The hidden dimension

Chiều kích ẩn của không gian

11. KHÔNG GIAN GIAO TIẾP TRONG BỐI CẢNH GIAO THOA VĂN HÓA: ĐỨC, ANH VÀ PHÁP

Người Đức, người Anh, người Mỹ và người Pháp có nhiều nét tương đồng đáng kể, song cũng có những điểm xung đột trong văn hoá. Vì thế, hiểu lầm sẽ làm tất cả trở nên trầm trọng vì giới tinh hoa Âu và Mỹ đòi hỏi sự chừng mực trong hành vi của người khác. Khi không để tâm tới những khác biệt văn hóa, ta thường đối xử hoặc nhìn nhận nhau một cách dễ dãi, hời hợt, thiếu sự quan tâm.

NGƯỜI ĐỨC

Khi tiếp xúc với người ngoại quốc, ta có xu hướng khái quát hành vi của đối phương. Người Đức và người Thụy Sĩ nói tiếng Đức cũng không phải ngoại lệ . Những trí thức người Đức và người Thụy Sĩ nói tiếng Đức mà tôi tiếp xúc hầu như thế cả, và sau cùng họ rất nhanh chóng bắt kịp nhịp sống của người Mỹ. Họ đều đồng ý rằng Người Mỹ có cách phân bổ thời gian rất chặt chẽ và lên lịch trình cặn kẽ. Họ cũng để ý thấy người Mỹ không dành ra bất cứ thời gian rảnh nào cho mình (điều này đã được Sebastian de Grazia viết trong cuốn Of Time, Work, and Leisure).

Từ khi biết cả người Đức lẫn người Thụy Sĩ (chỉ tính riêng những người nói tiếng Đức) hoàn toàn bình tâm về thời gian, tôi bèn thắc mắc về quan điểm của họ đối với cách người Mỹ tiếp cận thời gian. Họ luôn nói rằng trong cùng một khung giờ, người châu Âu sẽ lên ít kế hoạch hơn để “cảm thấy đỡ bị áp lực thời gian hơn người Mỹ”. Người châu Âu cho phép mình có nhiều thì giờ dành cho những thứ liên quan đến các mối quan hệ quan trọng. Người châu Âu đề cao mối tác giữa người với người, trong khi người Mỹ thì lịch trình mới là trên hết. Thêm nữa, một vài người nhận ra mối liên hệ giữa việc quản lý thời gian và nhứng ứng xử với không gian - thứ mà người Mỹ bừa bãi đến ngạc nhiên. Theo chuẩn mực châu Âu, dân Mỹ sử dụng không gian đầy lãng phí và hiếm khi lên kế hoạch tường tận cho những nhu cầu chung. Thực tế, họ cảm thấy dường như không cần nhất thiết phải song hành với không gian. Bằng việc nhấn mạnh vào thời gian biểu, người Mỹ có xu hướng khuếch trương nhu cầu cá nhân. Ở điểm này, tôi sẽ đề cập thứ mà tất cả người châu Âu không có chung cảm nhận. Nhiều người không thể làm gì hơn ngoài việc than vãn rằng ở Mỹ họ cảm thấy áp lực bởi thời gian và thành phố thì thiếu nhiều thứ. Tuy nhiên, qua quan sát một số người châu Âu, ta ước đoán được rằng những “áp bức” không gian làm người Đức “ủ dột” hơn so với người Mỹ.

Người Đức và những sự xâm phạm

Tôi sẽ không bao giờ quên trải nghiệm đầu tiên của mình với hình mẫu không gian giao tiếp kiểu Đức (German proxemic pattern) thời còn đi học. Thói quen, tâm trạng và bản ngã của tôi đã bị một người Đức tấn công và bẻ vụn, mà ba mươi năm cư trú tại đất nước này và một pha hành xử kiểu Anh đã không làm suy chuyển định nghĩa của người Đức về những gì cấu thành một sự xâm nhập. Để hiểu được những vấn đề nguy cấp ở đây, ta cần liên hệ với hai hình mẫu kiểu Mỹ cơ bản được thừa nhận ở quốc ra này và những xu hướng phổ biến của họ.

