The hidden dimension

Chiều kích ẩn của không gian

LỜI MỞ ĐẦU

Tựu chung có hai loại sách gây hứng thú thực sự cho những đọc giả nghiêm túc: loại thứ nhất truyền tải một khía cạnh của tri thức, loại thứ hai là tổng hợp sự vật hiện tượng một cách có hệ thống. Dù loại sách nào đi nữa thì điều quan trọng vẫn nằm ở cách tác giả kiểm soát nội dung trong đó. Và với người đọc, thành công là khi phát hiện ra những kiến thức trong sách nằm ngoài mong đợi của họ. Ngày nay, khi bị bủa vây bởi nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, con người cũng khó mà nắm bắt được đầy đủ tri thức, ngay cả trong lĩnh vực của chính mình. Vô tuyến truyền hình ngăn cách con người với thế giới trên một phạm vi rộng lớn. Thông tin bị bão hoà hình thành lên nhu cầu xây dựng hệ thống tài liệu mạch lạc theo chuyên ngành và được cập nhật thường xuyên.

Cuốn sách “The Hidden Dimension - Chiều kích ẩn của không gian” coi không gian là đối tượng nghiên cứu, định hướng cho độc giả xem không gian thực chất là một hệ thống giao tiếp. Phần sau cuốn sách tập trung vào khai thác những khía cạnh về mặt không gian trong kiến trúc và quy hoạch đô thị.

Những cuốn sách như thế này không giới hạn đối tượng người đọc hay dành riêng cho lĩnh vực nào. Ai đó mong muốn tìm kiếm kiến thức đã được phân loại quy củ có thể sẽ thất vọng về “The Hidden Dimension”. Bạn sẽ không thể nhận được câu trả lời ngay lập tức với cuốn sách này - một cuốn sách viết về không gian, liên quan đến những sự vật, sự việc khác: một cuốn sách vượt qua mọi quy cách thông thường.

Mục đích nghiên cứu của tôi về hoạt động sử dụng không gian là hướng sự chú ý tới những gì thường bị bỏ qua (vì chúng quá hiển nhiên). Không gian ở đây có hai loại:

  1. không gian mà con người duy trì giữa họ và những người xung quanh,

  2. không gian mà họ dựng lên trong những thành phố, trong ngôi nhà và trong công sở của họ,

Với quan niệm trên, tôi mong đọc giả xem đó như là những hiểu biết cá nhân thay vì những suy nghĩ dị biệt.

Liên quan tới phương pháp xây dựng nội dung cuốn sách, vì là một nhà nhân chủng học nên tôi có thói quen quay về điểm khởi đầu và tìm kiếm những cấu trúc sinh học, cái được coi là khởi nguyên cho mọi hành vi của con người. Cách tiếp cận này đặc biệt nhấn mạnh rằng: loài người là một sinh vật. Sự khác biệt giữa chúng ta và phần còn lại của thế giới động vật không lớn như mọi người thường nghĩ. Thêm nữa, càng biết thêm về động vật và sự tiến hóa của cơ chế thích nghi (mà ngày nay vẫn còn đang tiếp diễn), chúng ta càng có cơ hội tìm ra lời giải cho những vấn đề phức tạp của con người.

Toàn bộ cuốn sách của tôi giải đáp cấu trúc trải nghiệm được định hình bởi văn hóa. Cụ thể hơn, đó là:

Kiến thức về chiều sâu văn hóa giống như một tập hợp phức tạp, khổng lồ của quan hệ giao tiếp ở nhiều cấp độ. Sẽ chẳng ai quan tâm đến điều này, nếu không vì hai nguyên do: (1) mối quan hệ giữa con người trên phạm vi toàn cầu ngày càng tăng và (2) sự hòa trộn của những tiểu nhóm văn hóa ở chính đất nước chúng ta Đất nước chúng ta: ở đây đang nói nước Mỹ - quốc gia của tác giả - vào những năm 60 của thế kỉ 20 trong thời buổi làn sóng di cư đến thành phố của những người nông thôn và người ngoại quốc dần phong phú.

Gia tăng xung đột giữa các dòng văn hóa không cản trở giao lưu quốc tế. Ở Mỹ, đây là một hiện tượng này phổ biến, nó làm tình trạng quá tải ở các thành phố trở nên trầm trọng. Song nhìn theo khía cạnh tích cực, những nền văn hóa khác nhau du nhập vào đang làm cho nước Mỹ trở thành đại diện sắc nét trong việc gìn giữ bản sắc. Về bề ngoài, những nhóm này có thể trông giống hệt nhau, giọng cũng tựa như nhau, nhưng ẩn bên trong là sự khác biệt và đa dạng khó xác định: quan niệm về thời gian, không gian, vật chất và những mối quan hệ. Những điểm rất-khác-biệt này thường tạo ra sự xáo trộn về ngữ nghĩa, dù người ta cầu thị trong cuộc đối thoại.

Tiếp nối thành công của cuốn sách này, tôi được mời tới những buổi diễn thuyết hàng trăm khán giả trên toàn nước Mỹ và tư vấn cho những dự án kiến trúc. Những buổi nói chuyện và những lần tư vấn là kinh nghiệm để học hỏi và tạo nên một tập hợp dữ liệu của biến chuyển xã hội. Một trong những mục tiêu của tôi là truyền đạt tới những kiến trúc sư: trải nghiệm không gian không chỉ có phần nhìn, mà còn liên quan tới nhiều giác quan khác. Và rằng khả năng nhận thức về mặt thị giác của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào chất lượng và cường độ của hình ảnh thị giác tác động lên họ. Có người không thể hình dung ra một ngôi nhà, một căn phòng, một khu vườn hay một giao lộ đường phố cho tới khi những thứ đó được hoàn thành. Những kiến trúc sư không gặp vấn đề với việc hình dung không gian, chính vì điều đó nên họ trở thành kiến trúc sư, nhưng họ quên rằng khách hàng của họ có thể thiếu khả năng này. Mục đích thứ ba là thiết lập một lần và cho tất cả, rằng: trong khi những công trình và những khu phố không thể tạo nên công bằng xã hội, và cần nhiều hơn những quy hoạch đô thị tốt để tạo nên một nền dân chủ, thì vẫn có một liên kết khăng khít giữa loài người và công cụ của họ. Vấn đề không xảy ra trong thế giới loài người, nó diễn ra trong một bối cảnh không gian. Thiết kế của bối cảnh gây nên ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài lên con người “đặt” trong đó.

Thành công lớn nhất của tôi là việc truyền bá quan niệm này cho cộng đồng các kiến trúc sư trẻ. Nghiên cứu của tôi được chấp nhận và áp dụng từng chút một, tuy rằng hệ thống này chưa hoàn chỉnh, bao gồm tư tưởng “mỗi người nhận được tất cả thông tin về môi trường thông qua những giác quan”. Nếu một ai đó muốn hiểu về tác động của môi trường lên con người thì cũng cần phải thấu hiểu về các giác quan và cơ chế truyền thông tin từ cơ quan thụ cảm lên não bộ.

Tôi luôn đề cao yếu tố thẩm mỹ trong kiến trúc dù nó không phải cái giá mà người ta trả khi làm công trình. Thật không may, ngày nay, phần lớn các công trình truyền tải những khái niệm mơ hồ, đồng thời ít chú trọng đến người sử dụng. Cả kiến trúc sư lẫn quy hoạch gia đều bị chi phối bởi "ngân sách cận dưới” của các chuyên gia tài chính. Việc tính toán về chi phí hiếm khi dựa trên những hiểu biết về nhu cầu con người, hay cái giá tận cùng của việc bỏ qua chúng.

Con người cần biết rằng chính họ là yếu tố quan trọng, là mối quan tâm của các kiến trúc sư, quy hoạch gia. Nhưng hiếm có công trình nào truyền tải được thông điệp cơ bản này. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế rộng mở, chúng ta cần ý thức rằng ngôn ngữ của không gian thật sự khác hoàn toàn với ngôn ngữ nói. Quan trọng nhất, không gian là một khái niệm nền tảng, là những hệ thống tổ chức cơ bản cho tất cả những vật sống – đặc biệt là con người. Điều đó khẳng định tính đúng đắn cho chủ đề của cuốn sách.

1. VĂN HÓA LÀ GIAO TIẾP

Chủ đề trọng tâm của cuốn sách này là không gian xã hội, không gian cá thể và cảm nhận của con người trong các không gian đó. Không gian giao tiếp (proxemics) là khái niệm tôi đặt ra cho những quan sát và lý luận có liên quan đến hoạt động sử dụng không gian của con người như một phần đặc biệt hình thành nên văn hóa.

Khái niệm này không phải do tôi khởi xưởng. Năm mươi năm trước, Franz Boas đã đặt nền móng cho quan điểm giao tiếp là cốt lõi của văn hóa, và thậm chí là chính cuộc sống. Trong hai mươi năm theo dõi, Boas và hai nhà nhân chủng học khác, Edward Sapir và Leonard Bloofield, những người nói hệ ngôn ngữ Âu - Ấn, phải tiếp xúc với tiếng Anh-điêng và tiếng Eskimo - những ngôn ngữ khác hoàn toàn với tiếng mẹ đẻ của họ. Sự xung đột giữa các thứ tiếng là khởi nguồn cho một cuộc cách mạng liên quan đến bản chất của ngôn ngữ. Trước thời điểm đó, những học giả châu Âu xem hệ ngôn ngữ Âu - Ấn như hình mẫu cho tất cả các ngôn ngữ khác. Boas và những người đi theo ông ta khám phá ra rằng mỗi hệ ngôn ngữ có một quy luật riêng, một hệ thống khép kín, có một khuôn mẫu mà giới ngôn ngữ học phải lật mở và diễn giải nó. Những nhà khoa học cần tránh áp đặt “những quy tắc ngầm” trong ngôn ngữ sử dụng hàng ngày lên ngôn ngữ họ nghiên cứu.

Trong những năm 30 của thế kỷ trước, Benjamin Lee Whorf, một nhà hóa học, đồng thời là một kỹ sư, bắt đầu nghiên cứu ngôn ngữ học cùng một chuyên gia trong lĩnh vực này là Sapir. Những bài báo của Whorf dựa trên hoạt động nghiên cứu của ông ấy về hai loại ngôn ngữ là tiếng Hopi và tiếng Anh-điêng, đề cập đến những dấu hiệu liên quan đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và quan niệm về mối liên hệ của ngôn ngữ. Theo Whorf, ngôn ngữ không thể chỉ hiểu đơn giản là một cách biểu đạt suy nghĩ. Thực sự thì ngôn ngữ là một trong những nhân tố chủ đạo hình thành suy nghĩ. Hơn thế nữa, cảm nhận của chúng ta về một người gặp hằng ngày được lập trình bởi ngôn ngữ anh ta nói, quá trình đó y chang những gì diễn ra trong một chiếc máy tính. Não bộ con người sẽ đăng nhập và tái hiện những thực thể bên ngoài theo một chương trình duy nhất. Các ngôn ngữ khác nhau có thể sẽ có cách diễn đạt khác nhau về cùng một sự vật hiện tượng, nên không một hệ thống tôn giáo hay triết học nào có thể tách rời khỏi ngôn ngữ.

Chỉ trong những năm gần đây, thông qua một vài cá nhân, những ẩn ý trong tư tưởng của Whorf mới trở nên rõ ràng. Chú trọng vào căn nguyên của học thuyết “tự do ý chí” nguyên gốc tiếng Anh là "free will", là tư tưởng cho rằng con người có khả năng tự do quyết định hành động của mình mà không chịu ràng buộc nào khác; ở chiều ngược lại, "determinism" - tôi tạm dịch là "nhân quả" - cho rằng "free will" chỉ tồn tại trong trực giác: bạn cho rằng mình tự do, đó là cảm giác, còn hành động của bạn là hệ quả của một chuỗi các sự kiện trước đó , họ chỉ ra rằng loài người sẽ bị “giam cầm” bởi chính tiếng mẹ đẻ nếu họ cứ nghiễm nhiên thừa nhận ngôn ngữ của mình.

Luận điểm của cuốn sách này và của cuốn “The Silent Language” cuốn sách đầu tiên trong bộ ba của E. T. Hall nói về hành vi giao tiếp - tương tác của con người dựa trên những nghiên cứu nhân chủng học ra đời trước nó, chính là những nguyên tắc mà Whorf và nhóm người ủng hộ ông đặt ra để chỉ về mối liên hệ của ngôn ngữ khi áp dụng cho những hành vi khác của con người (mà thực tế là cho toàn bộ văn hóa). Đã từ rất lâu người ta tin rằng “kinh nghiệm” – là tất cả những gì con người chia sẻ – luôn luôn có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa để truyền cho nhau bằng nhiều cách; khi hai người có cùng một “kinh nghiệm”, nghĩa là nếu cùng một thông tin được đưa tới hai hệ thần kinh trung ương thì sẽ cho ra cùng một kết quả.

