ giới. Ô tô và sự tự do di chuyển được xem là ưu tiên quan trọng nhất và những chức năng khác theo sau nó – một đặc trưng cơ bản của đô thị Mỹ.
Trái với những ví dụ trên, Lingang dựa trên tỉ lệ con người. Tôi tin rằng cấu trúc của Lingang sẽ là một quy hoạch tốt. Trên tất cả, Lingang tránh một điểm: khu trung tâm đặc kịt những toà nhà. Thay một trung tâm đông đúc sẽ là đường bờ hồ 9 km và có thể có một lượng lớn các toà nhà mang số 1 trong thành phố, với lakeview, liệu còn gì có thể tốt hơn?
Câu số 4: Không, kết quả cuối cùng sẽ không còn là thành phố không tưởng. Nhưng có một số thứ nằm trên làn ranh với sự không tưởng. Điều đầu tiên, biển ăn sâu vào lõi trung tâm thành phố. Đây là đặc trưng của dự án, tự nó đã là một điều khó, nên có thể xem đây là một phẩm chất không tưởng. Nhưng tôi tin rằng Trung Quốc đang cần những concept không tưởng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ thắng cuộc thi này ở thời điểm bắt đầu, xin nhấn mạnh là ngay từ đầu, một đồ án không tưởng cho Lingang. Nhưng giờ đây nó đang dần thành hiện thực.

Tầm nhìn
“Những khía cạnh cần cải tổ”
Theo tôi, sự phát triển năng động và bước nhảy vọt vào chủ nghĩa hiện đại nên được công nhận như một văn hoá độc lập ở Trung Quốc, không nên sao chép hay vay mượn, cũng không nên deny quantum leap in dimensions hay tô điểm nó. Những quyết sách về quy hoạch đô thị nên được thực hiện nghiêm ngặt và quy về một mối, theo đó tiêu chí ý tưởng và sự quan tâm đến kinh tế tư nhân nên được sắp xếp theo một trật tự rõ ràng.
Kiến trúc trọng giả cổ và trang trí - những nguyên liệu Trung Hoa hời hợt xuất phát từ sự cuồng tín - chỉ phù hợp với tạo tác khuyết danh. Chỉ có dũng cảm tiên phong trong kiến trúc đương đại mới để lại dấu ấn sâu đậm.
Không thể cải trang một toà tháp chọc trời 60 tầng như làm với một ngôi nhà búp bê. Nhưng có thể tìm ra một hình thức biểu hiện mới cho nó, xuất phát từ công năng, quy mô và hoạt động xây dựng của nó.
Câu hỏi liệu có thể có “kiến trúc với bản sắc Trung Hoa” làm tôi nhớ lại câu chuyện cổ Đức “Cô bé quàng khăn đỏ”: trong chuyện, con sói giả làm bà ngoại và đã lừa được cô bé. Với nhiều người (không chỉ ở Trung Quốc), kiến trúc hiện đại ngày nay giống như con sói: nỗ lực trở nên thân thiện và đẹp mắt, dần dà đều thất bại. Thuần hoá và lấy được một biểu hiện tích cực trong phẩm cách của sói là một nhiệm vụ thực tế cần phải xử lý.
Cuối cùng, sau tất cả các tiêu chí, tôi sẽ phải làm khác đi. Tôi tin rằng sẽ có nhiều nơi phải chuyển hoá, không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở Đức. Khắp châu Á, bao gồm Nhật Bản, tôi thấy thiếu quy hoạch đô thị thấu hiểu về không gian đô thị và phát huy hết tác dụng điều tiết của kiến trúc. Tôi tin rằng không gian đô thị - phố, quảng trường, công viên – cần có một vai trò quan trọng hơn với chất lượng đô thị, và kiến trúc có vai trò định hình không gian, nên được xem là công cụ để đạt được mục tiêu này.
Nhưng ngày nay, mỗi khu đất riêng lẻ khai thác theo những định hướng khác nhau tạo ra một tổng thiếu thống nhất. Kết quả là những khu phố hỗn độn về quy mô, chiều cao công trình và phong cách kiến trúc.
Có lẽ chất lượng chi tiết của kiến trúc Trung Quốc cần phải xem lại. Nhiều công trình gấp rút thi công mà không có kiến trúc sư hoạch định kĩ càng từng chi tiết. Điều đó không chỉ làm giảm giá trị thẩm mỹ công trình, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tính phù hợp với người sử dụng, và sau cùng là vòng đời của kiến trúc.
Dù nhận xét phê phán chê trách, tôi muốn nhấn mạnh rằng những đồ án ở Trung Quốc luôn là niềm vui lớn, thậm chí hơn cả ở Đức và châu Âu: những ý tưởng của tôi được thực hiện trên nguồn tài nguyên phong phú. Nơi đây trao cơ hội để trình bày ý tưởng tạo báo mà không sợ vi phạm những giới hạn và các điều luật.
Và đặc biệt, khi thi tuyển ở nhiều nơi trên lãnh thổ Trung Quốc, với các đồng nghiệp từ Mỹ, Nhật Bản, đồ án chúng tôi thường được công nhận hơn, có lẽ vì tính sáng sủa và mạch lạc, khác biệt so với đồ án của các đồng nghiệp.
Ở cuốn sách này, chúng tôi xuất bản những đồ án đầu tiên thực hiện trong giai đoạn 1998 – 2008. Nhiều dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng hoặc lên kế hoạch. Rồi sớm thôi, chương tiếp theo “gmp in China” sẽ được phát hành.