The hidden dimension

Chiều kích ẩn của không gian

9. NHÂN CHỦNG HỌC KHÔNG GIAN: MỘT MÔ HÌNH TỔ CHỨC

Lãnh thổ và cơ chế điều tiết mật độ đã được bàn đến trong phần đầu cuốn sách này, “hạ tầng văn hóa” (infraculture) là khái niệm mà tôi dùng cho hành vi ở những cấp độ tổ chức thấp hơn – hạ tầng văn hoá chính là nền tảng của văn hóa (culture). Đó là một phần của hệ thống phân loại không gian giao tiếp (proxemic), ngầm ám chỉ một tập hợp chuyên biệt của các mức độ quan hệ với những phần còn lại của hệ thống. Bạn đọc sẽ nhớ lại, khái niệm không gian giao tiếp (proxemic) đã được dùng để xác định các quan sát và lý thuyết liên quan đến việc sử dụng không gian của con người.

Chương 4, 5 và 6 là những phân tích về các giác quan, cơ sở sinh lý chung của loài người mà cấu trúc và ý nghĩa của nó có quan hệ mật thiết với văn hóa. Đó là nền tảng cảm quan tiền văn hóa (preculture) mà người làm khoa học bắt buộc phải quan tâm đến khi so sánh giữa những hình mẫu không gian giao tiếp của nền văn hóa A với nền văn hóa B. Vì vậy, chúng ta đã xem xét hai sự biểu đạt cho không gian giao tiếp. Một là hạ tầng văn hóa (infraculture) , mang tính hành vi và bắt nguồn từ nguồn gốc sinh học của loài người. Hai là tiền văn hóa (preculture) , mang tính chất tâm lý và rất thịnh hành hiện nay. Còn khía cạnh thứ ba sẽ được nói kĩ ở chương này: vi văn hóa (microcultural) , là một địa hạt mà hầu hết những quan sát không gian giao tiếp được hình thành trên đó. Không gian giao tiếp là một biểu hiện của vi văn hóa, có ba khía cạnh: cố định, bán cố định và không hợp thức.

Dù cho phức tạp, nhưng việc diễn giải từ mức độ này sang mức độ khác vẫn được các nhà khoa học thực hiện để phục vụ quan điểm. Nếu thiếu vắng sự liên hệ giữa những cấp độ, con người có thể gặp nguy. Khi lờ đi những dữ liệu thu nhận được từ mức độ hạ tầng văn hóa, lờ đi “hậu quả của đám đông”, người ta sẽ tiến tới nấc nguy hiểm trên thang phát triển “vùng trũng hành vi”. Hiện tượng xảy ra ở loài hươu trên đảo James nhắc lại về Cái Chết Đen rùng rợn ở châu Âu vào giữa thế kỉ 14, khi hai phần ba dân số lúc bấy giờ đã bỏ mạng. Dù rằng một lượng lớn số người chết trực tiếp vì Bacillis pestis một loại vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch , song không còn nghi ngờ gì nữa, hiệu ứng này trở nên trầm trọng hơn bởi sự kháng cự yếu ớt trước áp lực đám đông trong những thị trấn và thành phố thời Trung Cổ.

Sự khó khăn về phương pháp diễn giải từ mức này sang mức khác bắt nguồn từ tính bất định đặc trưng của văn hóa mà tôi đã bàn luận trong cuốn “The Silent Language” . Tính bất định của văn hóa thể hiện ở điểm một hiện tượng văn hóa có thể diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, và khó có thể đánh giá đồng thời tất cả các mức độ trong cùng một thời điểm. Bạn đọc có thể tự kiểm chứng điều đó bằng việc tập trung vào những chi tiết ngữ âm của lời nói (cách tạo ra âm thanh) và cùng lúc cố gắng nói thật hùng hồn. Không chỉ đơn thuần việc phát âm rõ ràng, bạn phải nghĩ xem lưỡi đặt vào đâu, môi được giữ ra sao và hơi thở như thế nào với mỗi âm tiết. Tất cả các sinh vật đều lệ thuộc vào sự thừa thãi: thông tin được sao lưu chéo trên nhiều hệ thống (các cơ quan). Bản thân con người cũng bị các yếu tố văn hóa dập khuôn theo một cách thừa thãi. Biết làm sao được, trái với điều đó, anh không thể nói hay tương tác với xung quanh và sẽ tốn rất nhiều thời gian. Có thứ không được nói ra mà chỉ ngầm hiểu. Ở Mỹ, người ta sẽ không cần nói cho một cậu bé đánh giày màu si cần dùng, nhưng khi sang Nhật Bản, nếu không chỉ định thì có thể đôi giày nâu sẽ được hoàn trả thành màu đen! Vì thế, việc định nghĩa và phân loại giúp làm rõ những phần-đương-nhiên trong truyền đạt thông tin, và chỉ ra mối quan hệ giữa các phần với nhau.

Kiến thức có được ở cấp độ hạ tầng văn hóa (infraculture) cũng giúp tôi tạo ra những mô hình nghiên cứu cho cấp độ văn hóa của không gian giao tiếp. Trái với suy nghĩ thông thường, ở bất kì giai đoạn nào trong vòng đời của động vật (chẳng hạn như lúc tán tỉnh hay khi nuôi con), hành vi lãnh thổ khá là cố định và “cứng”. Ranh giới của các lãnh thổ dường như bất biến, ấn định vị trí cho từng hoạt động cụ thể chẳng hạn ăn, ngủ hay làm tổ. Dù hiểu theo bất kì nghĩa nào thì lãnh thổ vẫn là một ưu thế bất di bất dịch của sinh vật, được đánh dấu bằng hình ảnh, âm thanh và mùi hương. Con người tạo ra lãnh thổ, cùng với những dấu hiệu vô hình và hữu hình. Vì lãnh thổ tương đối ổn định nên tôi xếp nó vào là “không gian mang đặc tính cố định” . Ta sẽ bàn luận về loại không gian này, kế tiếp mới là “không gian bán cố định” “không gian không hợp thức".

KHÔNG GIAN MANG ĐẶC TÍNH CỐ ĐỊNH

Ở cả cấp độ cá thể lẫn quần thể, không gian mang đặc tính cố định là một trong những cách tổ chức hoạt động cơ bản. Nó bao hàm những biểu hiện cụ thể cũng như những thiết kế ẩn bên trong chi phối hành vi con người trên mặt đất. Những công trình là một ví dụ về hình mẫu mang đặc tính cố định, tuy nhiên nó cũng được phân loại theo nhiều cách khác nhau phụ thuộc vào yếu tố đặc trưng hay văn hóa. Chẳng hạn, bố cục của những ngôi làng, thị trấn, thành phố và những vùng quê không hề ngẫu hứng mà tuân theo một quy hoạch thay đổi theo thời gian và văn hóa.

Đi sâu vào bên trong những ngôi nhà phương Tây, bạn có thể thấy người ta rất quan tâm tới việc tổ chức không gian. Có những phòng riêng theo từng chức năng: nấu nướng, ăn uống, giải trí, sinh hoạt chung, nghỉ ngơi, thư giãn và sinh sản. Người đã quen lộn xộn hoặc đãng trí sẽ không thể sống được trong không gian được bố trí đồng bộ, một dây chuyền công năng tổ hợp chính xác các vật thể trong thời gian không gian .

Thực tế thì bố cục bên trong ngôi nhà ngày nay – là mặc định với người Mỹ hay người châu Âu – mới chỉ xuất hiện gần đây. Philippe Aries chỉ ra điều đó trong cuốn sách “Centuries of Childhood” : trước thế kỉ 18, những căn phòng trong ngôi nhà ở châu Âu không có chức năng cố định. Các thành viên trong gia đình không có sự riêng tư như chúng ta thấy ngày nay. Họ không có những không gian linh thiêng hoặc chuyên biệt. Người lạ đến và đi tùy ý, trong khi giường, bàn ăn dựng lên, đặt xuống tùy theo tâm trạng và hứng thú ăn uống của các thành viên trong nhà. Người ta đối xử với trẻ con như người lớn. Mãi đến khi có sự phân chia chức năng từng phòng trong ngôi nhà, tuổi thơ mới trở về đúng nghĩa, hay xuất hiện thêm khái niệm khác, ví dụ gia đình hạt nhân. Vào thế kỉ 18, hình thức ngôi nhà đã thay đổi. Ở Pháp, chambre khác với salle "La chambre": (Mang tính riêng tư) Phòng có chỗ để ngủ, nằm, vd: chambre de l'hôtel (phòng khách sạn), chambre à coucher (phòng ngủ) ..."La salle": (Chỉ nơi sinh hoạt tập thể) Phòng, sảnh để học, làm việc , trưng bày, sinh hoạt chung... vd: salle de conférence (phòng họp), La salle à manger (phòng ăn).... Ở Anh, chức năng của một căn phòng được biểu thị bằng tên của nó – bedroom, living room, dining room. Những căn phòng có cửa hướng ra hành lang chung hoặc sảnh, cũng như các ngôi nhà cùng mở ra phố. Các thành viên sống trong nhà không còn phải đi xuyên qua phòng này để sang phòng khác. Con người được bao bọc trong những hình thức không gian mới, hình mẫu gia đình bắt đầu ổn định và bộc lộ nhiều hơn trong hình thức ngôi nhà.