Chuỗi nghiên cứu về không gian giao tiếp (proximics) đặt hoài nghi về tính hợp lý của giả thuyết, nhất là đối với những nền văn hóa khác nhau. Chương 10 và 11 sẽ nói rõ cách mà con người đến từ những nền văn hóa khác nhau không chỉ nói những thứ tiếng khác nhau, mà còn sống trong những thế giới cảm quan (sensory world) khác biệt. Các giác quan tiếp nhận một số dữ liệu và loại bỏ vài dữ liệu khác. Thế nên, trải nghiệm lĩnh hội được phải thông qua một màng lọc của giác quan (hình thành từ văn hóa), chúng có sự khác biệt với trải nghiệm được cảm nhận thông qua một hình thức khác. Quá trình sàng lọc trên được thể hiện qua môi trường kiến trúc và đô thị mà con người tạo ra. Thông qua đó, ta có thể biết được con người sử dụng giác quan như thế nào. Cho nên, không thể coi trải nghiệm như cột mốc cố định, vì nó diễn ra trong một bối cảnh được định hình bởi con người.

Vai trò của các giác quan trong bối cảnh được diễn giải từ chương 4 tới chương 6. Cuộc thảo luận này được tóm gọn lại để cung cấp cho người đọc một số dữ liệu cơ bản về cơ chế sinh học được sử dụng trong quá trình xây dựng thế giới nhận thức của con người. Việc diễn tả những giác quan theo cách này tương tự với việc miêu tả về cơ chế phát âm - một nền tảng cho việc nghe hiểu lời nói.

Khi con người sống trong môi trường quen thuộc và khi tiếp xúc với nền văn hoá xa lạ, các giác quan hoạt động ra sao? Ví dụ về người Ả Rập và người Mỹ sẽ chỉ ra sự khác biệt quan trọng.

Nghiên cứu của tôi trong năm năm vừa qua chứng minh rằng người Mỹ và người Ả Rập sống trong hai thế giới cảm quan, khác nhau về thời gian và cách thức sử dụng những giác quan. Ở phần sau, ta sẽ thấy người Ả Rập dùng khứu giác và xúc giác nhiều hơn người Mỹ. Dữ liệu về tri giác của họ đa dạng và họ kết hợp chúng theo những cách khác nhau. Rõ ràng, ngay cả những kinh nghiệm của người Ả Rập về thể xác với bản ngã cũng khác người Mỹ chúng ta. Nếu chỉ biết về văn hóa Mỹ, phụ nữ Mỹ kết hôn với người Ả Rập sẽ cảm thấy chồng mình như đang giả tạo mỗi lần về nước – đó là những lần cô ta bị bủa vây bởi cộng đồng Ả Rập và trở thành “tù nhân” của ý thức Ả Rập. Những điều giác quan của cô ta cảm nhận được hoàn toàn khác với mọi người xung quanh.

Mặc dù hành vi của con người được hình thành từ văn hóa theo nhiều cách khác nhau nhưng chúng lại có cùng nguồn gốc sâu xa về sinh học và sinh lý học. Trong thế giới sinh vật, con người có điểm xuất phát đặc biệt và khác động vật ở những ưu thế mà họ tạo ra, ở đây tôi gọi là “những công cụ”. “Công cụ” giúp con người có khả năng cải thiện hoặc chuyên biệt những chức năng khác nhau. Chẳng hạn, máy vi tính trợ giúp cho bộ não, điện thoại hỗ trợ giọng nói, bánh xe làm thay việc cho đôi chân. Ngôn ngữ nâng tầm trải nghiệm trong không gian và thời gian, còn chữ viết là công cụ đắc lực của ngôn ngữ. Con người tạo ra những công cụ hỗ trợ như một bằng chứng cho việc chúng ta có khuynh hướng quên đi “tính người” bắt nguồn từ bản chất thú vật. Theo nhà nhân chủng học weston La Barre, con người mạnh lên nhanh chóng nhờ việc phát triển các công cụ hỗ trợ thay vì tiến hóa sinh học.

Do đó, việc nỗ lực quan sát, ghi âm và phân tích hệ thống giao tiếp – một phần của văn hóa hiện đại – phải căn cứ vào hành vi từ những cơ thể sống (sinh vật) xuất hiện sớm hơn. Chương 2 và chương 3 của cuốn sách này sẽ cung cấp cả nền tảng và quan điểm về hành vi trong không gian của con người từ những phân tích về động vật. Rất nhiều quan điểm và dữ liệu trong cuốn sách này có được nhờ bước tiến đột phá của những nhà tập tính học nhà khoa học nghiên cứu về hành vi động vật và mối liên hệ giữa sinh vật với môi trường .

Từ những nghiên cứu về tập tính, ta có thể coi con người như môt sinh vật đã tạo ra và phân hóa công cụ để tiếp quản thiên nhiên (và sự tiếp quản đó đang được thay thế rất nhanh). Nói cách khác, con người đã tạo ra một chiều không gian mới – chiều sâu văn hóa – mà không gian giao tiếp (proximics) chỉ là một phần ở trong đó. Trong mối liên hệ giữa con người và chiều sâu văn hóa, con người và môi trường cùng định hình lẫn nhau. Con người ngày nay đang đứng ở vị thế tạo lập toàn bộ thế giới nơi họ sống. Trong quá trình đó, con người đang tự xác định loại sinh vật mà họ sẽ trở thành. Đây là một ý nghĩ đầy sợ hãi trong cách nhìn thiển cận về con người. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, ở một một góc độ nào đó, những thành phố mà chúng ta dựng lên cũng chỉ là dạng khác của những cụm nhà ổ chuột, bệnh viện tâm thần, hay thậm chí nhà tù. Những tương tác tinh vi trên làm cho vấn đề tái thiết đô thị và việc quy tụ các nhóm thiểu số thành một địa hạt văn hóa trở nên khó khăn hơn dự đoán. Cùng với đó, sự thiếu hiểu biết về liên hệ giữa con người và sinh cảnh đang làm tồi tệ thêm quá trình kiến thiết của các quốc gia được xem là chưa-phát-triển trên thế giới.

Điều gì sẽ xảy ra khi con người của những nền văn hóa khác nhau gặp và kết nối với nhau? Tôi xin dẫn ra một luận điểm quan trọng từ cuốn “The Silent Language”: giao tiếp diễn ra đồng thời trong nhiều cấp độ, từ hoàn toàn chú tâm tới không quan tâm, không đơn thuần là sự trao – nhận lời nói. Nghiên cứu chỉ ra rằng có một chuỗi cơ chế hình thành nên từ văn hóa, được điều khiển tinh vi, đã và đang duy trì cho sự sống ở đúng trạng thái của nó, giống như chế độ lái tự động trên máy bay. Tất cả chúng ta đều nhạy cảm với những thay đổi, dù là nhỏ nhất, trong cử chỉ của người khác khi họ đáp lại những gì chúng ta nói hay làm. Con người hầu như sẽ tránh những cuộc giao tiếp không mấy thiện chí khi nhận ra dấu hiệu phiền phức. Trong thế giới loài vật, nếu có nhiều dấu hiệu như thế, cuộc đụng độ dữ dội sẽ diễn ra. Trong thế giới kết nối đa quốc gia, đa văn hóa, sẽ vô cùng khó khăn nếu ta đọc không đúng những dấu hiệu. Khi đó, con người sẽ tự hiểu rằng mình không thể rút lại lời nói cùng với những gì đang diễn ra.

Những chương tiếp theo bao gồm nhiều trường hợp cơ bản của việc cản trở giao tiếp vì không quan tâm tới thế giới cảm quan (sensory world) khác biệt. Mỗi người cũng suy diễn những lời người khác nói trong một bối cảnh hành vi. Kết quả là năm ăn năm thua, dù bạn mở đầu rất thiện chí.

Ngày nay, có nhiều căn cứ để tin tưởng những nhà nhân chủng học như Konrad Lorenz: sự xâm lấn là rất cần cho cuộc sống; không có nó, cuộc sống mà ta-đã-biết có thể sẽ không như vậy. Thông thường, cuộc xâm lấn dẫn tới giãn cách hợp lý để tránh cho môi trường sống và những thứ bên trong đó bị phá hủy. Số lượng cá thể gia tăng, những mối tương tác nhiều lên, dẫn đến sự căng thẳng giữa các cá thể cũng leo thang. Hệ quả của việc này là những thay đổi sinh hóa bên trong cơ thể, tuy nhỏ nhưng cũng rất đỗi mãnh liệt. Tỉ lệ sinh giảm trong khi tỉ lệ tử có xu hướng tăng lên, hiện tượng này duy trì cho tới khi tình trạng giảm sút dân số diễn ra. Quá trình quay vòng tích lũy – phá hủy được coi là quy luật tự nhiên của động vật máu nóng, thậm chí có thể là cho tất cả các dạng sinh vật khác. Điểm này hoàn toàn đối lập với quan niệm thông thường cho rằng thức ăn đóng vai trò quyết định. Theo như John Christian và V. C. Wynne-Edwards, việc cung cấp thức ăn chỉ liên quan gián tiếp tới những vòng tuần hoàn này.

Trong quá trình hình thành văn hóa bản địa và thống nhất các chuỗi thế giới thì sự khác biệt đến sẽ từ mỗi cá thể. Mỗi “thế giới” có riêng một hệ thống thụ cảm riêng, vì vậy những gì được dung nạp trong nền văn hóa này có thể sẽ không được tiếp nhận trong một nền văn hóa khác. Tương tự, một hành động gây hấn có thể gây ức chế với người này nhưng lại là bình thường với người khác. Tuy nhiên, một điều khá rõ ràng rằng: thị dân người Mỹ da màu và người nói tiếng Tây Ban Nha đang thực sự chịu nhiều áp lực. Không chỉ bởi bối cảnh xung quanh không phù hợp mà họ còn phải vượt qua những giới hạn chịu đựng. Hợp Chúng Quốc phải đối mặt với sự thật rằng hai cộng đồng sáng tạo và nhạy cảm này đang bị hủy hoại, giống như Samson (tiếng Hy Lạp: Σαμψών) là một trong 13 vị quan xét của người Israel cổ đại được đề cập đến trong Kinh thánh Hebrew, đây là người mạnh nhất từng được mô tả trong Kinh thánh có thể phá vỡ tất thảy công trình của loài người. Điều đó làm những người trong ngành xây dựng phải quan tâm. Giờ đây hoạt động xây dựng đã bắt đầu từ những nhu cầu về không gian của con người.

Là một công dân đóng thuế đều đặn cho chính phủ, tôi cho rằng việc xây dựng lại các thành phố với bất kể giá nào để nước Mỹ được trường tồn hơn đều thích đáng cả. Quan trọng nhất, tái thiết đô thị phải dựa trên nghiên cứu về nhu cầu con người và kiến thức về thế giới cảm quan của những nhóm thị dân khác nhau.

Những chương tiếp sau đây nói về bản chất của con người và mối quan hệ của con người với môi trường xung quanh. Thông điệp được đưa ra là:

Nhu cầu mở mang hiểu biết về vị thế của con người là cần thiết, đó phải là cái nhìn vừa hệ thống và vừa thực tế, không chung chung mà là về chính mỗi người. Chúng ta cần học cách đọc được thành thạo những “giao tiếp không lời” (silient communication) như với giao tiếp thông qua văn bản hoặc giọng nói. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ để “chạm tới trái tim” của người khác.

2. QUY TẮC KHOẢNG CÁCH Ở ĐỘNG VẬT

Những nghiên cứu so sánh giữa các loài động vật giúp chỉ rõ sự tác động của môi trường sống đến nhu cầu về không gian của con người. Ở thế giới động vật, chúng ta có thể dễ dàng quan sát chiều hướng, mức độ và tần suất chuyển biến hành vi diễn ra theo những thay đổi trong không gian – điều mà chúng ta ít khi thấy ở loài người. Thêm nữa, thử nghiệm trên động vật sẽ rút bớt thời gian quan sát do chu kỳ sinh sản ngắn. Một nhà khoa học, trong vòng bốn mươi năm, có thể quan sát 440 thế hệ chuột, trong khi với loài người thì cùng lắm là hai thế hệ. Và dĩ nhiên là có thể tránh những trách nhiệm về nhân mạng khi thử nghiệm trên động vật.

Phải nói thêm là động vật không hành động theo lý trí, vì vậy không có những vấn đề khuất lấp. Trong trạng thái tự nhiên, động vật phản ứng bất biến đến kinh ngạc. Điều đó cho phép con người quan sát những biểu hiện đặc biệt, lặp đi lặp lại của loài. Với việc quan sát cách sử dụng không gian của động vật, chúng ta có thể thu thập được một lượng kiến thức đủ lớn để có thể áp dụng với con người.

Lãnh thổ (territoriality) , là một khái niệm cơ bản trong lĩnh vực nghiên cứu hành vi động vật: một cá thể phân định một khu vực và ngăn chặn việc xâm lấn của đồng loại. Khái niệm trên được nhà điểu cầm học nhà động vật học chuyên nghiên cứu về các loại chim người Anh H.E. Howard miêu tả trong nghiên cứu ”Territory in Bird Life” được viết năm 1920. Howard phát biểu khái niệm trên dựa vào một số chi tiết, dù những nhà tự nhiên học ở thế kỷ 17 đã ghi nhận lại rất nhiều sự kiện trái ngược lại với những gì Howard ghi chép về quá trình hình thành lãnh thổ.