Thứ nhất, ở Mỹ họ chấp nhận những ranh giới vô hình ngăn chia một nhóm hai hoặc ba người đang nói chuyện. Yếu tố “khoảng cách” có nhiệm vụ cô lập và trở thành một tường chắn bảo vệ sự riêng tư của nhóm. Thông thường, âm lượng giọng nói được duy trì ở mức thấp để tránh xâm phạm đến người khác, và nếu giọng nói có văng vẳng sang thì người ta sẽ hành xử như thể không nghe thấy gì. Như vậy thì tính riêng tư có thực sự tồn tại?

Mô hình thứ hai phần nào tế nhị hơn và rõ ràng hơn khi ranh giới là ô cửa ngăn chia trong và ngoài căn phòng. Chuyện rằng ở Mỹ, nếu có ai đó đứng gần ngưỡng cửa (cửa đang mở) và nói với người bên trong, chẳng ai trong phòng sẽ quan tâm đến điều anh ta nói, thậm chí hành động đó bị coi là việc “bên ngoài”. Hay trong một văn phòng, một người đứng ngoài và “ngó đầu qua cửa” thì anh ta vẫn ở ngoài mà thôi. Chỉ khi nắm chặt cửa, cơ thể ở trong căn phòng thì anh mới được xem là đã “đặt một chân vào phòng", lúc đó anh gần-như-ở-trong lãnh thổ của người khác. Không một cách định nghĩa không gian nào của người Mỹ khả dụng ở miền Bắc nước Đức. Người Mỹ ngang nhiên bước vào lãnh thổ của người Đức mà vẫn cứ nghĩ rằng “tôi vẫn ở bên ngoài”. Những gì diễn ra kế tiếp dẫn đến cuộc xung đột giữa hai hình mẫu.

Một ngày xuân ấm áp, một tiết trời mà bạn chỉ có thể tìm thấy ở miền đất Colorado cao ráo, không khí sạch sẽ, trong vắt, một tiết trời làm bạn hạnh phúc với từng khoảng khắc mình được sống. Trước cửa một ngôi nhà nghỉ cuối tuần, tôi đứng nép và trò chuyện với một người phụ nữ trẻ sống ở căn hộ tầng trên. Tầng một ngôi nhà đã chuyển đổi chức năng thành một studio nghệ thuật. Bố cục căn nhà khá lạ vì chỉ duy nhất một lối vào chung cho tất cả những người thuê, họ đi dọc theo bức tường của studio để tới cầu thang lên căn hộ. Bạn đọc có thể cho rằng họ có “đặc quyền” trên lãnh địa của anh nghệ sĩ. Khi đứng ở trên bậc cửa nói chuyện, tôi liếc nhìn sang trái và thấy rằng cách tôi 50 đến 60 feet, bên trong studio, nghệ sĩ gốc Phổ Phổ: một vương quốc trong lịch sử Đức tồn tại từ năm 1701 đến 1918, cho đến khi Đức bị đánh bại tại Chiến tranh thế giới thứ nhất. cùng hai người bạn cũng đang trò chuyện với nhau. Anh ấy ở tư thế ngẩng mặt và nếu liếc sang một bên thì sẽ thấy tôi. Tôi để ý đến anh ta nhưng không muốn mình xuất hiện hỗn hào hoặc làm gián đoạn cuộc nói chuyện giữa họ. Một cách vô thức, tôi áp dụng quy tắc Mỹ và cho rằng hai hoạt động – cuộc nói chuyện của tôi và cuộc nói chuyện của anh ta – không liên quan đến nhau. Chợt nhận ra đó là một sai lầm bởi gần như ngay lập tức, anh nghệ sĩ rời chỗ, chạy qua không gian chung, đẩy bạn tôi sang một bên và với ánh mắt giận dữ, anh bắt đầu la mắng tôi. Tôi có quyền gì mà vào studio của anh ta mà không chào hỏi? Ai cho phép tôi?