Cuốn sách “Presentation of Self in Everyday Life” của Goffman là một ghi chép chi tiết, cho thấy quan sát nhạy bén về mối quan hệ giữa diện mạo bên ngoài (façade) và bản thể bên trong của con người. Khái niệm mặt ngoài (façade) lột tả đúng ý nghĩa của nó. Công năng được thể hiện (dưới nhiều cấp độ) bằng những đặc điểm kiến trúc, tạo ra màn che để con người thỉnh thoảng lui vào. Để duy trì diện mạo bên ngoài, người ta có thể vô cùng căng thẳng. Kiến trúc có thể gánh vác gánh nặng này cho con người, và thực sự đã là như thế. Nó là nơi mà người ta có thể “buông” và được làm chính mình.

Để duy trì diện mạo bên ngoài, người ta có thể vô cùng căng thẳng. Kiến trúc có thể gánh vác gánh nặng này cho con người, và thực sự đã là như thế. Nó là nơi mà người ta có thể “buông” và được làm chính mình.

Không mấy doanh nhân có phòng làm việc tại nhà riêng. Điều này không hẳn do có quy định ràng buộc hay do người lãnh đạo bất an khi không thấy cấp dưới có mặt ở văn phòng làm việc. Tôi để ý thấy nhiều người với công việc thì một kiểu và về nhà lại một kiểu khác, như là đa nhân cách vậy. Trong những trường hợp như thế, việc tách bạch văn phòng và nhà ở giúp duy trì hai nhân cách không-tương-thích khỏi mâu thuẫn, đồng thời có thể ổn định phiên bản lý-tưởng-hóa của mỗi nhân cách để phù hợp với hình ảnh phản chiếu của kiến trúc – nội thất.

Mối quan hệ giữa không gian mang đặc tính cố định với tính cách (cũng như với văn hóa) được thể hiện không đâu rõ ràng hơn ở trong bếp. Vợ tôi, người vật lộn nhiều năm với đủ các kiểu bếp, nhận xét về thiết kế của cánh đàn ông như thế này: “Nếu đã từng động tới việc bếp núc, chắc hẳn anh ta (người thiết kế) đã không làm theo cách này.” Sự thiếu đồng bộ giữa những chi tiết trong thiết kế, tầm vóc và cơ thể người phụ nữ (phụ nữ thường không đủ cao để với), những hoạt động diễn ra – do không hiểu rõ căn nguyên – thường không được người thiết kế quan tâm và làm tốt. Kích cỡ, hình dạng, cách bố trí và sắp đặt trong ngôi nhà, tất cả điều đó nói cho người phụ nữ biết mấy anh thiết kế hiểu thấu đáo cặn kẽ, hay chỉ biết qua loa sơ sài về ngôi nhà, về những chi tiết tiết mang đặc tính cố định.

Cảm nhận của con người về việc định hướng trong không gian thật sự rất mạnh. Điều đó được liên kết lại với khả năng sinh tồn và nhận thức. Một người bị rối loạn định hướng không gian thì cũng có thể là đang gặp vấn đề về tâm thần. Tốc độ phản xạ sẽ quyết định sự sống sống hay cái chết – một quy luật áp dụng bình đẳng với tất cả các loài, cho tài xế trên làn cao tốc hay loài gặm nhấm né tránh kẻ săn mồi. Lewis Mumford nhận thấy rằng lối quy hoạch dạng bàn cờ “những người xa lạ cũng cảm thấy thân thuộc như các cư dân sống lâu năm nhất ở đó”. Khi đã quá phụ thuộc vào mô hình dạng bàn cờ người Mỹ thường cảm thấy khó chịu khi đi vào những khu phố có dạng thức khác. Chẳng hạn, họ sẽ không còn cảm giác “ở nhà” khi đến những Thủ đô ở Châu Âu, và rất dễ bị lạc đường. Từ những lời kêu ca, ta đã biết vài phần thú vị về mối quan hệ giữa quy hoạch và con người. Gần như không có ngoại lệ, những khách ngoại quốc mới đến có xu hướng sử dụng những câu từ và chất giọng đầy-bức-xúc, như thể thành phố làm điều gì chống lại họ. Một người đã quen với quy hoạch dạng tia kiểu Pháp hay lưới Roman sẽ gặp khó khăn khi ở một nơi như Nhật Bản, nơi mà “mô hình mang đặc tính cố định” khác hoàn toàn. Tóm lại, nếu ai đó bắt đầu thiết kế hai hệ thống đối ngược thì thật khó để biết làm tốt hơn như thế nào. Hệ thống châu Âu tập trung vào những đoạn thẳng – họ đặt tên cho chúng; người Nhật thì chú trọng vào những điểm giao và quên đi những đoạn thẳng. Ở Nhật, những giao lộ – chứ không phải là những con phố – được đặt tên. Những ngôi nhà thay vì gắn với không gian thì lại được liên hệ với thời gian – chúng được đánh số theo thứ tự xây dựng. Quy hoạch Nhật Bản phát triển phân cấp quanh những vùng trung tâm; quy hoạch Mỹ phát triển cực điểm ra vùng ngoại ô theo cùng một phương thức. Với tất cả những con đường ở Mỹ, số 1 đánh đấu ngôi nhà đầu tiên trên chặng; còn trong một tiểu khu ở Nhật, ngôi nhà gắn biển số 1 tức là xây đầu.

Một số khía cạnh của không gian mang đặc tính cố định chỉ bộc lộ ra khi quan sát hành vi con người. Ví dụ, dù phòng ăn riêng không còn trong những ngôi nhà Mỹ, song đường phân chia giữa phòng ăn và phần còn lại của phòng sinh hoạt chung vẫn khá rõ. Ranh giới vô hình phân chia những khoảng sân (của các nhà khác nhau) ở vùng ngoại ô cũng là một đặc tính cố định của văn hóa Mỹ, hay chí ít là của tiểu vùng văn hóa.

Những kiến trúc sư thường chỉ quan tâm đến thị giác – tập trung vào các dạng cấu trúc, hình thức mà không mấy để ý đến câu chuyện người sử dụng vốn mang trong mình ý niệm về không gian mang đặc tính cố định – cái vô hình tồn tại trong tiềm thức (cái được hình thành từ khi họ còn bé). Không chỉ người Ả Rập – những người cảm thấy suy sụp nếu không có đủ không gian – mà nhiều người Mỹ cũng vậy. Như một đối tượng phỏng vấn của tôi đã nói: “Tôi có thể chịu đựng gần như mọi thứ miễn là tôi có những căn phòng rộng với trần cao.” Thật may là có một vài kiến trúc sư đã dành thời gian để tìm ra những nhu cầu mang đặc tính cố định trong thâm tâm khách hàng – tôi không có ý nhắc tới những khách hàng cá biệt . Ngày nay, vấn đề chúng ta đang đối mặt trong việc thiết kế và tái thiết thành phố là thấu hiểu tâm lý của đa số. Chúng ta đang xây những chung cư siêu lớn và văn phòng khổng lồ mà gần như không hiểu gì về nhu cầu của cư dân bên trong.

Điểm quan trọng của không gian mang đặc tính cố định là nó được định hình thành một thứ mà rất nhiều hành vi được đẩy vào. Đặc điểm này đã được Winston Churchill nhắc đến: “Ta xây những tòa nhà và chúng định hình lại ta”. Trong suốt cuộc tranh luận về việc cải tạo lại Nhà Hạ Viện sau chiến tranh, Churchill e rằng việc từ bỏ mô hình không gian thân mật của tòa nhà – nơi mà hai phe đối lập đối mặt nhau dọc theo một hành lang hẹp – sẽ thay đổi nghiêm trọng mô hình nhà nước. Có thể ông không phải là người đầu tiên chỉ ra tầm ảnh hưởng của không gian mang đặc tính cố định, song những hệ quả của nó thì chưa bao giờ được tuyên bố một cách ngắn gọn như ông đã làm.