Những nghiên cứu về lãnh thổ lật lại nhiều ý niệm cơ bản của chúng ta về cuộc sống loài vật cũng như con người. Thành ngữ “tự do như chim” xuất hiện từ ý nghĩ của con người về mối quan hệ với tự nhiên. Con người nhìn nhận rằng loài vật tự do rong chơi trong thế giới của mình, trong khi bản thân anh ta lại bị “giam cầm” bởi xã hội. Những nghiên cứu về lãnh thổ chỉ ra điều ngược lại: loài vật cũng thường bị giam cầm trong lãnh địa của chúng. Sẽ thật đáng ngờ nếu một người thấu hiểu những gì đã-được-biết-đến về mối liên hệ của loài vật với không gian như Freud Sigmund Freud (tên đầy đủ là Sigmund Schlomo Freud; 6 tháng 5 năm 1856 – 23 tháng 9 năm 1939) nguyên là một bác sĩ về thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo. Ông là người đặt nền móng và phát triển học thuyết phân tâm học. lại cho rằng ưu thế của loài người có được là do năng lượng bị kìm nén đã được định hướng lại bằng những tiết chế văn hóa bắt buộc.

Lãnh thổ là nơi chứa đựng nhiều chức năng đặc biệt và một người nữa phát hiện ra điều đó là nhà tâm lý học động vật nổi tiếng người Thụy Sĩ H. Hediger, ông đã đưa ra những khía cạnh quan trọng của lãnh thổ và giải thích cô đọng về cơ chế hoạt động của nó. Theo ông, lãnh thổ đảm bảo sự sinh sôi của loài bằng việc điều tiết mật độ. Một nơi mà ở đó mọi việc đều có thể thực hiện, nơi để học hỏi, để chơi và ẩn náu. Vì thế, nó định hình những hoạt động của nhóm sinh vật và gắn kết nhóm đó lại với nhau. Nó duy trì khoảng cách giao tiếp của các cá thể và qua đó, báo hiệu xuất hiện của thức ăn hay kẻ thù. Động vật hiểu biết rất rõ về những đặc điểm khu đất trong lãnh địa. Khi nguy hiểm ập đến, loài vật có thể khai thác những lợi thế trong lãnh địa của mình để phản ứng lại một cách tự động (automatic response), hơn là cần thời gian để nghĩ về nơi trú ẩn.

Nhà tâm lý học C.R.Carpenter nhà linh trưởng học người Mỹ, một trong những người đầu tiên quay phim và quay video hành vi của linh trưởng trong môi trường tự nhiên của chúng. , người đầu tiên quan sát loài khỉ ngoài tự nhiên, liệt kê ra 32 chức năng của lãnh thổ, trong đó có hai chức năng quan trọng liên quan đến việc bảo vệ và tiến hóa của loài. Danh sách theo đó vẫn chưa hoàn thiện và cũng chưa phải đặc trưng cho tất cả các loài, nhưng nó thể hiện bản chất cốt lõi của lãnh thổ như một hệ thống hành vi, một hệ thống phát triển mạnh mẽ như cách thức đã diễn ra ở hệ thống giải phẫu. Thực tế, những đặc điểm khác biệt trong lãnh thổ được sử dụng để nhận diện loài, cũng giống như những đặc điểm về giải phẫu, đều được giới khoa học công nhận rộng rãi và coi đó như một nguyên tắc cơ bản.

Lãnh thổ bảo vệ loài khỏi kẻ ăn thịt và nhưng cũng bộc lộ ra nhược điểm của những kẻ yếu thế, vì vậy chúng càng kém cạnh trong việc giành quyền sinh sản. Mặt khác, lãnh thổ tạo điều kiện cho hoạt động sinh sản diễn ra an toàn. Nó cung cấp nơi trú ẩn và bảo vệ con non, ở một số loài còn là nơi tập trung chất thải và ngăn chặn hoặc giảm thiểu kí sinh trùng gây bệnh. Dẫu vậy thì một trong những chức năng quan trọng nhất của lãnh thổ là tạo khoảng cách hợp lý, một khoảng cách đủ để bảo vệ sinh vật khỏi sự hủy diệt của môi trường nơi mà chúng phải lệ thuộc vào.

Thêm nữa, để bảo vệ loài và môi trường sống, những chức năng cá thể và xã hội đều gắn với lãnh thổ. C.R. Carpenter thử nghiệm những quy luật liên quan đến sức mạnh giới tính, ưu thế trong lãnh thổ, và nhận ra rằng một con bồ câu bị thiến cũng sẽ chiến thắng các cá thể cùng loài khác khi đụng độ trong lãnh thổ của nó, dù rằng việc bị thiến thường dẫn đến việc mất đi chỗ đứng trong xã hội. Vì thế, trong khi những cá thể mạnh xác lập hướng phát triển chung của loài thì những cá thể yếu hơn cũng có thể thắng (giành quyền giao phối và sinh sản) ngay trên “sân nhà.” Điều đó giúp phong phú nguồn gen để duy trì sự đa dạng của loài, ngăn chặn những cá thể mạnh làm đông cứng hướng tiến hóa.

Lãnh thổ cũng có mối liên hệ với địa vị. Một chuỗi những thí nghiệm được tiến hành bởi nhà khoa học người Anh A. D. Bain trên những mối quan hệ thống trị bị thay đổi và thậm chí là đảo ngược, bằng việc thay đổi vị trí nguồn thức ăn. Khi chỗ cho ăn ở gần nhau hơn và gần với tổ, loài chim tận dụng những ưu thế mà nó không có khi ở xa.

Tương tự, con người cũng có lãnh thổ và tìm mọi cách để bảo vệ vùng đất mà họ cho là của mình. Sự gỡ bỏ đường biên và xâm phạm tài sản của người khác là những hành vi bị cấm trong xã hội phương Tây. Một gia đình sống nhiều năm (nhiều thế kỷ) trong lâu đài theo luật Anh được bảo vệ bởi những điều luật cấm đoán tìm kiếm bất hợp pháp và bắt giữ, ngay cả do các quan chức chính phủ tiến hành thực hiện. Cần rạch ròi giữa tài sản cá nhân và tài sản công, giống như lãnh thổ của một cá nhân và của một nhóm.

Chừng ấy chức năng cũng đủ để giúp ta thấy lãnh thổ là một hệ thống đặc trưng của sinh giới (tất nhiên có cả con người).

NHỮNG CƠ CHẾ ĐIỀU TIẾT KHOẢNG CÁCH TRONG THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT

Ngoài lãnh thổ là địa hạt riêng, vây quanh mỗi loài là một chuỗi các “bong bóng cá nhân” để duy trì cự ly hợp lý giữa những cá thể. Nhận ra điều này, Hediger đã liệt kê về một số loại khoảng cách phổ biến trong thế giới động vật. Hai trong số đó - khoảng chạy trốnkhoảng xung đột – biểu hiện rõ nét lúc các cá thể khác loài gặp nhau; trong khi khoảng cá nhânkhoảng xã hội có thể quan sát được trong quá trình tương tác đồng loại.

Khoảng chạy trốn - Flight Distance

Ai tinh ý đều biết rằng: một con thú hoang chỉ cho phép yếu tố tiềm ẩn nguy hiểm tiếp cận tới một khoảng cách nhất định, gần hơn là nó chạy mất. “Khoảng chạy chốn (flight distance) là khái niệm mà Hediger đưa ra cho cơ chế điều tiết khoảng cách này. Theo quy luật chung, kích thước của loài vật tỉ lệ thuận với khoảng chạy trốn của nó: động vật càng lớn thì khoảng cách mà chúng duy trì với địch thủ càng xa. Một con linh dương sẽ chạy khi kẻ xâm phạm cách nó 500 yard (457m). Khoảng cách đó ở loài thằn lằn là khoảng 6 feet (182m).

Có những cách đối phó khác với loài săn mồi, như ngụy trang, áo giáp bảo vệ, gai nhọn hay mùi hôi. Nhưng chạy là bản năng sinh tồn của động vật. Ở một số loài được thuần hóa thì bản năng này không còn. Trong sở thú, người ta đã điều chỉnh khoảng chạy trốn này đủ để con thú bị nhốt có thể di chuyển, ăn, ngủ mà không bị hoảng loạn vì người xem.

Con người là một loài vật tự thuần hóa, thế nhưng quá trình đó chỉ diễn ra một phần. Chẳng hạn, ta có thể thấy phản ứng chạy trốn của loài thú ở những người tâm thần phân liệt. Khi ai đó đến quá gần, những người này hoảng loạn, y như lúc con vật trong sở thú bị đoàn người bên ngoài xúm lại. Họ như thể “mất đi một phần bên trong” nếu có bất kì điều gì diễn ra trong khoảng chạy trốn. Đó là ranh giới của bản thân vượt ra ngoài cơ thể bằng xương bằng thịt. Kinh nghiệm từ những nhà trị liệu nhiều năm chăm sóc người tâm thần phân liệt cho thấy việc tự nhận ra bản thân có liên quan mật thiết với quá trình lập nên một ranh giới rõ ràng. Chúng ta có thể thấy sự tương đồng giữa ranh giới và bản ngã trong những bối cảnh văn hóa, sẽ được nói kĩ ở chương 11.

Khoảng xung đột - Critical Distance

Khoảng xung đột là một vùng mà trong đó, bất cứ khi nào, bất kì điều gì xảy ra đều dẫn đến phản ứng chạy trốn. Khoảng xung đột bao gồm cả lằn ranh giữa khoảng chạy trốn và khoảng tấn công. Một con sư tử trong sở thú sẽ chạy mất khi có người tiếp cận, nó chỉ đứng yên khi có rào chắn bảo đảm. Tiếp tục tiến tới gần đồng nghĩa với việc xâm nhập vào khoảng xung đột của con sư tử, khi đó nó sẽ quay ngược trở lại và lẩn đi.

Trong rạp xiếc, người ta đi theo phía sau sư tử để nó vượt qua được những chướng ngại vật, chẳng hạn như trèo lên một cái ghế đẩu. Muốn bắt nó đứng yên trên ghế, người phụ trách phải nhanh chóng bước ra khỏi khoảng xung đột. Tại thời điểm đó, con sư tử sẽ không đi tiếp. Ghế, roi, hay súng giống như gia vị cho món ăn tinh thần thêm đa dạng. Theo hiểu biết của mình, Hediger khẳng định khoảng xung đột cho từng loài động vật có thể đo chính xác tới từng xăng-ti-mét (cm).

Quần tụ và rải rác

Có thể thấy một sự phân chia không thể giải thích được trong thế giới động vật: một số loài túm tụm lại với nhau, vì cần có giao tiếp vật lý với các cá thể khác; một số khác thường tránh tiếp xúc. Dường như là không có logic nào cho việc phân loại này. Những sinh vật sống bầy đàn gồm hải cẩu, hà mã, lợn, rơi nâu, vẹt đuôi dài và nhím. Những loài như ngựa, chó, mèo, chuột, diều hâu và mòng biển đầu đen là loài sống đơn độc. Lạ thay khi có những loài cùng họ lại thuộc những loại khác nhau. Loài cánh cụt Hoàng Đế sống theo bầy. Để tăng khả năng chịu giá rét, chúng bảo toàn thân nhiệt thông qua hành vi tụm lại với nhau thành một nhóm lớn. Phạm vi cư trú của loài này mở rộng ra nhiều phần của Nam Cực. Trong khi đó, một loài nhỏ hơn là chim cánh cụt Adelie – loài sống đơn lẻ – với khả năng chịu lạnh kém hơn chim cánh cụt Hoàng Đế nên phạm vi hoạt động bị giới hạn.

Hành vi “túm tụm” có thể mang lại những chức năng gì, điều này vẫn là ẩn số. Có thể rằng, những loài sống bầy đàn sống gắn kết với nhau hơn nên tổ chức xã hội trong đàn (và cũng có thể là cách khai thác môi trường xung quanh) sẽ khác so với những loài sống riêng lẻ. Đơn độc thì càng dễ bị tổn thương khi áp lực và căng thẳng từ đám đông gia tăng. Rõ ràng rằng tất cả những loài máu nóng khởi đầu sự sống bằng một giai đoạn bầy đàn. Giai đoạn này chỉ là tạm thời với những loài sống riêng lẻ, cho tới khi những con non buộc phải (hoặc muốn) rời khỏi cha mẹ. Từ thời điểm này trong vòng đời, ta có thể quan sát được việc điều tiết khoảng cách giữa các cá thể.