Cảm giác lúc đó như bị ngược đãi và nhục nhã ghê gớm, sau gần ba mươi năm tôi vẫn không thể quên được. Những nghiên cứu sau đó cho tôi nhiều hiểu biết hơn về hình mẫu không gian giao tiếp của người Đức. Tôi đã học được rằng trong mắt người Đức, tôi là kẻ thô lỗ không thể chấp nhận được. Tôi đã phạm vào vùng “bên trong” ngôi nhà với ánh nhìn của mình. Với người Đức, bước vào trong phòng đã là xâm nhập rồi, đặc biệt nếu từ vị trí đó có thể ngó nghiêng được căn phòng, không kể xa bao nhiêu.

Mới đây, khi đang điều tra về vùng nhìn của con người ở những trạng thái thân mật, cá thể, xã hội, công cộng, tôi vô tình có được một bài kiểm tra độc lập về cách người Đức cảm nhận như thế nào về sự xâm phạm thị giác. Ở nghiên cứu này, các đối tượng sẽ chụp hình riêng rẽ một người đàn ông và một người phụ nữ trong từng trạng thái nói trên. Một trong những trợ tá người Đức của tôi đã chụp “out” nét những người ở khoảng công cộng. Anh ấy phân trần: “Anh thực sự không được phép nhìn người khác trong khoảng công cộng vì đó là sự xâm phạm.” Điều này có thể giải thích cho hành xử bất thường đằng sau “những quy tắc Đức” chống lại việc người lạ chụp ảnh công khai mà không xin phép.

“Khối cầu riêng tư”

Người Đức xem không gian của riêng mình như một phần mở rộng của bản ngã. Cảm giác này xuất hiện thông qua khái niệm “Lebensraum”. Tôi chẳng thể dịch được vì từ này bao hàm quá nhiều thứ. Hifler đã rất thành công khi dùng nó như một đòn bẩy tâm lý để chinh phục người Đức.

Đối lập với người Ả Rập, cái “tôi” của người Đức bộc lộ một cách mạnh mẽ và anh ta sẽ bảo vệ bằng được “khối cầu riêng tư” của mình. Điều này được chứng minh trong suốt Thế chiến thứ hai, lính Mỹ trông coi những tù nhân Đức dưới nhiều điều kiện và địa điểm khác nhau, trong đó có vùng Midwest. Tại đó, cứ bốn tù nhân Đức thì ở trong một cái lều nhỏ. Ngay khi có vật liệu, mỗi người trong bộ tứ xây một vách ngăn để có không gian của riêng mình. Một bối cảnh khác tại Đức, khi Wehrmacht (Lực lượng vũ trang Đức quốc xã) dần sụp đổ, tù binh Đức đang tiến dần đến khó kiểm soát và cần sử dụng hàng rào để ngăn chặn. Điều làm người Mỹ ngạc nhiên là những người lính Đức tự xây một chỗ trú nhỏ cho riêng mình, dù chỉ là cái hốc đủ cho một con cáo, thay vì góp sức và chung nguồn vật liệu khan hiếm với nhau để tạo ra một không gian lớn hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là vào những đêm mùa xuân lạnh giá. Kể từ đó, tôi thường xuyên quan sát những trường hợp sử dụng không gian kiến trúc như một nhu cầu của bản ngã. Những ngôi nhà kiểu Đức có ban công được sắp xếp để đạt được sự riêng tư về tầm nhìn. Sân được rào chắn cẩn thận; nhưng dù có được rào chắn hay không thì chúng vẫn là bất khả xâm phạm.

Dưới con mắt của người Mỹ, mấy tay Đức đặc biệt có vấn đề khi phải chung đụng không gian. Tiếc là tôi không thể tìm được những tài liệu nhắc đến hiện trạng về không gian cư trú vào những ngày đầu sau Thế chiến thứ 2 – ngày mà Berlin đang loạn lạc. Những gì diễn ra thực sự là cơn ác mộng, vì nó đi cùng với những sai lầm khinh suất trong đụng độ văn hóa. Ở Berlin vào thời điểm đó, tình trạng thiếu thốn chỗ ở thực sự không thể nói trong một hai câu. Để tạo dựng lòng tin, các nhà chức trách về hoạt động cư trú trong vùng tạm chiếm của Mỹ sắp xếp lại nơi ở cho những cư dân Berlin. Các hộ hàng xóm thì chung nhau khu bếp và khu vệ sinh. Rồi động chạm chén bát và xuất hiện những tay quá khích gây gổ chém giết nhau, sự sắp xếp chỗ ở của người Mỹ dành cho người Đức đã thất bại.