“Ta xây những tòa nhà và chúng định hình lại ta."
Winston Churchill

Một trong những khác biệt cơ bản giữa các nền văn hóa là chúng phát triển các đặc điểm giải phẫu và hành vi khác nhau trên con người. Bất kì yếu tố vay mượn nào sẽ phải thích ứng với nền văn hóa mới, nếu không, nó dễ trở nên kệch cỡm, thậm chí là đối lập nhau hoàn toàn. Chẳng hạn, việc đưa ô tô vào Nhật Bản gặp vấn đề lớn, trong một nền văn hoá mà ở đó, đường giao thông thay vì thẳng thì lại gồm nhiều điểm giao nhau. Bởi thế, Tokyo nổi tiếng với việc sản xuất một số loại đèn tín hiệu giao thông ấn tượng nhất thế giới. Ô tô cũng không thể thích ứng tốt ở Ấn Độ, nơi mà những thành phố thường đông đúc và xã hội phân tầng giai cấp rõ rệt. Nếu những kĩ sư Ấn Độ không thiết kế đường phân làn giữa người đi bộ và xe cơ giới, sự thờ ơ với tầng lớp thấp trong xã hội của những người lái xe thiếu ý thức sẽ tiếp tục gây ra tai nạn. Ngay cả những công trình lớn của Le Corbusier ở Chandigarh – thủ phủ bang Punjab – cư dân cũng phải sửa chữa lại để có thể ở được. Người Ấn Độ xây tường lên ban công của Le Corbusier, biến chúng thành bếp! Tương tự, những người Ả Rập khi đến Mỹ nhận thấy rằng những mô hình mang đặc tính cố định trong tư duy của chính họ không phù hợp với ngôi nhà kiểu Mỹ. Họ cảm thấy bị đè nén – trần nhà quá thấp, phòng quá nhỏ, không đủ riêng tư với bên ngoài và chẳng có tầm nhìn.

Tuy nhiên, sự bất đồng giữa mô hình bên trong tư duy và bên ngoài thực tế chỉ xảy ra giữa những nền văn hóa khác nhau. Những phát kiến khoa học như điều hòa không khí, đèn huỳnh quang và cửa cách âm đã giúp chúng ta thiết kế nhà ở và văn phòng mà không cần quan tâm tới khuôn khổ truyền thống của cửa sổ và cửa đi. Phát minh mới thỉnh thoảng cũng tạo ra những căn phòng tựa như những nhà kho lớn, ở đó “lãnh thổ” của các nhân viên khá mờ nhạt.

KHÔNG GIAN MANG ĐẶC TÍNH BÁN CỐ ĐỊNH

Humphry Osmond - một tài năng y khoa triển vọng - được bổ nhiệm điều hành một trung tâm hồi sức và nghiên cứu lớn ở Saskatchewan. Bệnh viện của ông là một trong những nơi đầu tiên chứng minh rõ ràng sự ràng buộc giữa không gian mang đặc tính bán cố định và hành vi con người. Osmond đã chỉ ra rằng một số không gian như phòng chờ nhà ga đường sắt, có xu hướng giữ người ta ở cách xa nhau – ông gọi là sociofugal space. Những nơi khác như gian hàng trong tiệm thuốc cũ hoặc những chiếc bàn ở quán cà phê vỉa hè kiểu Pháp, thì có xu hướng mang mọi người xích lại gần nhau – ông gọi là sociopetal space. Bệnh viện mà Osmond phụ trách có rất nhiều sociofugal space mà thiếu vắng đi sociopetal space. Hơn thế nữa, hầu hết điều dưỡng và y tá thích cách sắp xếp trước đây vì chúng dễ duy trì hơn. Sau một vòng dạo thăm là có thể tìm được chiếc ghế trong sảnh, sau đó họ xếp hàng gọn gàng dọc theo những bức tường, chuẩn mực như trong quân đội.

Một tình huống nữa thu hút sự chú ý của Osmond là “mô hình” lão khoa nữ giới vừa được thành lập. Tất cả mọi thứ đều mới và sáng bóng, thanh khiết và sạch sẽ, có đủ không gian, màu sắc cũng vui tươi. Tuy nhiên thực tế khi thời gian lưu trú càng dài thì bệnh nhân càng ít giao tiếp. Dần dần họ trở thành một thứ đồ nội thất, được gắn cố định và im lặng vào những mảng tường thành những khoảng đều đặn giữa các giường bệnh. Và, tất cả họ dường như đều suy sụp.

Nhận thấy rằng không gian đó mang tính chất sociofugal hơn là sociopetal, Osmond đặt vấn đề với một nhà tâm lý học trẻ tài năng tên Robert Sommer để tìm ra mối liên hệ giữa nội thất và tần suất đối thoại. Với tiêu chí bối cảnh tự nhiên và quan sát được nhiều tình huống gặp gỡ khác nhau, Sommer đã chọn được một tiệm cà phê trong bệnh viện, nơi có những chiếc bàn 36 inch x 72 inch đủ cho sáu người ngồi. Như hình minh họa dưới đây, chiếc bàn đó mang lại sáu khoảng không và chiều hướng tương tác lẫn nhau của sáu người.

Năm mươi lần quan sát các cuộc hội thoại (ở khoảng cách phù hợp) chỉ ra rằng: những cuộc hội thoại theo hướng F-A (cắt qua góc) nhiều gấp hai lần C-B (liền cạnh), trong khi hội thoại giữa C-B nhiều gấp ba lần giữa C-D (ngang qua bàn). Không có cuộc hội thoại nào mà diễn ra ở những vị trí khác. Nói cách khác, việc ngồi vuông góc với nhau sẽ tạo ra số cuộc hội thoại gấp sáu lần so với những tình huống mặt đối mặt qua chiếc bàn rộng 36 inch, và nhiều gấp hai lần trường hợp ngồi cạnh nhau.

Việc quan sát này đã gợi ý một giải pháp cho vấn đề của những người già ở viện. Nhưng trước khi giải pháp đó được thực hiện, cần chuẩn bị trước một số thứ. Như mọi người đều biết, người ta thường có những cảm xúc cá nhân sâu sắc về cách sắp đặt không gian và nội thất. Osmond, với tư cách là giám đốc, có thể sắp xếp bất kì thứ gì ông muốn, nhưng ông biết nhân viên sẽ dễ lơ là và làm hỏng nó. Vậy nên trước tiên, ông cần lôi kéo họ vào một chuỗi “những thử nghiệm”. Cả Osmond và Sommer đều chú ý đến chi tiết: những bệnh nhân thường ở trong mối liên hệ B-C và C-D (cạnh nhau và đối diện nhau) nhiều hơn ở trong tiệm cà phê, và khoảng cách giữa các bệnh nhân lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, họ không có chỗ đặt đồ, thậm chí không có không gian riêng tư cho chính mình. Đặc trưng lãnh thổ duy nhất gắn liền với họ là giường bệnh và ghế ngồi. Khi những cuốn tạp chí vô tình rơi xuống sàn thì nhân viên sẽ nhanh chóng dọn sạch. Chiếc bàn cá nhân đủ nhỏ mang lại cho mỗi bệnh nhân một “lãnh thổ bổ sung” – giữ lại tạp chí, sách, giấy viết. Và nếu chiếc bàn đó hình vuông, chúng cũng sẽ tạo nên những mối liên hệ giữa các bệnh nhân để họ có cơ hội tối đa trong việc giao tiếp.

Mỗi khi nhân viên được mời tham gia thử nghiệm, những chiếc bàn nhỏ được rời đi và nhiều ghế được xếp quanh nó. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ phản đối. Rồi họ bắt đầu quen với vị trí những chiếc ghế “của họ” ở những điểm riêng lẻ và họ không hề dễ dàng di chuyển quanh những chiếc ghế. Cùng lúc, nhân viên liên quan tới việc giữ cho cách bài trí mới nguyên vẹn một cách hợp lý cho tới khi nó được tạo nên một sự thay thế hơn là một đặc điểm phiền nhiễu không được chăm chút một cách chọn lọc. Khi đạt tới trạng thái này, họ bắt đầu đếm lại. Số cuộc hội thoại tăng lên gấp đôi, trong khi việc đọc tăng gấp ba, nhiều khả năng là vì giờ đã có một chỗ để sách báo. Tương tự, việc bố trí lại phòng sinh hoạt ban ngày cũng gặp phải những sự kháng cự và làm gia tăng tối đa tương tác bằng lời nói.

Ở điểm này có ba điều phải nói. Nhưng trước hết, những kết luận từ bối cảnh trong bệnh viện này không thể áp dụng đại trà. Thứ nhất, trạng thái vượt-chéo-góc-vuông chỉ có tác dụng với (a) những cuộc hội thoại giữa (b) những nhân vật có một vài điểm chung với nhau nằm trong (c) những môi trường rất hạn chế. Thứ hai, những gì được coi là sociofugal trong nền văn hóa này có thể là sociopetal trong một nền văn hóa khác. Thứ ba, sociofugal space không nhất thiết là tồi mà sociopetal space cũng không hoàn toàn là tốt. Tính linh hoạt và đồng bộ giữa thiết kế và công năng là thứ được ưu tiên, vì vậy có rất nhiều không gian và tùy theo hòan cảnh mà người ta có thể gắn bó với nó hoặc không. Với chúng tôi, điều cốt yếu trong thử nghiệm kiểu Canada này là nó đã chứng minh rằng hoạt động của cấu trúc đặc tính bán cố định ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi và hiệu ứng này có thể lường trước được. Nhưng với người nội trợ, điều này không gây bất ngờ bởi hàng ngày, họ luôn cố gắng tìm cách cân bằng những khuôn khổ mang đặc tính cố định và không gian nội thất bán cố định của chính họ. Nhiều người có kinh nghiệm trong việc bài trí một căn phòng đẹp, nhưng chỉ duy nhất một người thấy rằng cuộc nói chuyện sẽ bất thành nếu những cái ghế bị rời khỏi vị trí đẹp.