Khoảng cá thể - Personal Distance

Khoảng cá thể là khoảng cách mà những loài sống riêng lẻ vẫn thường duy trì giữa chúng và đồng loại. Nó hoạt động như một bong bóng vô hình bao quanh lấy sinh vật. Khi hai bong bóng nằm ngoài nhau, hai cá thể sẽ không có liên hệ mật thiết như khi hai bong bóng đó lồng vào nhau. Tổ chức xã hội là một nhân tố tác động lên khoảng cá thể. Những con chiếm ưu thế có khoảng cá thể lớn hơn bọn “cấp dưới”, trong khi những con kém quan trọng hơn nhường chỗ cho “bề trên” của chúng. Glen McBride, một giáo sư người Úc nghiên cứu về chăn nuôi có những nhận định tỉ mỉ về việc điều chỉnh khoảng cách của loài gà nhà giống như một loại ưu thế. Nghiên cứu của ông về “tổ chức xã hội và hành vi” là minh chứng quan trọng để diễn giải điều này. Mối tương quan giữa khoảng cá thể và trạng thái của một cá thể dường như tồn tại ở tất cả các loài động vật có xương sống. Điều đó được ghi lại từ những loài chim và thú, bao gồm cả vùng đất của những con khỉ già ở Trung tâm khỉ Nhật Bản gần Nagoya.

Sự xâm chiếm là một yếu tố quan trọng trong quá trình hình thành động vật có xương sống. Một loài mạnh, hiếu chiến có thể loại bỏ những địch thủ yếu hơn. Dường như có một mối liên hệ giữa sự xâm chiếm và việc thể hiện ra bên ngoài: càng hiếu chiến thì càng thể hiện nó mạnh mẽ. Theo cách đó, hiện diện và xâm chiếm như một công cụ trong quá trình chọn lọc tự nhiên. Dù vậy, để bảo đảm cho sự tồn tại của loài, sự xâm chiếm cũng cần được điều tiết. Điều này có thể thực hiện bằng hai cách: cấp bậc hoặc khoảng cách. Những nhà tập tính học dường như đồng thuận rằng: tạo khoảng cách là một phương pháp mang tính nguyên bản nhiều hơn, vì nó đơn giản và ít có sự thay đổi.

Khoảng xã hội - Social Distance

Xã hội động vật cần có mối liên hệ giữa các cá thể với nhau. Việc mất đi liên hệ với đồng loại có thể gây tai họa vì nhiều lý do, trong đó có cả sự xuất hiện của kẻ ăn thịt. Khoảng xã hội không đơn thuần là khoảng cách địa lý (nghĩa là cá thể không nhìn thấy, không nghe thấy, không ngửi thấy sự hiện diện của đồng loại), mà nó còn là khoảng cách về mặt tâm lý (cá thể bắt đầu lo lắng rằng nó đã vượt quá “giới hạn”). Chúng ta có thể coi đó là một khái niệm ẩn.

Khoảng xã hội rất đa dạng, tùy vào từng loài. Nó rất ngắn – dường như chỉ khoảng 1 yard – với loài chim hồng hạc, song lại rất dài với một số loài chim khác. Nhà điểu cầm học người Mỹ E. Thomas Gilliard đã lý giải cách mà nhóm cá thể đực của những loài chim có lông sặc sỡ giữ liên lạc “trong cự ly hàng nghìn feet bằng tiếng hót và những âm thanh chói gắt khác.”

Khoảng xã hội không cố định một cách cứng nhắc mà nó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ở loài khỉ không đuôi và loài người, khi con non chưa hiểu được tiếng mẹ, khoảng xã hội chính là khoảng cách mà bà mẹ ấy có thể với tới. Điều ấy có thể quan sát được ở loài khỉ đầu chó trong sở thú. Khi con non tiếp cận một điểm nào đó, mẹ nó với tay ra để chộp lấy cái đuôi khỉ con và kéo nó lại. Nguy hiểm ập đến thì sự kiểm soát tăng thêm, khoảng xã hội co lại. Ta sẽ thấy hành vi tương tự khi quan sát một gia đình có trẻ nhỏ giữ đứa con khỏi chạy ra phố đông xe cộ đi lại.

Khoảng xã hội ở loài người có thể được mở rộng bằng các thiết bị hỗ trợ: điện thoại, tivi và radio xách tay. Một nhóm có thể tổ chức các hoạt động dù các thành viên ở rất xa. Ngày nay, khoảng xã hội tăng lên đang tái lập những thể chế xã hội và chính trị theo những phương thức mới.

Bầy hải mã đực nằm la liệt trên bờ biển Alaska
Loài thiên nga sống riêng lẻ, chúng không sít vào nhau như hải mã
Khoảng cá thể được biểu hiện rõ trong bức ảnh mấy con rùa đang phơi nắng trên một thanh gỗ trôi trên dòng nước ...
... hay trong bức ảnh này là những người đang chờ check-in lên máy bay

ĐIỀU TIẾT DÂN SỐ

Vùng Biển Bắc lạnh giá là nơi sinh sống của loài cua Hyas araneus. Điểm đặc trưng của loài này là bất kì con cua nào cũng sẽ có những khoảng thời gian nhất định trong vòng đời trở nên dễ bị tổn hại hơn các cá thể khác cùng loài. Một số sẽ phải chết để số lượng cá thể giảm xuống. Theo định kỳ, lúc một con rời cái vỏ cũ, thứ còn lại duy nhất bảo vệ nó là khoảng cách giữa nó và những con khác vẫn còn đang ở trong vỏ. Một khi con có-vỏ tiến đến đủ gần đồng loại không-có-vỏ thì cũng là lúc ranh giới về khứu giác biến mất, dẫn kẻ săn mồi tiến đến gần bữa ăn của nó.

Hyas araneus mang đến cho chúng ta một ví dụ về “khoảng xung đột” và “trạng thái xung đột.” Những thuật ngữ này được Wilhelm Schafer - giám đốc bảo tàng lịch sử tự nhiên Frankfurt - khởi xướng. Trong nỗ lực nghiên cứu về những chu trình sống căn bản, Schafer đã là người đầu tiên kiểm chứng về cách thức mà những sinh vật này điều tiết khoảng cách. Nghiên cứu năm 1956 là một hướng đi độc đáo về “cơn khủng hoảng của sự tồn vong”. Ông khẳng định xã hội động vật phát triển về số lượng cho đến khi đạt tới mật độ xung đột, vì thế một cơn khủng hoảng là điều phải xảy ra nếu xã hội đó muốn tồn tại. Đóng góp quan trọng của Schafer là phân loại “khủng hoảng” và tìm ra một mẫu số chung trong trong vô vàn phương thức mà đám đông mang lại. Schafer phân tích quy trình điều tiết số lượng cá thể có liên quan tới giải pháp cho những vấn đề sống quan trọng khác.

Như chúng ta vừa thấy mọi sinh vật đều có yêu cầu về khoảng không tối thiểu. Đó là “khoảng xung đột” của sinh vật. Khi dân số tăng lên quá nhanh dẫn đến khoảng xung đột không còn được bảo đảm, xuất hiện một “trạng thái xung đột.” Để giải quyết trạng thái này, đơn giản nhất là loại bỏ đi một số cá thể. Việc này có thể được giải quyết bằng rất nhiều cách, một trong số đó đã được minh họa ở ví dụ về loài cua Hyas araneus.

Cua là động vật sống đơn độc. Khi đến mùa sinh sản, phải tìm kiếm bạn tình, chúng sử dụng khứu giác. Thế nên sự sinh tồn của loài không thể nào trông vào những “kẻ lang thang” xa lắc xa lơ đến nỗi đồng loại của nó không thể “ngửi thấy.” Nhưng vẫn tồn tại khoảng xung đột mà mỗi con cua cần. Khi số lượng cua tăng, đạt đến điểm mà khoảng xung đột không còn được thỏa mãn, một số cá thể không-có-vỏ sẽ bị ăn thịt. Dân số trở về mức mà mỗi con cua đều có "khoảng không" cần thiết cho mình.

CHUỖI HÀNH VI CỦA CÁ LƯNG GAI

Loài cá lưng gai ở mức độ tiến hóa cao hơn nhiều loài cua, một giống cá nhỏ thường sống ở vùng nước nông tại châu Âu. Cá lưng gai trở nên nổi tiếng khi một nhà tập tính học người Hà Lan tên là Niko Tinbergen phát hiện ra những hiệu ứng phức tạp mà loài cá này tạo ra trong quá trình sinh sản. Tinbergen sau này đã chỉ ra rằng một vòng chu trình ngắn của hiệu ứng này làm số lượng cá thể giảm xuống.

Vào mùa xuân, mỗi con cá lưng gai đực vạch ra cho mình một lãnh thổ hình tròn, bảo vệ lãnh thổ đó trong một khoảng thời gian nhất định và dựng nên một cái tổ. Màu xám khó-nhận-biết của nó sẽ chuyển dần sang màu đỏ ở phần dưới miệng và phần bụng, màu xanh trắng ở phần lưng và màu xanh ở mắt. Sự thay đổi màu sắc này nhằm hấp dẫn con cái và cảnh báo các con đực khác.

Khi một con cái bụng căng phồng trứng bơi đến tổ, con đực sẽ bơi zigzag theo để trình diễn diện mạo sặc sỡ. Hành động đó sẽ lặp lại một số lần cho đến khi con cái theo con đực vào tổ. Chuyển từ trạng thái giao tiếp thị giác sang giao tiếp xúc giác, con đực sục mũi đều đặn vào phần chân gai của con cái, cho đến khi nó đẻ trứng. Con đực vào tổ thụ tinh cho trứng và đuổi con cái đi. Nó sẽ lặp lại việc này cho đến khi có bốn hoặc năm con cái đẻ trứng ở tổ của nó.

Khi quá trình giao phối kết thúc, con đực trở về trạng thái ban đầu với màu xám khó-nhận-ra. Nhiệm vụ của nó bây giờ là bảo vệ tổ và dùng vây ngực quạt nước giữ cho trứng có đủ oxy. Khi trứng nở, những con đực bảo vệ con non cho tới khi đủ khả năng tự vệ. Chúng sẽ ngậm những con non bơi lạc ra xa mang về tổ.

Chuỗi hành vi của loài cá gai – bao gồm đánh nhau, giao phối và mang con non về – có thể đoán trước được, nhờ đó Tinbergen có thể tiến hành một chuỗi thí nghiệm. Kết quả thu nhận được là những góc nhìn có giá trị về những hệ thống thông điệp hoặc tín hiệu hồi đáp theo những định hướng khác nhau. Cách tiếp cận theo hình zigzag của con đực là sự khiêu khích, cái diễn ra trước khi có việc gợi tình. Hình dạng căng phồng của con cái với bụng đầy trứng khiến con đực phải ve vãn. Sau khi con cái đẻ trứng, màu đỏ không còn hấp dẫn nó nữa. Nó sẽ không để trứng ở lại nếu không bị con đực giúi mũi vào lưng. Vì vậy, thị giác và xúc giác châm ngòi cho một loạt các hành vi kế tiếp.

Bản chất đoán-biết-trước-được của kết quả cho phép Tinbergen quan sát trạng thái thí nghiệm xảy ra khi chuỗi hành vi bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của quá nhiều cá thể đực và hiệu ứng đám đông của lãnh thổ cá nhân. Màu đỏ quá nhiều sẽ làm gián đoạn quá trình giao phối. Một số bước tiếp theo của chuỗi hành vi sẽ bị bỏ sót, trứng sẽ không được đặt vào tổ hoặc là không được thụ tinh. Với trạng thái quá đông đúc, những con đực sẽ đánh nhau cho đến khi có con chết.

LẬT LẠI HỌC THUYẾT MALTHUS

Ví dụ về cua và cá lưng gai cung cấp những thông tin hữu ích về mối liên hệ giữa mật độ với hoạt động sinh sản và điều tiết dân số. Khứu giác của con cua là yếu tố quan trọng để giãn cách và xác định số lượng tối đa cá thể cua có thể sống trong một diện tích mặt biển cho trước. Trong trường hợp của cá lưng gai, thị giác và xúc giác thiết lập một chu trình mà kết quả của nó diễn ra theo một kịch bản định trước. Đông quá thì chuỗi hành vi này sẽ không diễn ra, quá trình sinh sản cũng bị làm rối loạn. Trong tất cả các loài động vật, độ nhạy của cơ quan thụ cảm – khứu giác, thị giác, xúc giác hay kết hợp một vài thứ – sẽ thiết lập khoảng cách thích hợp cho mỗi cá thể có thể sống và tiếp tục vòng sinh sản. Nếu không duy trì được khoảng cách phù hợp, chúng sẽ chết trong cuộc chiến sinh tồn với đồng loại, gây nên số lượng thiệt mạng nhiều hơn cả nạn đói, dịch bệnh hay kẻ săn mồi.