Cần lưu ý rằng những gì là không gian mang đặc tính cố định trong một nền văn hóa có thể bán cố định trong một nền văn hóa khác, vân vân. Ở Nhật Bản chẳng hạn, vách tường có thể di động được, đóng mở theo sự thay đổi hoạt động trong ngày. Ở Mỹ, người ta di chuyển từ phòng này sang phòng khác, hoặc từ khu vực này sang khu vực khác trong cùng một phòng, để làm những việc khác nhau, như ăn, ngủ, làm hay sinh hoạt chung một cách tương đối. Ở Nhật, việc người ta vẫn ở tại một chỗ khi hoạt động thay đổi là điều bình thường. Ta có thể quan sát sự đa dạng trong cách xử lý không gian của người Hoa. Một số thứ họ xếp vào loại đặc tính cố định thì với người Mỹ lại là bán cố định. Rõ ràng, một người khách trong ngôi nhà Trung Hoa không di chuyển cái ghế của anh ta trừ khi chủ nhà đề nghị. Thực hiện việc đó cũng giống như vào nhà người khác và dịch chuyển bình phong hay tường chắn. Trong ngữ cảnh này, bản chất bán cố định của đồ nội thất trong những ngôi nhà kiểu Mỹ chỉ đơn thuần là vấn đề về mức độ và hoàn cảnh. Những cái ghế nhẹ thì linh động hơn những bộ sofa hay bàn nặng nề. Dù vậy, tôi phải lưu ý rằng một số người Mỹ cảm thấy do dự khi điều chỉnh nội thất trong nhà hay trong văn phòng của người khác. Với một lớp bốn mươi học sinh, một nửa trong số các em thấy vậy.

Nhiều phụ nữ Mỹ biết rất khó để tìm thấy một đồ vật trong căn bếp của người khác. Ngược lại, họ có thể nổi cáu khi đồ dùng làm bếp bị người-có-ý-tốt giúp đỡ đặt sai chỗ. Cách thức và vị trí mà những thuộc tính được sắp xếp và lưu trữ là một chức năng của mô hình văn-hóa-vi-mô, đại diện không chỉ cho các nhóm văn hóa lớn mà còn cho các biến thể thường xuyên trên nền văn hóa – cái làm cho mỗi cá nhân độc nhất. Chỉ khi những biến thể về phẩm chất và cách sử dụng của giọng nói làm ta có thể phân biệt giọng những người khác nhau, việc xử lý chất liệu cũng có một mẫu số chung đặc trưng duy nhất.

KHÔNG GIAN KHÔNG HỢP THỨC

Chúng ta quay trở về ngày nay với những phân loại trải nghiệm không gian, thứ có thể là đáng chú ý nhất với từng cá nhân vì nó bao hàm những khoảng cách được duy trì trong khi gặp gỡ với người khác. Hầu hết, những khoảng cách này nằm ngoài ý thức. Tôi gọi loại này là không gian không hợp thức vì nó không được công bố chính thức, chứ không phải vì nó vô định hình hay không quan trọng. Như chương tiếp theo sẽ chỉ ra, quả thật những mô hình không gian không hợp thức có đường bao, nếu không muốn nói là ý nghĩa riêng biệt, chúng định hình lên một phần thiết yếu của văn hóa. Hiểu sai những ý nghĩa này có thể dẫn tới thảm kịch.

10. NHỮNG KHOẢNG CÁCH TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

Chừng 30 inch trước cánh mũi
Là ranh giới mỗi bước tôi đi
Và khoảng không ở giữa ích chi?
Là của riêng tôi: vùng bí mật
Này người lạ, trừ phi mắt mơ màng âu yếm
Mời gọi người để kết làm thân
Còn chớ vượt ranh giới khi không cần:
Không rút súng nhưng tôi sẽ phỉ nhổ.
W. H. Auden
“Prologue: The Birth of Architecture”

Loài chim và thú không chỉ dùng lãnh thổ để chiếm cứ và ngăn chặn đồng loại mà chúng còn có một chuỗi những khoảng cách được duy trì với mỗi cá thể khác. Hediger đã phân loại chúng thành khoảng chạy trốn, khoảng xung đột, khoảng cá thể và khoảng xã hội. Con người cũng có phương thức kiểm soát khoảng cách cùng-một-kiểu với đồng loại. Những phản kháng trong khoảng chạy trốn và khoảng xung đột hầu như được loại trừ, còn trong khoảng xã hội và khoảng cá thể, những phản ứng vẫn xảy ra hiển nhiên.

Có bao nhiêu loại khoảng cách mà con người có và làm thế nào để phân biệt được chúng? Những gì tạo sự khác biệt giữa khoảng cách này với khoảng cách kia? Không có câu trả lời ngay tức khắc, nhưng thông qua những bằng chứng trong quá trình nghiên cứu hé lộ rằng: khoảng cách được duy trì đều đặn ở con người ngày nay là hệ quả của những biến chuyển cảm quan (sensory shifts) – đã được nhắc đến ở Chương 7 và Chương 8.

Một dấu hiệu dễ dàng nhận biết khoảng không giữa hai người là độ vang của giọng nói. Làm việc với nhà ngôn ngữ học George Trager, tôi bắt đầu việc quan sát sự biến chuyển trong giọng nói đi kèm với những thay đổi về khoảng cách. Người ta nói thì thào khi ở rất gần nhau và hét thật lớn khi ở rất xa, câu hỏi mà Trager và tôi đặt ra là: “Có bảo nhiêu trạng thái âm thanh giữa hai thái cực? Phương thức chúng tôi sử dụng là Trager đứng yên, trong khi tôi đứng ở những cự ly khác nhau rồi nói với ông ấy. Nếu cả hai đồng thuận rằng khi giọng nói bị biến đổi thì chúng tôi sẽ đo khoảng cách đó và ghi chép lại vào một bản miêu tả chung. Kết quả có tám loại khoảng cách, chúng được miêu tả trong phần cuối chương 10 của cuốn “The Silent Language”.

Qua quá trình quan sát con người trong những bối cảnh xã hội, tôi cho rằng tám loại khoảng cách là quá phức tạp. Chỉ bốn là đủ; chúng là những cái tôi đã nhắc đến: khoảng thân mật, khoảng cá thể, khoảng xã hội và khoảng công cộng (mỗi loại đi kèm với cự ly gần và xa). Tôi lựa chọn rất cẩn thận những khái niệm để miêu tả nhiều loại khoảng cách. Cách lựa chọn đó không chỉ kế thừa thành quả nghiên cứu của Hediger với động vật (chỉ ra sự tiếp nối giữa hạ tầng văn hóa và văn hóa). Nó một căn cứ cho các loại hoạt động và những mối ràng buộc đi kèm với mỗi loại khoảng cách, được lưu lại kĩ càng trong tâm trí. Cần lưu ý rằng cách thức cảm nhận người khác tại một thời điểm quyết định loại khoảng cách được sử dụng . Vì vậy, những người giận dữ hay bị kích động, họ sẽ tiến lại gần “nguồn cơn”, “vặn loa hết nấc”. Hay như nữ giới biết rằng: một trong những dấu hiệu đầu tiên khi người đàn ông bắt đầu cảm thấy rung động là hành động tiến lại gần người phụ nữ hơn. Nếu không cảm thấy đồng điệu, cô ta sẽ rời đi.

TÍNH ĐỘNG CỦA KHÔNG GIAN

Trong chương 7, chúng ta đã thấy rằng cảm quan của con người về không gian và khoảng cách đều không cố định, rằng một điểm nhìn phối cảnh tuyến tính cũng chẳng lột tả được gì nhiều. Thay vì thế, cảm quan của con người về khoảng cách cũng giống với động vật. Nhận thức về không gian của con người mang “tính động” vì nó liên hệ với hành động hơn là những gì có thể nhìn thấy thụ động .

Sai lầm chung khi nắm bắt ý nghĩa của các yếu tố hình thành nên cảm nhận của con người về không gian có thể là do hai quan niệm lệch lạc: (1) với mọi kết quả đều có một nguyên nhân riêng biệt và duy nhất; và (2) ranh giới của con người bắt đầu và kết thúc với lớp da của anh ta. Nếu có thể thoát ra khỏi nhu cầu cần-một-lời-giải-thích-duy-nhất của bản thân, và nếu có thể nghĩ được rằng vây quanh con người là một chuỗi những vùng mở rộng và thu nhỏ – thứ thâu góp thông tin các loại, chúng ta sẽ nhìn nhận con người theo một cách hoàn toàn khác. Ta có thể bắt đầu học được về hành vi con người, bao gồm cả những loại tính cách. Tính cách của mỗi người trong chúng ta, không chỉ bao hàm tất cả những khía cạnh và tầng bậc trong nhân cách, trong đó có những đặc tính đối lập bổ sung cho nhau như hướng nội và hướng ngoại, độc đoán và công bằng, lý trí và bản năng dịch từ bản gốc là Apollonian and Dionysian, một khái niệm trong triết học và văn học, bắt nguồn từ truyền thuyết Hi Lạp cổ đại về hai vị thần là con của thần Zeus. Apollo – thần mặt trời đại diện cho tư duy và lý trí trong khi Dionysus – thần rượu tiệc và khiêu vũ đại diện cho cảm xúc và bản năng , mà nó còn bao gồm một số loại phụ thuộc theo hoàn cảnh – tính cách tùy biến (situational personality) . Dạng đơn giản nhất của “tính cách tùy biến” xuất hiện cùng với những phản ứng trong những giao tiếp thân mật, giao tiếp cá nhân, giao tiếp xã hội và giao tiếp công chúng. Một vài cá nhân không bao giờ phát triển tới giai đoạn công chúng trong tính cách của họ và vì vậy không thể lấp đầy khoảng công cộng; họ kém cỏi trong việc ăn nói hoặc kiểm soát câu chuyện. Như nhiều bác sĩ tâm lý biết, những người gặp rắc rối với những vùng thân mật hoặc vùng cá thể thì không thể chịu đựng được người khác đang ở quá gần mình.

Những khái niệm như trên không dễ dàng gì mà có thể nắm bắt được vì hầu hết quá trình “tạo khoảng cách – cảm nhận” diễn ra vô thức. Chúng ta cảm nhận được người khác ở gần hoặc xa song chúng ta không thể chỉ ra cái gì cho chúng ta cảm nhận như vậy. Vậy nên khi có quá nhiều thứ đang xảy ra cùng một thời điểm, con người khó mà sắp xếp để kịp thời phản ứng. Đó là sắc thái của giọng nói hay tư thế đứng, hay khoảng cách? Quá trình sắp xếp chỉ có thể được hoàn thành với sự quan sát cẩn thận trong một thời gian dài dưới nhiều hoàn cảnh khác nhau và ghi chép đầy đủ về mỗi biến đổi nhỏ của thông tin nhận được. Ví dụ, sự hiện diện hay thiếu vắng cảm nhận về thân nhiệt một người khác chỉ ra ranh giới giữa không gian thân mật và không thân mật. Mùi hương của mái tóc mới gội và những đặc điểm không-rõ-ràng của người khác được quan sát ở gần kết hợp với những cảm giác về thân nhiệt để tạo ra sự thân mật. Nếu coi cơ thể như một thiết bị điều khiển và những mô hình ghi nhận thay đổi đầu vào, ta có thể nhận biết được những điểm cốt yếu trong hệ thống “tạo lập khoảng cách – cảm nhận”. Thực sự thì người ta nhận ra từng-thứ-một trong tập hợp cấu thành nên những vùng thân mật, cá thể, xã hội và công cộng.

Những miêu tả sau đây về bốn vùng khoảng cách được biên soạn dựa trên những quan sát và phỏng vấn với đối tượng chủ yếu là dân bản địa vùng duyên hải đông bắc Hoa Kỳ, những người trưởng thành khỏe mạnh, thuộc tầng lớp trung lưu và không quen biết nhau. Đa số những người tham gia đang đi làm và có nghề nghiệp ổn định, nhiều người có thể xếp vào tầng lớp trí thức. Cuộc phỏng vấn diễn ra khá suôn sẻ, các đối tượng không có biểu hiện cảm xúc quá khích nào đáng chú ý kiểu: mừng vui, suy sụp hay giận dữ. Không có yếu tố môi cảnh nào bất thường kiểu: quá nóng hay quá lạnh, quá ồn ào hay quá yên ắng. Những miêu tả này chỉ là ước đoán thô sơ ban đầu, còn cặn kẽ hơn thì phải trông vào việc quan sát về không gian giao tiếp (proxemic) và cách người ta nhận-dạng-một-loại-khoảng-cách. Cần nhấn mạnh rằng những khái niệm khoảng cách tại ví dụ này, nói chung không đại diện cho hành vi con người – hay thậm chí là hành vi của người Mỹ – mà chỉ đại diện cho nhóm được phỏng vấn. Những người Mỹ da màu và người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha, cũng như người đến từ các nền văn hóa Nam Âu mang những “mẫu số chung” rất khác về không gian giao tiếp.

Mỗi vùng khoảng cách được miêu tả bên dưới đều có một cự ly gần và một cự ly xa, chúng sẽ được bàn luận sau những phần nhận xét giới thiệu ngắn. Cần lưu ý rằng khoảng cách đo được phần nào đó có những sai khác tùy theo yếu tố cá nhân hay yếu tố môi trường. Chẳng hạn, một mức ồn cao hay điều kiện chiếu sáng thấp thường sẽ mang người ta lại gần nhau hơn.

KHOẢNG THÂN MẬT - Intimate Distance

Ở khoảng cách thân mật, sự hiện diện của đối phương là không thể nhầm lần và đôi khi còn cảm thấy ngột ngạt bởi “tín hiệu đầu vào” của cảm giác gia tăng nhanh chóng. Thị giác (thường bị biến hình), khứu giác, thân nhiệt, âm thanh, mùi hương và cảm giác về nhịp thở, tất cả kết hợp thành một tín hiệu chỉ thị không-thể nhầm-lẫn-được của một cơ thể.

Khoảng thân mật – cự ly gần

Đây là khoảng cách nảy sinh tình cảm và tranh chấp, an tâm và bảo vệ. Giao tiếp vật lý hay khả năng gắn kết thực thể hầu hết phụ thuộc vào nhận thức con người. Việc sử dụng những thụ thể khoảng cách (distance receptor) bị giảm đi đáng kể, trừ khứu giác và giác quan cảm nhận bức xạ nhiệt. Trong cự ly giao tiếp tối đa, cơ bắp và da truyền đạt thông tin. Hông, đùi và đầu cùng tham gia vào, đôi khi là cả cánh tay. Trừ những giới hạn bên ngoài, hình ảnh sắc nét bị làm mờ đi. Khi việc nhìn gần khả dĩ trong khoảng thân mật – như với trẻ con – hình ảnh lớn hơn nhiều và kích thích mạnh hơn vào võng mạc, nếu không muốn nói là tất cả các bộ phận của con mắt. Những chi tiết quan sát được từ khoảng cách này thật kì lạ. Chi tiết này cộng thêm lực kéo ngang của cơ mắt mang lại một trải nghiệm thị giác không thể lầm lẫn với bất kì loại khoảng cách nào khác. Việc lên tiếng ở khoảng cách thân mật chiếm một phần rất nhỏ trong quá trình truyền đạt thông tin, một quá trình được thực hiện chủ yếu bằng các kênh khác. Tiếng thì thào tạo ra một hiệu ứng kéo giãn. Những phát âm xảy ra không tự nhiên.

Khoảng thân mật – cự ly xa

(từ 6 đến 18 inch, tức là khoảng 15 cm đến 46 cm )

Đầu, đùi và hông không dễ gì để thực hiện tương tác giao tiếp, nhưng nhưng bàn tay thì có thể chạm tới và cầm nắm các chi. Phần đầu to hơn và những đặc điểm trên nó bị biến dạng. Với người Mỹ, khả năng tập trung của mắt thường là một đặc điểm quan trọng của khoảng cách này. Tròng mắt của một người được nhìn từ khoảng cách 6 tới 9 inch (15 cm đến 23 cm) lớn hơn đáng kể so với kích thước thật của nó. Người ta cảm nhận được rõ ràng những mạch máu nhỏ ở lòng trắng mắt và con ngươi đang mở rộng. Trường nhìn rõ (15o) chứa cả phần trên và phần dưới khuôn mặt, trông mũi, môi, răng, lưỡi đều như to ra và bị biến dạng. Trường nhìn ngoại vi (từ 30o đến 180o) bao gồm dáng đầu, dáng vai và thường là cả tay nữa.

Người Mỹ phải trải qua rất nhiều sự bất tiện khi những người nước ngoài tiến vào trong phạm vi thân mật, hình ảnh bị biến dạng vì hiệu ứng cận cảnh. Một đối tượng phỏng vấn nói: “Những người đó lù lù trước mặt , thật trướng mắt. Điều đó làm tôi thực sự lo lắng. Họ để mặt họ quá gần, cảm giác giống như thể họ đang ở bên trong bạn”. Người ta cảm thấy khó chịu trên các cơ (cơ bắp) khi nhìn thứ gì đó quá gần và không còn sắc nét. Những biểu cảm “Get your face out of mine” [Tránh cái mặt ra xem nào!] và “He shock his fist in my face” [Từ đầu anh ta đã sốc với cái bản mặt tôi] thể hiện người Mỹ cảm nhận được giới hạn cơ thể của mình nhiều đến nhường nào.