Học thuyết Malthus Thomas Robert Malthus, (13 tháng 2 năm 1766 – 23 tháng 12 năm 1834), hội viên FRS, là một nhà nhân khẩu học, nhà kinh tế học người Anh. Ông là một trong những đại biểu của kinh tế học cổ điển. Malthus có nhiều đóng góp vào các học thuyết kinh tế và các đóng góp vào lĩnh vực dân số, đặc biệt là vấn đề sự gia tăng dân số thông qua Thuyết dân số của ông. nói đến mối liên hệ giữa dân số và việc cung cấp thức ăn, điều này cần được kiểm chứng lại. Nhiều thế kỉ trước, người Scandinavi đã chứng kiến cuộc di chuyển thành đàn của những con chuột tới bờ biển. Hành động tự tử tương tự cũng diễn ra với loài thỏ khi quy mô đàn quá lớn. Người bản địa trên một số đảo ngoài khơi Thái Bình Dương cũng nhìn thấy những con chuột tự kết liễu đời mình. Hành vi kì lạ này ở một số loài vật có thể mường tượng được, cho dù vẫn chưa xác định được nhân tố bên trong nào làm những con chuột “ngu ngốc” đến vậy.

Thời Thế chiến thứ hai, một số ít nhà khoa học đã bắt đầu nghi ngờ rằng có nhiều nguyên nhân điều tiết dân số hơn là kẻ săn mồi hay thức ăn, và đó là lý do dẫn tới hành vi tự tử của lũ chuột. Trong khoảng thời gian giảm sút số lượng, thức ăn phong phú và không có xác chết mang dấu hiệu của nạn đói.

John Christian, một nhà tập tính học được đào tạo về y khoa, là một trong những người nghiên cứu về hiện tượng này. Năm 1950, trong luận văn của mình, ông ấy đưa ra giả thiết: tăng hay giảm số lượng cá thể trong các loài thú do một cơ chế sinh lý điều tiết, gọi là mật độ. Ông ấy đưa ra luận điểm rằng khi số lượng cá thể trong một diện tích nhất định tăng lên, căng thẳng gia tăng cho đến khi những phản kháng từ bên trong diễn ra nhằm sụt giảm dân số.

Christian cần nhiều dữ liệu và đã có cơ hội quan sát về hiện tượng suy giảm dân số ở một loài thú. Lý tưởng nhất là nghiên cứu một quần thể, quan sát những phản kháng trước, trong và sau khoảng thời gian sụt giảm số lượng cá thể. May mắn là quá trình hình thành bầy Hươu trên đảo James đã thu hút sự chú ý của giới khoa học trước khi quá muộn.

HIỆN TƯỢNG HƯƠU CHẾT ĐỘT NGỘT TRÊN ĐẢO JAMES

Khoảng mười bốn dặm về phía tây Cambridge, Maryland, và gần hơn khoảng một dặm về phía vịnh Chesapeake là đảo James, với diện tích nửa dặm vuông, tương đương với 280 acre, không người sinh sống. Vào năm 1916, đây là nơi trú ngụ của bốn đến năm cá thể hươu sao (tên khoa học là Cervus Nippon). Sinh sản tự do, bầy hươu đông dần cho đến khi số lượng đạt khoảng từ 280 đến 300, tương ứng với mật độ một con trên một acre. Thời điểm đó là năm 1955.

Cùng năm, Christian bắt đầu giải phẫu chi tiết 05 cá thể hươu sao, về các nội quan: tuyến thượng thận, tuyến ức, lá lách, tuyến giáp, tuyến sinh dục, cật, gan, phổi và những mô khác. Nội dung ghi chép bao gồm: tiêu hoá, tuổi, giới tính và những điều kiện chung, cũng như có hay không sự tích lũy mỡ dưới da, trong bụng hay giữa các cơ bắp đều được ghi lại.

Sau mỗi lần ghi chép, những người quan sát dừng lại chờ đợi. Năm 1956 và 1957 không có thay đổi gì diễn ra. Nhưng ba tháng đầu năm 1958, một nửa số hươu chết, 161 thi thể được tìm thấy. Năm sau đó có nhiều con chết thêm và bầy hươu được duy trì ổn định quanh con số 80. Người ta lấy mười hai con hươu cho việc nghiên cứu mô học vào giữa tháng ba năm 1958 và tháng ba năm 1960.

Nguyên nhân gì đã gây ra cái chết đột ngột của 190 con hươu trong vòng hai năm? Không phải là nạn đói, vì thức ăn được cung cấp đủ. Thực tế thì tất cả những con hươu đem về làm mẫu nghiên cứu đều ở trong tình trạng rất tốt, màu lông sáng, cơ bắp phát triển tốt và có tích lũy mỡ giữa các cơ bắp.

Những cái xác thu thập trong hai khoảng thời gian 1959-1960 và 1956-1957 giống nhau ở tất cả những chi tiết bên ngoài, ngoại trừ một thứ. Những thi thể sau thời kì số lượng sụt giảm và ổn định dân số lớn hơn về kích thước so với những con trước và trong thời kì chết đột ngột. Những con đực năm 1960 nặng hơn 34% so với những con năm 1958, nặng hơn 28% so với những con thu thập trong thời kì 1955-1957.

Từ 1955 đến 1958, trong thời kì mật độ cực đại và chết đột ngột, khối lượng của tuyến thượng thận trên cá thể hươu sao không thay đổi. Cân nặng một cá thể hươu giảm 46% giữa hai năm 1958 và 1960. Trong những con chưa trưởng thành (chiếm tỉ lệ thương vong cao), khối lượng tuyến thượng thận giảm 81% sau thời kì chết đột ngột. Những thay đổi quan trọng cũng diễn ra trong cấu trúc tế bào tuyến thượng thận trên cả những con còn sống. Trong tài liệu của Christian, điều quan trọng là phải làm sáng tỏ những đặc điểm nổi bật quan sát được ở tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận đóng vai trò cốt yếu trong việc điều tiết sự phát triển, sinh sản và nâng cao sức đề kháng. Kích thước và khối lượng của cơ quan quan trọng này phụ thuộc vào mức độ căng thẳng. Khi cơ thể thường xuyên chịu sức ép, để đối phó với những trường hợp khẩn cấp, tuyến thượng thận phình ra và hoạt động mạnh hơn, là biểu hiện của sự căng thẳng và điều đó mang một ý nghĩa to lớn.

Thời tiết lạnh giá vào tháng hai năm 1958 đã ngăn loài hươu không vượt qua sông để tới vùng lục địa vào buổi đêm, và cuộc di cư bị trì hoãn, tình trạng căng thẳng trầm trọng hơn. Một số lượng lớn chết vì trời lạnh và không được giải toả sức ép kịp thời.

Từ những hiện tượng bơi đêm, căng thẳng và chọn lọc tự nhiên, vào năm 1961, Christian khẳng định: “Chết chóc hiển nhiên là kết quả từ những thay đổi đột ngột theo sau sự nhiễu loạn chuyển hóa, đa phần là hậu quả của việc cơ thượng thận hoạt động liên tục kéo dài. Không có bằng chứng nào về nhiễm trùng, thiếu ăn hay những nguyên nhân hiển nhiên khác để giải thích cho việc chết hàng loạt.”

Nghiên cứu của Christian là một sản phẩm hoàn thiện, không phụ sự mong đợi của giới khoa học. Dù vậy, vẫn có một vài câu hỏi về hành vi của loài hươu dưới áp lực “dân số” vẫn chưa được giải đáp cho đến khi có cơ hội thực hiện nó. Ví dụ, chúng gây hấn với nhau không? Có phải đó là lý do cho việc 90% thi thể trong thời kì chết đột ngột là con cái đang mang thai? Hi vọng rằng, điều đó có thể được giải đáp bằng chu kì một năm quan sát trong thời gian tới.

SỰ ĂN THỊT VÀ SỐ LƯỢNG CÁ THỂ

Ít kịch tính nhưng thực tế, dẫn chứng bổ sung của Paul Errington cho thấy học thuyết Malthus không thể giải thích cho hầu hết những hiện tượng chết đột ngột. Errington tìm ra điều đó nhờ quá trình khám nghiệm phần bụng loài cú, gồm cả con non, con già, con chưa trưởng thành, con bị bệnh (những con quá chậm để thoát khỏi kẻ săn mồi). Trong một nghiên cứu về loài muskrat , ông ấy tìm ra được rằng nhiều cá thể chết trong thảm kịch (mà nhìn bề ngoài như một hệ quả của một sự kháng cự kém hơn dưới sức ép “dân số”) nhiều hơn là chết bởi tranh nhau thức ăn. Hai lần trong một năm, xác những con muskrat được tìm thấy trong chính tổ của chúng. Errington khẳng định rằng muskrat có chung xu hướng phát triển bản năng dưới sức ép của đám đông. Ông ấy cũng chỉ ra rằng đám đông đặt ra một giới hạn nào đó trong tỉ lệ sinh của những con muskrat.

Ngày nay, nhiều nhà tập tính học đã đi đến kết luận của chính mình rằng mối quan hệ kẻ săn mồi – con mồi là một dạng cộng sinh, ở đó kẻ săn mồi không kiểm soát số lượng cá thể loài mà hơn thế, chúng duy trì một sức ép từ môi trường sống – một tác nhân cải thiện giống loài. Thật thú vị khi biết rằng, nghiên cứu không chú trọng vào điều này. Một ví dụ gần đây được miêu tả chi tiết bởi nhà sinh học Farley Mowat, người đã được gửi đến Arctic theo chương trình của chính phủ Canada để xác minh số lượng tuần lộc caribou bị sói ăn thịt. Những bầy tuần lộc giảm dần về số lượng nên sói có thể dễ dàng tiêu diệt các con trong bầy. Farley nhận ra rằng: (a) những con sói chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong nguyên nhân cái chết của những con tuần lộc; (b) những con sói cùng với hoạt động ăn thịt là yếu tố quan trọng giúp bầy tuần lộc khỏe mạnh; và (c) tuần lộc là nguồn thức ăn cho lũ chó đang giảm dần số lượng trong mùa đông. Theo cuốn sách “Never Cry Wolf” của Farley Mowat, những con sói bắt đầu bị nhiễm trùng có hệ thống. Theo Mowat, dù không thể thống kê thêm về những mất mát của loài sói Arctic thì cũng không nênn quên đi bài học ở đây. Một trong nhiều ví dụ đơn giản cho thấy sự tham lam ngắn hạn có thể đe dọa đến cân bằng tự nhiên như thế nào. Khi những con sói đi mất, bầy tuần lộc sẽ tiếp tục giảm số lượng vì kẻ săn mồi vẫn còn đó, nhưng sự giảm sẽ không còn mạnh như trước vì áp lực từ loài sói đã không còn.

Những ví dụ trên đây là thử nghiệm tự nhiên căn bản. Điều gì xảy ra khi một yếu tố kiểm soát được đưa vào và số lượng cá thể loài tăng lên tự nhiên với nguồn thức ăn dồi dào nhưng thiếu mất kẻ săn mồi? Những thử nghiệm và những nghiên cứu được miêu tả trong chương sau sẽ gợi mở rõ ràng hơn một chút, rằng kẻ săn mồi và thức ăn không đóng vai trò quan trọng như chúng ta nghĩ. Điều đó chứng minh tường tận vai trò của sức ép đám đông như một yếu tố kiểm soát số lượng và giúp chúng ta hiểu rõ được những cơ chế sinh hóa trong hoạt động này.

3. ĐÁM ĐÔNG VÀ HÀNH VI XÃ HỘI Ở ĐỘNG VẬT

NHỮNG THÍ NGHIỆM CỦA CALHOUN

Thí nghiệm được thực hiện vào năm 1958, ở ngoại ô Rockville, Maryland. Một chiếc chuồng được xếp từ đá hộc phục vụ thí nghiệm, nó “tự nhiên” đến nỗi người qua đường cũng chỉ nghĩ nó là một đống đá. Thực tế, nhà tập tính học John Calhoun đã dựng lên để dự trù cho nhu cầu về nguyên liệu của những con chuột trắng Na Uy đã thích nghi quen với môi trường bản địa. Calhoun mong muốn tạo ra một môi trường mà ở đó có thể quan sát hành vi của sinh vật ngoại lai này bất cứ lúc nào.

Thực tế, những thí nghiệm trong chuồng đá chỉ là đoạn đầu tiên của một chương trình nghiên cứu mười bốn năm. Vào tháng ba năm 1947, Calhoun bắt đầu nghiên cứu những biến động số lượng dưới điều kiện tự nhiên bằng việc đưa năm con chuột có thai vào một khu đất ngoài trời rộng một phần tư acre, kéo dài trong hai mươi tám tháng. Ngay cả với một lượng thức ăn dồi dào và không có nguy hiểm rình rập từ loài ăn thịt, số lượng cá thể chuột vẫn không bao giờ vượt quá 200, thường chỉ ổn định ở mức 150. Sự khác biệt giữa những thử nghiệm được thực hiện trong-phòng-thí-nghiệm và những gì xảy ra ngoài-tự-nhiên được nhấn mạnh trong ba nghiên cứu. Calhoun nhấn mạnh: trong hai mươi tám tháng nghiên cứu, 05 cá thể chuột cái có thể sinh sản ra 50 000 con non, nhưng không gian được cung cấp không thể đủ cho số lượng ấy. 10 000 feet vuông thì đủ cho tối đa 5000 con, nghĩa là mỗi con sở hữu 2 feet vuông. Nếu tiêu chuẩn diện tích cho mỗi con giảm xuống 8 inch, 50 000 con chuột không thể sinh hoạt thoải mái nhưng vẫn duy trì được sức khỏe. Câu hỏi mà Calhoun đặt ra là: tại sao số lượng cá thể lại chỉ giới hạn ở mức 150 bên ngoài tự nhiên?

Calhoun đã phát hiện ra rằng ngay cả với mật độ 150 con chuột trong một phần tư acre thì việc cạnh tranh để giành lấy sự chăm sóc của con mẹ vẫn diễn ra, chỉ có một số ít con non còn tồn tại sau đó. Thêm nữa, tuy sống rải rác trên toàn bộ diện tích, nhưng lũ chuột được tổ chức thành mười hai hoặc mười ba nhóm theo từng tá. Ông cũng nhấn mạnh rằng mười hai là số lượng tối đa để lũ chuột có thể sống hài hòa theo nhóm (thực ra là chúng vẫn gây gổ với nhau, tất cả những hiệu ứng tâm lý được miêu tả trong phần cuối của chương 2).

Kinh nghiệm thu thập được trong hai tám tháng giúp Calhoun thiết kế một chuỗi những thí nghiệm. Ở đó số lượng chuột có thể tăng lên một cách tự do, đồng thời người ta có thể quan sát chi tiết mà không làm ảnh hưởng đến hành vi tương tác qua lại của những con chuột.

Kết quả của những thí nghiệm này cho chúng ta biết (a) cách giải quyết tuyệt vời của Tạo Hoá thông qua hành vi của sinh vật dưới những điều kiện đông đúc khác nhau và (b) đám đông có những ảnh hưởng đáng kinh ngạc thế nào đến hành vi xã hội. Cùng với nghiên cứu của Christian (nghiên cứu về hươu trên đảo James, chương 2), cộng thêm hàng trăm thí nghiệm và quan sát về động vật (từ loài gặm nhấm cho đến con người), nghiên cứu của Calhoun thực sự đáng chú ý.

Khi tiến hành loại nghiên cứu kiểu này, các nhà tâm lý học làm theo cách truyền thống, nhằm cố gắng kiểm soát hoặc loại trừ tất cả các biến số không liên quan để có thể thao tác theo ý muốn (thông thường, họ giữ lại một hoặc hai biến số). Chiếu theo thông lệ đó, thí nghiệm của Calhoun thật khác thường. Hầu hết các nghiên cứu chỉ áp dụng cho phản ứng riêng của từng cá thể. Tuy nhiên, các thí nghiệm của Calhoun đã giải quyết vấn đề cho những nhóm lớn và phức tạp. Bằng cách chọn những đối tượng có vòng đời ngắn, ông đã có thể khắc phục một sai sót phổ biến của các nghiên cứu về hành vi nhóm: vì thời lượng nghiên cứu rất hạn chế nên không thể hiện được ảnh hưởng tích lũy của một tập hợp trạng thái nhất định qua nhiều thế hệ. Phương pháp của Calhoun là phương pháp tốt nhất trong khoa học truyền thống. Sau một hoặc hai lần chu kỳ mười-sáu-tháng, khi số cá thể tăng dần và thí nghiệm diễn ra mà không có nội dung cụ thể, ông mới tiến hành sáu lần thí nghiệm chính thức, bắt đầu từ năm 1958 và kết thúc vào năm 1961. Những phát hiện từ nghiên cứu vẫn có nhiều ẩn số, hứa hẹn sẽ còn tạo ra nhiều góc nhìn mới và sâu sắc trong những năm tới.

Phương án thí nghiệm

Chuồng Rockville mà Calhoun dựng lên có ba căn phòng rộng từ 10 đến 14 foot, có cửa sổ rộng từ 3 đến 5 foot mở xuyên sàn để quan sát. Cách sắp đặt này cho phép người quan sát có được cái nhìn đầy đủ về căn phòng bất cứ lúc nào, ngày hay đêm, mà không làm phiền lũ chuột. Mỗi phòng được chia thành bốn khu bởi các vách ngăn tích điện (tránh cho chuột không trèo qua tường, lối đi duy nhất sang khu bên cạnh là chiếc cầu trượt). Mỗi khu là một đơn vị ở hoàn chỉnh, có một cái phễu thức ăn, một cái rãnh uống nước, nơi để làm tổ (những tháp cao để quan sát) và vật liệu làm tổ. Đường nối qua hàng rào điện kết nối tất cả các khu, trừ hai khu I và IV. Bốn khu được xếp thành hình vuông để tiết kiệm diện tích.

△ Thí nghiệm Calhoun

Kinh nghiệm với loài chuột hoang cho thấy: một phòng có thể có từ 40 đến 48 con chuột. Nếu được phân chia bằng nhau, mỗi khu sẽ chứa một nhóm 12 con chuột, cũng là số lượng tối đa của một nhóm để những “căng thẳng đám đông” không xảy ra.

Để bắt đầu nghiên cứu, một lần nữa, ở mỗi khu, Calhoun đặt một hoặc hai con cái mang thai sinh con, còn đâu là đủ loại, từ con non đến con trưởng thành. Cân bằng giới tính được duy trì bằng cách loại bỏ phần dư thừa, để chuỗi thí nghiệm đầu tiên của ông bắt đầu với 32 con chuột, con của 05 con cái. Sau đó, những đường dốc nối được đặt lại chỗ cũ và tất cả chuột được phép tự do hoàn toàn di chuyển trong bốn khu. Chuỗi thí nghiệm thứ hai bắt đầu với 56 con chuột, và các mẹ chuột đã được loại ra khi những con non cai sữa. Như trong loạt đầu tiên, các đường dốc nối được đặt lại để những con trưởng thành có thể qua lại tất cả các khu.

Từ thời điểm này, sự can thiệp của con người đã chấm dứt, trừ việc loại bỏ những con sơ sinh thừa (điều này được thực hiện để ngăn chặn số lượng cá thể vượt quá giới hạn 80, tức là gấp đôi mức có-thể-chấp-nhận thông thường). Calhoun lý luận rằng nếu ông không duy trì mức an toàn này, quần thể này sẽ hứng chịu một cuộc sụp đổ dân số tương tự trường hợp của hươu sao, sau đó số lượng cá thể sẽ không phục hồi được. Chiến lược của ông là duy trì lũ chuột trong một trạng thái căng thẳng: ba thế hệ chuột chung sống. Điều đó giúp ông có thể nghiên cứu tác động của áp lực dân số không chỉ lên các cá thể mà còn lên nhiều thế hệ.

00:00Thí nghiệm "không nội dung" ban đầu
05:55Calhoun vẽ biểu đồ
28:08Thí nghiệm chính thức với 4 khu I, II, III, IV

Quá trình phát triển vùng trũng

“Vùng trũng” thực ra là cách nói hình tượng của vật dụng chứa chất thải. Calhoun dùng thuật ngữ “vùng trũng hành vi” – “behavioral sink” để chỉ sự suy đồi hành vi xuất hiện ở đa số các cá thể chuột trong chuồng Rockville. Một hiện tượng mà ông ấy tin là “hậu quả của bất kì quá trình hành vi nào khi tập trung một số lượng lớn sinh vật sống cùng với nhau; không hề ngẫu nhiên khi xuất hiện dấu hiệu bệnh tật: một vùng trũng hành vi làm trầm trọng thêm căn bệnh trong nhóm”.

Vùng trũng hành vi là hiện tượng rối loạn trong nhiều hoạt động, bao gồm việc xây tổ, tán tỉnh, tình dục, sinh sản và tổ chức xã hội. Hoạt động khám nghiệm xác chuột cũng chỉ ra những hiệu ứng rối loạn tâm lý trầm trọng.

Vùng trũng hành vi xảy ra khi mật độ dân số tăng gần gấp đôi. Khái niệm “mật độ” phải được hiểu rộng hơn định nghĩa thông thường là tỉ số giữa số cá thể và diện tích. Chỉ riêng yếu tố mật độ thì hiếm khi gây ra căng thẳng trong bầy đàn.

Để hiểu được ý tưởng của Calhoun, chúng ta cần quan sát những con “choai choai”, từ khi chúng được tự do rong chơi qua bốn khu đến khi “vùng trũng” hình thành. Trong trạng thái chưa đông đúc, có một giai đoạn ngắn mà lũ choai choai ấy (đã đến tuổi giao phối) đánh nhau cho đến khi thiết lập được một trật tự ổn định. Ở chuỗi thí nghiệm đầu tiên (trong hai chuỗi được miêu tả bên trên), hai con chuột đực lập lãnh địa ở khu I và IV. Mỗi con duy trì một “đội hình” 08 đến 10 con chuột cái, vì vậy đàn của chúng cân bằng và phù hợp với những nhóm chuột được quan sát trong khu một-phần-tư-arce. 14 con chuột còn lại phân tán trong khu II và III. Khi dân số tăng lên 60 hoặc hơn, cơ hội “kiếm ăn” của mỗi con đều giảm xuống, bởi phễu chỉ được thiết kế cho những viên thức ăn nhỏ rơi xuống từ từ. Những con chuột ở khu II và III có điều kiện thuận lợi hơn, chúng ăn cùng những con khác. Những quan sát viên tiết lộ rằng khi hoạt động ở những khu giữa được định hình, cái phễu thức ăn ở đó được sử dụng thường xuyên hơn ba đến năm lần ở hai khu cuối, và hiện tượng vùng trũng hình thành từ đó. Và rồi cứ như thế, mô hình hành vi thông thường bị phá vỡ.

Tán tỉnh và giao phối

Tán tỉnh và tình dục ở loài chuột Na Uy thường liên quan đến một hệ quả của những biến cố. Những con chuột đực có khả năng phân biệt ba nhóm cơ bản trong việc lựa chọn bạn tình. Thứ nhất, chúng lập ra nhóm những con cái bình thường và từ đó so sánh để nhận ra điểm khác biệt giữa cá thể trưởng thành và chưa trưởng thành. Sau đó chúng phải tìm ra một con cái ở trạng thái động dục. Bằng thị giác và khứu giác, con đực phát hiện ra, nó sẽ đuổi theo con cái. Con cái chạy, nhưng không quá nhanh và chúi thật lẹ vào cái hang, chạy vòng quanh và ngẩng đầu nhìn theo con đực. Con đực cũng chạy vòng quanh miệng hang và bắt đầu “nhảy múa”. Khi điệu nhảy kết thúc, con cái dời khỏi hang và leo lên trên. Trong suốt quá trình giao phối, con đực sẽ ngoạm nhẹ vào phần da trên cổ con cái.

Khi “vùng trũng” hình thành ở khu II và khu III, mọi thứ thay đổi. Có thể phân loại ra như sau:

  1. Những cá thể trội có biểu hiện bình thường.

  2. Những con đực thụ động tránh cả đánh nhau lẫn quan hệ tình dục.

  3. Những con “cấp dưới” tăng động sẽ dành thời gian đuổi bắt những con cái. Ba hoặc bốn con có thể quấy rầy một con cái cùng lúc. Trong suốt quá trình đeo bám, chúng không chiếm được cảm tình; thay vào đó, chúng bị “cấm cửa” khi vào hang. Lúc trèo lên, những con đực này thường “canh” con cái trong vòng vài phút, thay vì hai hay ba giây.

  4. Những con đực loạn giới (pansexual) thì cố gắng ghép đôi với một con bất kì. Con đực cũng như con cái, con non cũng như con già: “cộng sự” nào cũng được.

  5. Một số con đực thu mình trước tập thể và thôi quan hệ tình dục, chúng thường ra ngoài khi những con chuột khác đang ngủ.

Dựng tổ Nest Building

Cả chuột đực và chuột cái đều tham gia vào việc xây tổ nhưng phần đa do con cái làm. Vật liệu được chuyển vào trong hang, xếp chồng lên và tổ được đục lỗ để đặt con non vào trong. Trong nghiên cứu Rockville, những con cái trong “hậu cung” ở khu I, khu IV và những con khác không ở trong trạng thái “vùng trũng” là “những người quản gia xuất sắc”; chúng đi lại trật tự và giữ gìn khu vực xung quanh tổ. Những con cái “vùng trũng” trong khu II và khu III thường không thể làm xong tổ. Chúng mang tấm vật liệu lên trên dốc rồi lại đột nhiên để rơi xuống. Vật liệu mang đến làm tổ được thả vào trong khu vực chung hoặc chất lên một đống mà không bao giờ được đục rỗng, vì thế những con non “vương vãi khắp nơi” và chỉ số ít sống sót được.

Chăm sóc con non

Thông thường, những con cái lao động vất vả để việc xả thải đi vào quy củ. Nếu một con non lạ xâm nhập thì con cái sẽ loại bỏ ngay. Khi những cái tổ không được che chắn, những con non được chuyển chỗ mới để được bảo vệ nhiều hơn. Những con chuột mẹ “vùng trũng” trong nghiên cứu Rockville đã thất bại trong việc sắp đặt trật tự cho con non. Chất thải bắt đầu lộn xộn; những con non chui lên và thường bị những con đực tăng động khác xâm nhập vào tổ rồi ăn mất. Khi một cái tổ bị bung ra, con mẹ sẽ bắt đầu mang con non đi, nhưng việc di chuyển thường không hoàn hảo và suôn sẻ. Những con non được chuyển ra ngoài tới một cái tổ khác. Trong quá trình di chuyển, một vài con bị rơi ra và trở thành miếng mồi cho những con chuột khác.