Trong khoảng cách 6 tới 18 inch (15 cm đến 46 cm), giọng nói được sử dụng nhưng với âm lượng rất thấp, đôi khi chỉ là tiếng thì thào. Nhà ngôn ngữ học Martin Joos miêu tả nó: một lời nói thân mật trao gửi cảm nhận (bên trong da) của người nói, khiến người nghe quên đi những yếu tố bên ngoài. Ta có thể nhận ra nhiệt và mùi hôi từ hơi thở của người khác, dù rằng nó không hướng về phía mình. Một số người còn cảm nhận được thân nhiệt người khác đang tăng hoặc giảm.

Với những người trưởng thành trung lưu Mỹ, gần gụi nhau trong khoảng thân mật là không phù hợp, dù rằng thời trẻ họ có thể cũng từng thân mật với một ai đó trong ô tô hoặc trên bãi biển. Những chuyến tàu điện ngầm và xe buýt đông đúc có thể mang những người xa lạ tới gần nhau hơn – một mối quan hệ không gian thân mật – nhưng người đi tàu điện có những “thiết bị ngăn chặn” việc “xích lại gần nhau” để tránh ảnh hưởng tới không gian thân mật trong vận tải công cộng. “Chiến lược” cơ bản nhất là càng ít di chuyển càng tốt. Khi phần thân hoặc một điểm nào đó chạm vào người khác thì họ rụt lại nếu có thể. Nếu không được thì những vùng cơ quanh đó sẽ vẫn duy trì sức căng. Giữa những người lạ mặt, việc thả lỏng và tận hưởng cơ thể khi giao tiếp là điều cấm kị! Trong thang máy chật chội, tay xuôi sát thân, hoặc nắm vào tay vịn để giữ cơ thể ổn định. Đôi mắt cố định vào vô cực và tránh để ai thấy mình đang liếc họ.

Cần chú ý thêm một lần nữa rằng mẫu số chung về khoảng thân mật của người Mỹ không mang tính phổ quát. Ngay cả những quy luật kiểm soát sự gần gũi, như tiếp xúc cơ thể chẳng hạn, cũng không thể duy trì bất biến được. Nếu có cơ hội được giao tiếp với những người Nga, người Mỹ sẽ nhận ra rằng có rất nhiều điểm đặc trưng trong khoảng thân mật của người Mỹ hiện diện ở khoảng xã hội của người Nga. Còn ta đã biết trong những chương trước, những người Trung Đông khi va đụng ở nơi công cộng không phản ứng một cách gay gắt với người lạ, trái ngược với một bộ phận người Mỹ.

KHOẢNG CÁ THỂ - Personal Distance

“Khoảng cá thể” là khái niệm mà ban đầu Hediger sử dụng để gọi tên cho loại khoảng không gian bất biến phân tách với đồng loại trong quần thể loài sống riêng lẻ. Có thể xem đó là một “bong bóng bảo vệ” mà sinh vật duy trì giữa nó và các cá thể khác.

Khoảng cá thể – cự ly gần

(1,5 feet tới 2,5 feet, tức là khoảng 46 cm đến 76 cm)

Giác quan cảm nhận vận động (kinestheic sense) xuất phát một phần từ những khả năng mà mỗi người tham gia khảo sát có thể dùng tứ chi tác động tới người khác. Ở khoảng cách này, người ta có thể ôm nhau. Biến dạng thị giác không còn rõ ràng, song vẫn còn những phản ứng từ các nhóm cơ mắt. Người đọc có thể tự trải nghiệm điều khi nhìn một đối tượng cách xa từ 18 inch tới 3 feet (46 cm đến 91 cm) và để ý tới những cơ quanh mắt. Anh ấy có thể cảm nhận sức căng của vùng cơ này khi hướng mắt vào một điểm. Ấn nhẹ đầu ngón tay vào phần dưới mí mắt, ta sẽ cảm nhận được sự hoạt động của những vùng cơ này – chúng dịch chuyển nhãn cầu để duy trì hình ảnh một cách liền mạch. Một vùng nhìn 15o sẽ bao lấy phần trên hoặc phần dưới khuôn mặt, đó là những phần đặc biệt rõ nét. Những mảng phẳng hay nét bo trên khuôn mặt trở nên nổi bật; hình ảnh phần mũi và tai bớt đập vào mắt; sợi tóc, lông mi và con ngươi đều nhìn thấy rõ. Những tính chất ba chiều của đối tượng được thể hiện cụ thể. Hình dáng, độ nổi khối của các vật thể không giống như được cảm nhận từ bất kì cự ly nào khác. Chất cảm bề mặt cũng rất rõ ràng giữa các đối tượng. Vị trí người ta đứng nói lên mối quan hệ của họ, hoặc là thái độ của họ với đối phương, hoặc là cả hai. Người vợ có thể ở trong khoảng cá thể của chồng cô ta một cách thoải mái. Chuyện này sẽ hoàn toàn khác với một người phụ nữ lạ.

Khoảng cá thể – cự ly xa

(từ 2,5 feet đến 4 feet, tức là khoảng 76 cm đến 122 cm)

Cự ly xa của khoảng cá thể được biểu thị bằng “chiều dài cánh tay”. Cự ly này kéo dài từ một điểm ngay sát vùng-dễ-chạm-tới-nhất của một người, đến một điểm khác mà hai người có thể chạm đầu ngón tay vào nhau nếu cùng giơ cánh tay ra. Đây thực sự là giới hạn chế ngự vật lý. Vượt ra khỏi giới hạn này, người ta sẽ không còn dễ dàng “đặt tay mình” lên một người khác. Người ta sẽ không bàn luận những chủ đề riêng tư khi đứng ở khoảng cách này. Tỉ lệ phần đầu trở về bình thường và những đặc điểm cơ thể đều rõ nhìn. Người ta cũng có thể quan sát tốt những chi tiết trên da, tóc bạc, mắt buồn ngủ, vết ố trên răng, vết nhăn hay vết bẩn trên quần áo. Fovea trên võng mạc chỉ bao quát được một vùng tương đương với kích cỡ của mũi hoặc một con mắt, vì phải nhìn quanh gương mặt ( hướng nhìn là một vấn đề văn hóa quan trọng ). Vùng nhìn rõ 15o bao quát phần dưới hoặc phần trên của mặt, trong khi vùng nhìn ngoại vi 180o bao quát được phần tay và toàn bộ cơ thể nếu người kia đang ngồi. Có thể phát hiện chuyển động của cánh tay nhưng của ngón tay thì không. Âm lượng giọng nói ở mức trung bình. Không thể cảm nhận được thân nhiệt của người khác. Khứu giác không hoạt động một cách bình thường với những người sử dụng nước hoa: “bong bóng hương thơm” ngăn cản người ta phát hiện ra mùi gì lạ. Hơi thở đôi khi cũng có thể được phát hiện ra từ khoảng cách này, nhưng nói chung thì người Mỹ không được dạy cách định vị hơi thở từ người khác.

KHOẢNG XÃ HỘI - Social Distance

Ranh giới giữa cự ly xa của khoảng cá thể và cự ly gần của khoảng xã hội trùng nhau, cả hai đều được gọi là “giới hạn chiếm lĩnh” (limit of domination). Chi tiết trên gương mặt không thể nhận ra, không thể chạm vào nhau nếu không có những nỗ lực đặc biệt. Âm lượng giọng nói ở mức bình thường, đối với người Mỹ. Có một ít thay đổi giữa cự ly xa và cự ly gần, cuộc đối thoại có thể bị gián đoạn ở khoảng cách chưa đến 20 feet (6,1 m). Tôi đã xem xét tổng thể về vấn đề âm thanh và thấy rằng âm lượng người Mỹ sử dụng thấp hơn của người Ả Rập, người Tây Ban Nha, người Nam Á, người Nga, và phần nào đó lớn hơn giới thượng lưu Anh, người Đông Nam Á và người Nhật Bản.

Khoảng xã hội – cự ly gần

(từ 4 feet đến 7 feet, tức là khoảng 122 cm đến 213cm)

Tỉ lệ phần đầu bình thường; khi dịch chuyển ra khỏi đối tượng, vùng fovea của mắt có thể thu nhận một lượng thông tin lớn hơn. Ở khoảng cách 4 feet (122 cm), vùng nhìn 1o có thể bao quát một diện tích lớn hơn một con mắt. Trong khoảng cách 7 feet (213 cm), vùng nhìn rõ nới rộng ra toàn bộ phần mũi và mắt, hoặc nửa mặt. Nhiều người Mỹ đảo mắt khắp khuôn mặt người đối diện. Chi tiết cấu trúc bề mặt da và tóc được cảm nhận rõ ràng. Một trường nhìn 60o bao quát phần đầu, vai và nửa thân trên trong khoảng cách 4 feet (122 cm), và bao quát toàn thân ở cự ly 7 feet (213 cm).

Trong khoảng cách này, ở cự ly gần có nhiều hoạt động cá nhân diễn ra hơn ở cự ly xa. Những người làm việc cùng nhau có xu hướng xích lại khoảng xã hội cự ly gần. Đó cũng là cự ly thông dụng với những hoạt động tụ họp thông thường. Đứng và nhìn xuống một người ở khoảng cách này mang lại hiệu ứng độc chiếm, giống như khi một người nói chuyện với thư kí hay tiếp tân của anh ta.

Khoảng xã hội – cự ly xa

(từ 7 feet đến 12 feet, tức là từ 213 cm đến 366 cm)

Đây là cự ly mà người ta cần đạt tới khi một ai đó nói “Hãy đứng ra xa để tôi có thể nhìn thấy [toàn thân] bạn”. Những cuộc bàn luận về công việc và xã hội thường xuyên xảy ra ở cận trên của khoảng xã hội hơn là xảy ra trong cự ly gần. Những chiếc bàn trong văn phòng của người-có-chức-có-quyền phải đủ lớn để đặt những vị khách vào cự ly xa của khoảng xã hội. Ngay cả trong một văn phòng với những chiếc ghế kích thước cơ bản thì chiếc ghế đối diện cũng được đặt cách 8 hoặc 9 feet so với người ngồi sau chiếc bàn. Ở cự ly xa của khoảng xã hội, những chi tiết nhỏ trên gương mặt (chẳng hạn những mao mạch máu trong mắt) biến mất. Trái lại, bề mặt da, tóc, răng và trang phục lại dễ dàng nhìn thấy được. Không ai trong nhóm đối tượng khảo sát của tôi nhắc đến nhiệt hoặc mùi hôi cơ thể. Hình dáng toàn thân – cùng với một bối cảnh xung quanh tốt – gói gọn trong một trường nhìn 60o. Cũng trong khoảng cách 12 feet (366 cm), người ta ít phải vận động nhóm cơ mắt để giữ nhãn cầu hướng về một điểm. Mắt và miệng là phần được nhìn thấy rõ nhất. Vì vậy, người ta không phải đảo mắt để nhìn toàn bộ gương mặt đối phương. Trong suốt những cuộc đối thoại dài ở khoảng cáh này, việc duy trì giao tiếp bằng mắt quan trọng hơn là với cự ly gần.

Hành vi giao tiếp theo trật tự trên mang điều kiện văn hóa và hoàn toàn tùy biến. Nó cũng ràng buộc với tất cả những thứ liên quan. Thoát khỏi ánh nhìn của người khác là cách “cấm cửa” và dừng cuộc hội thoại, đó là lý do tại sao người ta có thể thấy những người duy trì cự ly này rướn cổ và nghiêng mình sang để tránh chướng ngại vật. Tương tự, khi kẻ đứng người ngồi, giao tiếp bằng mắt kéo dài trong khoảng cách ngắn hơn 10 hoặc 12 feet (305 cm đến 366 cm) làm mỏi cơ cổ. Các nhân viên cấp dưới thường tránh điều này, nếu họ là người nhạy cảm với sự thoải mái của sếp. Dù vậy, nếu hai người đổi vị trí, người cấp dưới được ngồi thì cấp trên thường sẽ tiến lại gần hơn.

Ở cự ly này, âm lượng giọng nói lớn hơn nhiều so với ở cự ly gần, và ở phòng bên dễ dàng nghe được nếu cửa mở. Tăng âm lượng hoặc hét lên có thể tạo ra hiệu ứng thu ngắn cự ly, từ khoảng xã hội thành khoảng cá thể.

Đặc trưng giao tiếp của khoảng xã hội (cự ly xa) là nó được sử dụng để tách biệt hay ngăn cách mọi người với nhau. Cự ly này làm người ta có thể tiếp tục làm việc trước sự hiện diện của người khác, với điều kiện họ không xuất hiện một cách thô lỗ. Tiếp tân cũng dễ bị tác động như hầu hết nhân viên văn phòng, riêng có nhiệm vụ kép: trả lời điện thoại lịch sự với người gọi, đồng thời ghi chép. 10 feet (305 cm) là “cự ly bắt chuyện” tối đa của lễ tân với khách, bất kể quen hay lạ. Nhưng nếu có nhiều không gian hơn thì cô ấy có thể làm việc khá tự do khi không phải nói chuyện với ai. Tương tự như vậy, những anh chồng trở về từ cơ quan thường tìm cho mình chỗ ngồi thư giãn và đọc sách, cách những cô vợ một khoảng 10 feet (305 cm) hoặc hơn. Ở khoảng cách này, một cặp đôi có thể “dính vào nhau” một chút và “buông tha” tùy hứng. Một số anh đàn ông phát hiện ra rằng: những bà vợ của họ bố trí đồ nội thất theo kiểu lưng-tựa-lưng – một phương thức sociofugal [ngăn chia] được ưa thích nhất của nhà làm phim hoạt hình Chick Young, người làm ra “Blondie”. Cách bố trí chỗ ngồi theo kiểu lưng-tựa-lưng là một giải pháp thích hợp để tối giản không gian vì nếu muốn, hai người có thể chẳng bị ràng buộc gì đến nhau với kiểu ngồi này.

KHOẢNG CÔNG CỘNG - Public Distance

Rất nhiều những biến đổi quan trọng diễn ra khi chuyển từ khoảng cá thể và khoảng xã hội sang khoảng công cộng – loại không gian giao tiếp nằm ngoài vòng tròn ràng buộc.

Khoảng công cộng – cự ly gần

(từ 12 feet đến 25 feet, tức là khoảng 3,6 m đến 7,6 m)

Ở khoảng cách 12 feet (3,6 m), nếu bị đe dọa, với sự cảnh giác, một người có thể đưa ra hành động tự vệ hoặc trốn chạy. Khoảng cách này thậm chí còn gây ra một phản xạ tẩu thoát dữ dội để lại ít dấu vết. Giọng nói to nhưng cũng không cần phải kịch cỡ. Những nhà ngôn ngữ nhận thấy rằng sự lựa chọn từ ngữ và cấu trúc câu cũng như những biến đổi về ngữ pháp và cú pháp xảy ra ở cự ly này. Lựa chọn khái niệm “kiểu chính thức” của Martin Joos được mô tả khá phù hợp: “Những lời chính thức . . . đòi hỏi sự hoạch định kĩ lưỡng . . . của người nói, để phát ngôn một cách chính xác và đưa ra quyết định trong một bước chân.” Vùng nhìn rõ nhất (1o) bao quát toàn bộ gương mặt. Những chi tiết nhỏ trên da và mắt không còn rõ. Ở khoảng cách 16 feet (4,9 m), cơ thể bắt đầu mất đi độ nổi khối, trông phẳng lì. Khó có thể nhận thấy màu mắt của đối phương, chỉ có phần lòng trắng mắt là nhìn được. Tỉ lệ phần đầu giảm xuống. Vùng nhìn rõ dạng thoi bao quát một góc 15o thu nhận được khuôn mặt của hai người ở cách 12 feet (3,6 m), trong khi một trường nhìn quét một góc 60o thu nhận được toàn thân cùng với một chút bối cảnh xung quanh. Sự hiện diện của những người khác có thể được phát hiện thấy trong vùng nhìn ngoại vi.

Khoảng công cộng – cự ly xa

(từ 25 feet trở ra, tức là lớn hơn hoặc bằng 7,6 m)

Khoảng cách 30 feet (9,1 m) tự động thiết lập nên những đặc điểm công cộng quan trọng. Một ví dụ tuyệt vời trong cuốn “The Making of the President 1960” (Làm tổng thống năm 1960) của Theodore H.White khi ứng viên John F. Kenedy trở thành tổng thống. White đang miêu tả một nhóm ở trong “nhà ẩn cư” khi Kenedy bước vào:

Kenedy bước những bước nhẹ nhàng và uyển chuyển, trẻ trung và mạnh mẽ như tuổi thanh xuân, ông đi lẹ vào trong ngôi nhà nhỏ. Những người bên đường chào hỏi ông, rồi dường như ông thoát rất nhanh khỏi họ khi bước xuống các bậc thang của căn nhà lệch tầng, đến một góc, nơi anh trai Bobby và anh rể Sargent Shriver đang trò chuyện chờ ông. Những người khác trong phòng xúc động trước sự tham gia của ông. Rồi họ khựng lại. Khoảng cách đó, có lẽ là 30 feet, đã tách họ ra khỏi ông, ngắn thôi nhưng nó không thể vượt qua được. Họ, những người đàn ông lớn tuổi mang uy-quyền-lâu-năm, đứng xa nhau và quan sát Kenedy. Ông quay lại sau vài phút, thấy họ đang nhìn mình và thì thầm với người anh rể. Shriver giờ đã vượt qua khoảng trống ngăn cách để mời họ đến. Đầu tiên là Averell Harriman; rồi Dick Daley; sau đó Mike DiSalle, từng người một chúc mừng Kenedy. Tuy nhiên, không ai có thể vượt qua khoảng mở nhỏ giữa ông và họ, bởi sự ngăn cách mỏng manh này với ông, cũng bởi họ thấy mình như những khách hàng của Kenedy thay vì là những người họ hàng thân thích. Họ chỉ lại gần khi được mời, bởi một người có thể là Tổng thống của Hợp Chúng Quốc này.