Lãnh thổ và tổ chức xã hội

Loài chuột Na Uy phát triển một mô hình tổ chức xã hội đơn giản: một nhóm gồm 10 đến 12 cá thể được phân hạng cụ thể, bảo vệ một lãnh thổ chung của nhóm. Nhóm có một con đực đầu đàn và tỉ lệ dân số ở cả hai giới thường xuyên thay đổi. “Cấp trên” không phải “trì hoãn” nhiều như những “cấp dưới”. Trạng thái của những con chuột được biểu thị một phần thông qua khu vực hoạt động của chúng trong lãnh địa: càng hưng phấn thì càng đi lại nhiều khu.

Những con đực đầu đàn trong “vùng trũng” có khả năng lập riêng một lãnh địa. Hoạt động “thay ca” quanh khu vực ăn diễn ra ba lần mỗi ngày, đàn chuột đánh lộn đến trầy da tróc thịt để dành được quyền “vào ca”. Mỗi nhóm có một con đực đầu đàn. Ba con chuột đầu đàn ngang hàng nhau, nhưng thứ bậc không như nhau. Trong môi trường tự nhiên, đẳng cấp xã hội ổn định một cách đáng ngạc nhiên, trái ngược hẳn với trong môi trường “vùng trũng”. “Cứ đều đặn trong khoảng thời gian hoạt động, những con đực đứng đầu lao vào cuộc chiến chuyển giao quyền lực”.

Một cách hình thành xã hội khác mà Calhoun gọi là những “giai cấp” chuột. Những “giai cấp” này chia nhau ở trong cùng một lãnh địa và có đặc điểm hành vi tương tự nhau. Chức năng của “giai cấp” rõ ràng là để hạn chế xung đột giữa những con chuột. Thông thường có tới ba “tầng lớp” trong một quần thể.

Gia tăng mật độ dân số dẫn đến hình thành các “giai cấp” và “tầng lớp”. Bằng cách cướp hang khi đuổi theo con cái, những con chuột tăng động không chỉ ghép cặp nhiều hơn mà còn chiếm lấy phần lãnh thổ. Chúng chạy quanh một hố, đẩy vào, thăm dò, khám phá, kiểm tra. Dường như chúng chỉ sợ mỗi con đực đầu đàn nằm ở cuối khu I và khu IV đang bảo vệ lãnh địa và hậu cung của nó ở tất cả các góc.

Những ưu thế của cộng đồng và cá thể hình thành từ lãnh thổ và quan hệ thứ bậc ổn định được chứng minh rõ ràng bởi những con chuột sống trong khu I. Từ cửa sổ quan sát, có thể thấy rõ một con đực khỏe mạnh đang ngủ ở phần chân dốc. Trên đỉnh dốc, một nhóm nhỏ những con đực tăng động đang dò xét nó để lựa đường đi xuống. Để chặn “đám lắt nhắt” phía trên, con đực chỉ cần mở mắt ra.

Thỉnh thoảng, những con cái cũng chạy ra khỏi hang, ngang qua con đực đang ngủ, trèo lên dốc mà không đánh thức kẻ đầu đàn, rồi quay trở lại trong chốc lát. Theo sau nó là một đám đực rựa, chúng chỉ dừng lại khi tới đỉnh dốc. Vượt qua điểm này, con cái sẽ không bị quấy rầy và có thể mang theo và chăm sóc con non tránh khỏi những lộn xộn dưới “vùng trũng.” Kết quả ghi chép cho thấy con cái thực hiện hành động này từ 10 đến 25 lần. Nó có thể mang theo nhiều con non nhưng chỉ khoảng 50% (hoặc quá bán chút đỉnh) là có thể sống sót sau khi cai sữa.

Những kết quả sinh lý học của vùng trũng

Giống như loài hươu Sika, “vùng trũng” đẩy những cá thể cái và con non lâm vào tình cảnh khó khăn nhất. Tỉ lệ tử vong ở con cái cao gấp 3,5 lần con đực. Trong số 558 cá thể mới được sinh ra, chỉ có một phần tư trong số đó sống sót sau khi cai sữa. Những con chuột có mang sẽ tiếp tục gặp vấn đề về thai sản. Mức độ sảy thai tăng lên đáng kể, trong khi những con cái bắt đầu chết dần vì rối loạn tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Khám nghiệm tử thi, người ta phát hiện ra các khối u tuyến vú và cơ quan sinh dục. Thận, gan, và tuyến thượng thận cũng bị phình ra hoặc bị bệnh, cho thấy các dấu hiệu thường gắn liền với sự căng thẳng cực đoan.

Hành vi gây hấn

Theo Konrad Lorenz, nhà tập tính học người Đức, người viết cuốn “Man Meets Dog”, hành vi gấn hấn thông thường sẽ đi cùng những dấu hiệu dập tắt việc thúc đẩy chiến sự khi mọi thứ đã trở nên “đủ.” Những con chuột đực “vùng trũng” thất bại trong việc ngăn chặn xâm lấn, và đơn độc, hung hăng cắn đuôi bất ngờ. Hành vi này diễn ra trong vòng ba tháng, cho tới khi những con trưởng thành tìm ra các ngăn chặn việc cắn đuôi đồng đội, song những con non chưa được học cách tránh sẽ vẫn gặp nguy.

Vùng trũng không phát triển

Chuỗi thí nghiệm thứ hai đã chứng minh mối liên hệ quan trọng giữa “vùng trũng” và nhu cầu ăn có điều kiện với những con chuột khác. Calhoun thay loại thức ăn từ dạng viên sang dạng bột để chúng ăn nhanh hơn. Mặt khác, nước được cấp từ một nguồn chảy chậm nên từng con có thể uống thay vì lao vào ăn chung. Sự thay đổi này phân bố số lượng đồng đều ra các khu. Vì chuột thường uống nước ngay lúc mới thức dậy nên chúng có xu hướng ở trong khu vực ngủ (trong thí nghiệm trước, hầu hết chuột đều di chuyến tới vị trí có thức ăn). Cuối cùng cũng xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy “vùng trũng” đã phát triển, nhưng vì một lý do khác. Một con đực chiếm lấy khu III và khu IV, nó đuổi hết những con khác ra ngoài. Khi thí nghiệm kết thúc, 80% con đực tập trung ở khu I, thiểu số còn lại nằm ở khu II.

Tóm lược lại chuỗi thí nghiệm Calhoun

Dễ nhận thấy một điều từ những thí nghiệm của Calhoun là ngay cả chuột cũng khó có thể chịu đựng sự hỗn loạn. Như con người, chuột cũng có lúc cần một mình. Riêng những con cái trong tổ thì dễ bị tổn thương hơn cả. Tương tự lũ con non, chúng cần được che chở, trong giai đoạn từ lúc sinh con đến khi cai sữa. Nếu những con chuột mẹ bị quấy rối quá nhiều thì quá trình mang thai sẽ càng khó nhọc cho đến khi kết thúc.

Có thể ta không phát hiện ra triệu chứng bệnh lý nào. Dù vậy, tình trạng đông đúc vẫn gây ra những gián đoạn trong những chức năng xã hội, dẫn tới trạng thái vô tổ chức, cao hơn nữa là sụt giảm dân số và tử vong trên diện rộng.

Hoạt động giao phối trong vùng trũng bị ngưng trệ, xu hướng loạn giới (pansexuality) và bạo dâm (sadism) trở nên đặc hữu. Việc chăm sóc con non gần như không thể. Những con đực tha hóa hành vi và chúng bắt đầu cắn đuôi nhau. Thứ bậc trong xã hội thay đổi và những điều cấm kị về lãnh thổ bị lãng quên cho đến khi quyền uy trở lại. Tỉ lệ tử vong cao ngất ngưởng của cá thể cái gây mất cân bằng giới và làm trầm trọng thêm cuộc sống của chúng: luôn luôn bị quấy rầy bởi những con đực trong suốt thời kì cao trào.

Thật đáng tiếc là không có dữ liệu so sánh nào về số lượng cá thể chuột hoang dã đang trong quá trình sụt giảm dưới sức ép lớn với nghiên cứu của Calhoun. Dù vậy, ông ấy vẫn có thể theo đuổi kế hoạch nghiên cứu dài hơn về “hiệu ứng vùng trũng” hình thành trong giai đoạn khủng hoảng dân số. Trên thực tế, dẫn chứng của Calhoun báo hiệu chắc chắn một cuộc khủng hoảng sắp tới. Không kể đến phương pháp quan sát thì những thí nghiệm về chuột này cũng rất phức tạp và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thông qua những quan sát về loài chuột trắng Na Uy, thật đáng ngờ rằng có nhiều nhân tố tương tác với nhau rồi kết hợp lại để duy trì cân bằng dân số. May thay, việc quan sát những loài khác đã làm rõ quá trình trên, rằng: điều tiết mật độ như một chức năng tự bảo vệ của động vật.

NGHIÊN CỨU SINH HÓA VỀ ĐÁM ĐÔNG

Làm thế nào việc tập trung số lượng có thể tạo ra những kết quả đáng kể - từ việc xâm lấn thông qua nhiều biểu hiện hành vi khác thường cho tới tử vong trên diện rộng – điều mà chúng ta đã quan sát từ nhiều loài khác nhau như hươu, cá lưng gai hay chuột? Chúng ta có thể khai mở hơn nhiều khi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi trên.

Hai nhà nghiên cứu người Anh, A. S. Parkes và H. M. Bruce xem xét những hiệu ứng khác nhau của việc kích thích thị giác, khứu giác trên loài chim và loài thú có vú. Họ đã có bài báo cáo khoa học chỉ ra rằng việc mang thai ở loài chuột bị ngưng trệ bởi sự xuất hiện của một con đực khác (không phải bạn tình) trong bốn ngày đầu tiên tính từ lúc thụ thai. Đầu tiên, con đực đến sau này được phép ghép cặp với con cái trong suốt thời gian nhạy cảm. Sau đó, sự xuất hiện của con này trong cái lồng có thể dẫn đến cái thai bị hỏng. Cuối cùng, cái thai sẽ bị phá nếu con cái đang mang bị chuyển tới một khu vực mà con đực vừa mới rời đi trước đó. Khi con đực không còn xuất hiện để con cái dễ-bị-tổn-thương nhìn thấy, hiển nhiên việc nhìn sẽ không còn chủ động bằng việc ngửi. Giả định này được chứng minh khi thùy khứu giác trong não con cái không còn hoạt động, khiến chúng mong manh trước “năng lực phá phách” của những con đực lạ.

Khám nghiệm xác con cái xảy thai cho thấy những thể vàng corpus luteum - giữ vai trò đông cứng thành tử cung để nuôi trứng đã bị kìm hãm phát triển. Hormone prolactin kích thích hình thành thể vàng và việc ngưng thụ thai có thể là do hoạt động sản sinh ACTH.

Ngoại tiết học

Dù nghiên cứu của Parkes và Bruce đã thay đổi đáng kể những học thuyết đang thịnh hành về mối quan hệ của những hệ thống hóa học điều tiết cân bằng trong cơ thể với thế giới bên ngoài. Tuyến nội tiết có ảnh hưởng đến hầu như mọi thứ diễn ra bên trong cơ thể và thông qua một hệ thống khép kín chỉ liên hệ gián tiếp với bên ngoài. Những thí nghiệm của Parkes và Bruce chứng minh rằng không phải lúc nào cũng vậy. Họ đưa ra khái niệm “ngoại tiết học” (“exocrinology”) đối lập với “nội tiết học” (“endocrinology”) để biểu thị sự mở rộng của cơ quan điều tiết hóa học bao gồm những sản phẩm của những tuyến mùi trên cơ thể động vật có vú. Những chất gây mùi được tiết ra từ những tuyến đặc biệt nằm ở nhiều vị trí trên cơ thể động vật. Ở hươu thì nằm ở những kẽ móng, ở linh dương thì nằm dưới mắt, ở chuột thì nằm dưới lòng bàn chân, ở loài lạc đà Ả Rập thì nằm phía sau đầu, còn ở người thì nằm dưới nách. Thêm nữa, những chất gây mùi được sản sinh ra bởi bộ phận sinh dục, xuất hiện trong nước tiểu và phân.

Ngày nay người ta ghi nhận rằng hoạt động bài tiết của một sinh vật tác động trực tiếp lên cơ thể của sinh vật khác và tích hợp với những hoạt động của một nhóm theo nhiều cách khác nhau. Chỉ khi quá trình bài tiết bên trong tích hợp trong từng cá thể thì hoạt động bài tiết bên ngoài mới tích hợp với nhóm. Mối liên hệ chặt chẽ của hai hệ thống giúp giải thích một phần bản chất tự điều hòa dân số và những hành vi bất thường xuất hiện khi quá tải về số lượng. Một hội chứng xoay quanh phản ứng cơ thể đối với stress.