Khoảng công cộng thông thường không bị hạn chế cận trên. Tuy nhiên, có một số điều chỉnh nhất định phải được thực hiện. Hầu hết các diễn viên biết rằng ở khoảng cách 30 feet (9,1 m) trở lên, những sắc thái tinh tế của giọng nói bị mất đi, cùng với các chi tiết biểu hiện và chuyển động trên khuôn mặt. Không chỉ tiếng nói mà mọi thứ khác phải được phóng đại hoặc khuếch đại mới có thể cảm nhận được. Rất nhiều nội dung truyền thông không liên quan đến ngôn ngữ chuyển sang cử chỉ và trạng thái cơ thể. Ngoài ra, nhịp điệu của giọng nói giảm xuống, các từ được thể hiện rõ ràng hơn, và cũng có những thay đổi về phong cách. Phong cách đặc trưng của Martin Joos là hóa băng: "Phong cách hóa băng là dành cho những người vẫn còn xa lạ." Toàn bộ cơ thể một người có thể khá nhỏ và anh ta được nhìn nhận trong một bối cảnh. Người ta càng lùi ra xa, vùng fovea trên võng mạc càng bao quát được nhiều thông tin, cho đến khi đối tượng nằm hoàn toàn trong vòng tròn nhỏ của vùng nhìn sắc nét nhất. Tại thời điểm đó, mọi người trông giống như lũ kiến, hãy liên lạc trước khi họ mất hút. Trường nhìn 60o bao quát được bối cảnh, còn trường nhìn ngoại vi dùng để phát hiện những chuyển động ở bên cạnh.

TẠI SAO LẠI LÀ “BỐN” KHOẢNG CÁCH?

Khi tóm tắt lại bảng miêu tả về những vùng không gian thông dụng đối với nhóm người Mỹ, một lời kết cuối cùng về nó là theo thứ tự. Có thể nảy sinh một vài câu hỏi: Tại sao chỉ có bốn vùng mà không phải là sáu hay tám? Tại sao lại thiết lập vậy? Làm thế nào ta biết được cách phân loại đó đã hợp lý hay chưa? Các loại được chọn ra như thế nào?

Như tôi đã nhắc đến ở đầu chương 8, người làm khoa học luôn cần một hệ thống phân loại, một hệ thống bất biến nhất có thể với hiện tượng xảy ra dưới sự quan sát, một hệ thống duy trì sự hữu ích đủ lâu. Đằng sau mỗi hệ thống phân loại là một học thuyết hoặc giả thuyết về bản chất dữ liệu và những hình mẫu cơ bản của cách tổ chức. Giả thuyết đằng sau hệ thống phân loại này là: không gian giao tiếp (proxemic classification system). Nó nằm trong bản chất của động vật, bao gồm cả con người, thể hiện hành vi mà chúng ta gọi là lãnh thổ. Trong khi thực hiện, chúng ta sử dụng các giác quan để phân biệt không gian hoặc khoảng cách này với không gian hay khoảng cách khác. Khoảng cách chuyên biệt được lựa chọn phụ thuộc vào sự giao tiếp; mối quan hệ tương tác các cá thể, cách thức họ cảm nhận và những việc họ đang làm. Hệ thống phân loại bốn mức ở đây dựa vào những quan sát trên cả động vật lẫn con người. Loài chim hay loài vượn cũng có những khoảng thân mật, khoảng cá thể, khoảng xã hội và khoảng công cộng của riêng chúng giống như con người.

Người phương Tây kết hợp những hoạt động xã hội cùng những mối liên hệ vào một loại khoảng cách, rồi thêm vào đặc điểm công cộng và mối quan hệ công cộng. Những liên hệ “công cộng” và những cách thức “công cộng” khi người châu Âu và người Mỹ thực hành rất khác so với phần còn lại của thế giới. Có những yếu tố bắt buộc ngầm định (những cách thức được quy định trước) trong cách cư xử với những người hoàn toàn xa lạ. Thế nên, chúng tôi nhận ra bốn mức quan hệ (thân mật, cá thể, xã hội và công cộng) cùng với những hoạt động và không gian đi kèm với chúng. Ở phần còn lại của thế giới, những mối quan hệ có xu hướng đưa về những mẫu số chung khác, chẳng hạn như “gia đình – không phải gia đình” ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và những vùng trước kia là thuộc địa của hai nước này, hay là “có thứ bậc trong xã hội – bị ruồng bỏ” ở Ấn Độ. Cả người Ả Rập lẫn người Do Thái đều phân biệt rõ ràng giữa những người “có liên quan” và “không liên quan”. Nghiên cứu về người Ả Rập dẫn tôi đến thực tế rằng tồn tại một hệ thống để tổ chức không gian bất quy tắc, rất khác với những gì tôi thấy ở Mỹ. Mối quan hệ của thường dân Ả Rập với người đứng đầu của mình hoặc với Thiên Chúa không phải là một mối quan hệ công chúng. Nó gần gũi và mang tính cá nhân, không hề có trung gian.

Cho tới gần đây, những yêu cầu không gian của con người mới được nghĩ tới, chúng được xem là lượng không khí thực tế mà cơ thể con người chiếm chỗ. Sự thực là bao quanh con người có những phần mở rộng không thể quan sát thấy. Những khác biệt trong vùng – thực sự thì chúng luôn tồn tại – trở nên rõ ràng chỉ khi người Mỹ bắt đầu tương tác với người nước ngoài – giác quan của họ được tổ chức theo một cách hoàn toàn khác. Những gì thân mật, gần gũi trong một nền văn hóa này có thể mang tính cá thể hoặc công cộng trong một nền văn hóa khác. Thế nên, lần đầu tiên người Mỹ mới bắt đầu quan tâm tới khả năng bao quát không gian của chính mình, thứ mà trước kia họ chẳng hề bận tâm.

Khả năng nhận diện những vùng không gian, những hoạt động, những mối quan hệ và những cảm xúc đi kèm với mỗi loại ngày nay trở nên cực kì quan trọng. Dân cư đang đổ dồn về các thành phố. Các nhà thầu và nhà đầu cơ đang “đóng gói” người ta trong những cái hộp thẳng đứng – cả văn phòng lẫn nhà ở. Nếu nhìn con người theo cách nhìn của bọn buôn nô lệ ngày xưa – quan niệm về nhu cầu không gian của họ đơn giản là những giới hạn của cơ thể – thì ta chẳng mấy khi đoái hoài gì đến hiệu ứng đám đông. Song nếu như xem con người như được bao bọc trong một chuỗi những bong bóng vô hình có kích thước cụ thể thì nền kiến trúc của chúng ta có cơ hội tìm ra nguồn sáng mới. Con người có thể bị kẹp giữa những không gian nơi họ sinh sống và làm việc. Họ thậm chí có thể thấy mình bị ép buộc vào các hành vi, các mối quan hệ hoặc các luồng cảm xúc quá căng thẳng. Giống như trọng lực, sức ảnh hưởng của hai cơ thể lên nhau tỉ lệ nghịch không chỉ với bình phương, mà có thể còn là lập phương khoảng cách giữa họ. Khi sức ép đám đông gia tăng, độ nhạy cảm cũng tăng theo – người ta sẽ dịch chuyển ra biên nhiều hơn – càng cần nhiều không gian hơn thì số lượng đáp ứng ngày càng ít.

Hai chương kế tiếp – diễn giải những hình mẫu không gian giao tiếp của con người trong những nền văn hóa khác nhau – được viết ra để phục vụ hai mục đích: thứ nhất, làm sáng tỏ thêm về các hình mẫu mà ta thường phớt lờ và hi vọng điều này sẽ góp phần cải thiện thiết kế của các cấu trúc phục vụ sinh hoạt và làm việc, đồng thời là cả các thành phố; và thứ hai, để thể hiện nhu cầu to lớn về sự hiểu biết liên quan tới hạ tầng văn hóa. Những hình mẫu không gian giao tiếp chỉ ra sự khác biệt căn bản giữa mọi người – thứ chỉ có thể lờ đi trong trường hợp nguy cấp. Ngày nay, những quy hoạch gia và nhà thầu Mỹ đang tham gia vào hoạt động thiết kế đô thị ở những nước khác, nơi mà họ ít hiểu về nhu cầu không gian của dân cư, thậm chí không biết gì về sự thay đổi của nhu cầu này theo văn hóa. Khả năng áp đặt toàn bộ người dân vào những khuôn khổ chẳng-vừa-vặn với họ là rất cao. Hoạt động tái thiết đô thị ở Hoa Kỳ và tội ác chống lại nhân loại xảy ra nhan nhản, chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về cách tạo lập môi trường cộng đồng cho các quần cư đa dạng đang đổ xô vào các thành phố của chúng ta.

. . . còn nữa . . .