Hans Selye, một người Áo làm việc tại Ottawa, có tên trong nghiên cứu hợp tác nhiều bên về stress, đã chứng minh rằng động vật có thể chết đột ngột nếu chúng liên tục đối diện với stress. Bất kể nhu cầu gia tăng nào của sinh vật đều cần phải có sự bổ sung năng lượng. Ở động vật có vú, nguồn năng lượng này là đường máu (blood sugar). Nhu cầu liên tục làm kiệt quệ nguồn cung cấp đường, dẫn đến sốc.

Mô hình ngân hàng đường

Dưới tiêu đề "The Hare và Haruspex", nhà sinh vật học Yale Edward S. Deevey gần đây đã giải thích về cơ chế sinh hóa của stress và sốc (shock) bằng một hình ảnh ẩn dụ thú vị:

Có thể xem việc cung cấp đường trong cơ thể sinh vật hoạt động giống như một ngân hàng. “Việc rút tiền” do hormone tiết ra từ tuyến tụy (pancreas) và tủy thượng thận (adrenal medulla) đảm nhận. Chúng làm việc như kế toán viên trực quầy, song những quyết định lớn hơn (ví dụ như sinh trưởng hay sinh sản) được đảo lại cho những quản lý ngân hàng – tuyến yên (pituitary) và tuyến thượng thận (adrenal cortex). Nhìn từ góc độ của Selye, căng thẳng dẫn tới việc tiết các hormone và cú sốc xảy ra khi người quản lý rút tiền khỏi ngân hàng.
Mô hình ngân hàng là sự móc nối giữa vỏ thượng thận – adrenal cortex (nhân viên thu ngân) với tuyến yên – pituitary (ban giám đốc). Chấn thương và nhiễm trùng là những dạng sức ép phổ biến, chúng “điều khiển” trực tiếp tình trạng viêm nhiễm nhằm chống lại stress, giống như thu ngân “vùng vỏ não” kiểm tra “vùng gan”. Nếu stress vẫn còn, một hormone được gọi là cortisone sẽ gửi một “thông điệp lo lắng” tới tuyến yên (pituitary). Kiểm soát được bức tranh tổng thề, tuyến yên sẽ ủy quyền cho “cấp phó”, ACTH, hay hormone adrenocorticotropic, đóng vai trò kích thích vỏ não thượng thận (adrenal cortex). Như sinh viên của Parkinson dự đoán, vỏ não (cortex) là vùng bị kích thích, nó sẽ chiếm nhiều “nhân sự” hơn và các hoạt động của nó cũng được mở rộng, bao gồm cả việc triệu hồi thêm ACTH. Sự luẩn quẩn của xoắn ốc phải rõ ràng, nhưng trong khi “việc rút tiền” diễn ra thì lượng đường được luân chuyển vẫn là một hằng số (công việc của một cơ chế khác) và không có thiết bị, thiếu khám nghiệm tử thi, để lấy phần tồn kho tại ngân hàng.
Nếu tuyến yên (pituitary) được liên kết bằng cách duy trì sức ép vào việc ném thêm hỗ trợ cho ACTH, các giao dịch lớn bắt đầu bị cắt xén. Ví dụ, việc cắt bỏ hormone buồng trứng (ovarian hormone) có thể cho phép vỏ não điều trị một bào thai mới-đầu-tốt như một tình trạng viêm được chữa lành. Tương tự như vậy, các tuyến sinh dục đực và cái, mặc dù lượng đường dư không giống nhau, nhưng đều gần như kiệt quệ. Gạt bỏ cao huyết áp sang một bên (vì nó liên quan đến một loại hàng hóa khác, muối, mà không cần phải đi vào ngay bây giờ), các triệu chứng gây tử vong có thể là hạ đường huyết. Một áp lực cực nhỏ, chẳng hạn như tiếng ồn lớn. . . tương tự một chuyến thăm không báo trước của thanh tra viên ngân hàng: Tủy thượng thận (adrenal medulla) bị giật mình trong việc “gửi một cơn đau” adrenalin đến cơ bắp, sụt đường huyết, và não đột nhiên bị bỏ đói. Tình cờ điều này là lý do tại sao sốc trông giống như tình trạng insulin trong máu ở mức cao. Tuyến tụy (pancreas) hoạt động quá mức, giống như tuyến thượng thận quá tải, chẳng khác nào một nhân viên giao dịch đáng ngờ, có thể ăn cắp công quỹ bất kì lúc nào.

Tuyến thượng thận và Stress

Người đọc sẽ luôn nhớ rằng loài hươu Sika đã cho thấy ví dụ về hiện tượng phì đại tuyến thượng thận chỉ xảy ra trước và trong quá trình chết hàng loạt. Sự gia tăng về kích cỡ này có lẽ đi cùng sự gia tăng nhu cầu với ACTH. Đây là hệ quả của từ sự căng thẳng gia tăng đến từ đám đông.

Theo suy luận này, vào cuối những năm 50 của thế kỉ 20, Christian đã tiến hành một nghiên cứu về những thay đổi theo mùa trong tuyến thượng thận của loài sóc Mỹ . Trong 872 cá thể được thu thập và khám nghiệm tử thi sau vòng đời bốn năm, khối lượng của tuyến thượng thận tăng 60% từ tháng Ba cho đến cuối tháng Sáu, giai đoạn cạnh tranh để ghép đôi. Chúng tích cực hoạt động hơn và nhiều con trong số chúng tập trung vào một khu vực trong cùng thời điểm. Khối lượng tuyến thượng thận giảm vào tháng Bảy, khi nhiều sóc nhất nhưng việc gây gổ ít xảy ra. Khối lượng tuyến thượng thận giảm một lần nữa vào tháng Tám khi một lượng lớn con non di chuyển ra ngoài để lập lãnh địa riêng và tranh chấp thường xuyên xảy ra. Do đó, Christian kết luận: “Dường như “mùa sụt giảm khối lượng tuyến thượng thận” bắt đầu từ khi lũ sóc bớt hung hăng.”

◁ Biểu đồ của Christian (1963) chỉ ra những thay đổi theo mùa về khối lượng của tuyến này trong tương quan với số lượng cá thể. Hãy chú ý vào mối quan hệ trái chiều: số lượng cá thể tăng trong ba tháng ghép đôi trong khi tương tác khoảng cách, xung đột, sức ép và khối lượng tuyến thượng thận giảm đi. Xung đột trong mùa sinh sản làm trầm trọng thêm sức ép. Vào tháng Bảy, khi con non ra ngoài, tương tác khoảng cách tăng lên và cơ quan nội tiếp trở lại trạng thái bình thường.

Ngày nay, quá trình lựa chọn được diễn ra trên diện rộng để kiểm soát sự bành chướng của những cá thể trội trong một nhóm nhất định. Không những sức ép giảm xuống mà khả năng chịu đựng còn tăng lên. Trong nghiên cứu “bệnh lý của tình trạng quá tải dân số”, Christian chỉ ra rằng tuyến thượng thận làm việc vất vả hơn: ở những con yếu thế, tuyến này bị phình ra nhiều hơn ở những con trội. Cũng trong nghiên cứu đó, mối liên hệ giữa việc gây hấn và khoảng cách cá thể được chỉ ra. Khi tranh chấp leo thang giữa những con đực trong mùa sinh sản, khoảng cách tương tác trung bình tăng lên. Khối lượng trung bình của tuyến thượng thận ràng buộc trực tiếp với khoảng cách cũng như số lượng tương tác.

Cụ thể hơn, theo diễn giải của Christian, khi sự gây hấn tăng lên, động vật cần nhiều khoảng trống hơn. Nếu nhu cầu không được thỏa mãn (điều này xảy ra khi dân số đạt ngưỡng cực đại) thì phản ứng dây chuyền sẽ diễn ra. Tranh chấp bùng nổ và hoạt động tình dục song hành, cùng với stress đã làm quá tải tuyến thượng thận. Kết quả là sụt giảm dân số do giảm tỉ lệ sinh và khả năng miễn dịch, cùng với đó tử vong hàng loạt vì sốc do hạ đường huyết. Trong quá trình đó, những con trội có ưu thế hơn và thường sống sót.

Paul Errington, một nhà sinh lý học tài năng và giáo sư động vật học tại Đại học bang Iowa, đã dành nhiều năm quan sát những hiệu ứng đám đông trên loài chuột đầm lầy. Ông đi đến kết luận nếu sự sụt giảm diễn ra thì thời gian phục hồi kéo dài không lường trước được. Nhà sáng chế người Anh H. Shoemaker chỉ ra rằng những hiệu ứng đám đông có thể bị phản kháng lại bởi việc cung cấp khoảng trống thích đáng trong những trường hợp xung đột. Ông ấy nhốt loài chim quần đảo Canary trong một cái lồng lớn, mấy con đầu đàn gây dựng “một đẳng cấp vượt trội”, đe nẹt và can thiệp vào việc dựng tổ của những con chim “cấp thấp” cho tới khi chúng được cấp những cái lồng nhỏ, nơi mà những cặp đôi có thể xây tổ và chăm con. Những con đực “cấp thấp” vì thế có một lãnh thổ bất khả xâm phạm của riêng chúng và thành công trong việc sinh nở hơn những gì mong muốn.

Việc sửa soạn lãnh thổ cá nhân cho gia đình và sự che giấu lẫn nhau ở những thời điểm xung đột trong suốt mùa giao phối có thể kháng lại những hiệu ứng bệnh tật đến từ đám đông, bao gồm cả những động vật có bậc tiến hóa thấp, chẳng hạn như cá lưng gai.

Vai trò của Stress

Mải xót thương cho những hậu quả, chúng ta có thể quên rằng sức ép sinh ra từ đám đông cũng có những giá trị tích cực. Chẳng hạn như đó là một phương tiện hữu hiệu cho quá trình tiến hóa: chúng thôi thúc cho quá trình tranh chấp, một hình thức cạnh tranh còn hơn cả những cuộc “đỏ máu vì nanh vuốt” (điều mà trước nay hầu hết chúng ta đã quen nghĩ như thế về tự nhiên).

Có một điểm khác biệt quan trọng giữa hai áp lực tiến hóa. Cạnh tranh khác loài tạo ra bệ phóng cho sự phát triển của loài hạng nhất. Điều đó liên quan đến tất cả các loài, hơn cả những con khác huyết thống trong cùng một loài. Cạnh tranh cùng loài, theo chiều hướng ngược lại, định hình việc sinh nở và nâng cao đặc trưng của loài. Nói cách khác, những cuộc cạnh tranh đồng loại làm nâng cao những dạng ban đầu của sinh vật.

Những giả thuyết về sự tiến hóa của loài người minh họa hiệu ứng của tất cả những loại áp lực. Ban đầu là một động vật sống trên mặt đất, tổ tiên con người buộc phải cạnh tranh với đồng loại và thay đổi môi trường cư trú, bỏ mặt đất để sống trên cây. Đời sống nương nhờ vào thực vật đòi hỏi tầm nhìn quan sát và giảm sự phụ thuộc vào khứu giác, điều này rất quan trọng đối với các sinh vật trên cạn. Do đó, cảm giác về mùi hương của con người không còn phát triển và sức mạnh thị lực đã được tăng cường rất nhiều.

Một hệ quả của việc mất đi khứu giác – vốn là trung gian quan trọng của hoạt động giao tiếp – là sự biến đổi trong mối quan hệ giữa con người. Nó phú cho con người có khả năng thích nghi với đám đông nhiều hơn. Nếu con người có khứu giác của loài chuột thì chúng ta sẽ luôn dính vào một chuỗi dao động cảm xúc diễn ra xung quanh. Sự giận dữ của những người khác sẽ là thứ gì đó có thể ngửi được. Danh tính của bất kì ai ghé thăm một ngôi nhà và ý nghĩa cảm xúc của mọi thứ đặt trong đó sẽ được lưu lại công khai khi mùi hương vẫn còn vương. Tâm trí sẽ bắt đầu khiến tất cả chúng ta phát điên lên, và sự lo lắng sẽ khiến chúng ta càng thêm lo lắng, ít nhất thì cuộc sống sẽ phức tạp và nặng nề. Điều đó sẽ giảm đi dưới sự kiểm soát có ý thức bởi các trung khu khứu giác của não bộ, chúng già hơn và nguyên thủy hơn so với các trung khu thị giác.

Việc thay đổi sự lệ thuộc từ khứu giác chuyển sang thị giác là kết quả của những áp lực môi trường. Điều ấy đã hoàn toàn định hình lại tình thế của loài người. Khả năng định hướng tăng lên vì mắt có thể quét một vùng lớn hơn; nó mã hóa dữ liệu phức tạp hơn và vì thế thúc đẩy suy nghĩ bao quát. Trong khi đó, hoạt động ngửi – nặng về cảm tính – sẽ đẩy con người sang thái cực đối lập.

. . . còn nữa . . .