Những công trình công cộng và tư nhân ở Đức thường có cửa hai lớp để cách âm, cũng giống như nhiều phòng khách sạn. Ngoài ra, cánh cửa cũng được người Đức chọn rất tỉ mỉ. Khi đến với nước Mỹ, họ cảm thấy cánh cửa của chúng ta sao mà mỏng và nhẹ quá. Cái cách đóng mở cửa cũng khác nhau ở hai quốc gia. Trong văn phòng, người Mỹ luôn để cửa mở; người Đức thì đóng nó lại. Ở Đức, cửa đóng không có nghĩa là người đằng sau cánh cửa muốn một mình hoặc không muốn ai làm phiền, hay là anh ta đang làm việc gì đó mà không muốn người khác thấy. Đó đơn giản chỉ là người Đức nghĩ việc mở cửa thể hiện sự bất cẩn và mất trật tự. Đóng cửa giúp giữ lại nguyên vẹn bầu không khí trong phòng và tạo ra một ranh giới bảo vệ. Bằng không, người ta sẽ cảm thấy quá liên quan với những người xung quanh. Một đối tượng người Đức của tôi nhận xét rằng: “Nếu không có những cái cửa, gia đình chúng tôi sẽ phải thay đổi cách sống của mình. Không có những cái cửa, chúng tôi sẽ mâu thuẫn, xung đột nhiều hơn. . . . Khi không thể đối thoại, anh có thể lùi lại sau cánh cửa. . . . Nếu không có những cái cửa, tôi lúc nào cũng sẽ bị mẹ tôi kiểm soát.”

Bất cứ khi nào một người Đức tham gia vào chủ đề không gian đóng kín của người Mỹ, anh ta có thể sẽ nhận xét luôn về tiếng ồn truyền qua tường và cửa. Với nhiều người Đức, những cánh cửa định hình cuộc sống của người Mỹ: chúng mỏng manh và rẻ tiền; hiếm khi vừa vặn; và thiếu đi sự chắc chắn của những cánh cửa Đức. Cửa không phát ra âm thanh chắc nịch, nặng tai khi đóng lại. Những âm thanh của ổ khóa không rõ ràng, rời rạc và có thể còn không có.

Chỉ riêng việc đóng cửa – hé cửa gây ra những mâu thuẫn trong các chi nhánh và công ty con của Mỹ tại Đức. Quy tắc này dường như khá đơn giản nhưng cũng dễ gây ra hiểu lầm giữa những quản lý người Đức và người Mỹ. Có lần tôi tư vấn qua điện thoại cho một tập đoàn hoạt động trên toàn thế giới, câu hỏi đầu tiên có thể được nhắc tới là: “Làm thế nào để bảo người Đức luôn mở cửa phòng?” Ở công ty này, việc mở cửa đang làm cho người Đức cảm thấy thông thống, bầu không khí không thoải mái và phù hợp với công việc. Trái lại, cửa đóng làm những người Mỹ thấy ngột ngạt, một nơi đầy mưu mô mà họ phải rời bỏ. Dù là đóng cửa hay mở cửa, thì người ở hai quốc gia này cũng không có cùng suy nghĩ với nhau.

Trật tự trong không gian

Lề lối và tính chất phân tầng trong văn hóa Đức được thể hiện thông qua cách xử lý không gian của họ. Người Đức muốn biết về nơi họ đứng và phản ứng kịch liệt với những người cắt ngang đoàn người hay những người “không theo hàng theo lối”. Ta có thể quan sát được thái độ của người Đức với với mình khi để ý tới những đường ranh giới hoặc “những gì là được phép” nói chung.

Dù rằng vậy, mối quan ngại của người Đức tới thói vô-lề-vô-lối của người Mỹ không sánh được với người Ba Lan - những người không thấy phiền gì với một sự xáo trộn nho nhỏ. Với họ, hàng lối đại diện cho tổ chức và quyền lực mù quáng. Có lần trong quán cà phê tôi nhìn thấy một người Ba Lan phá hàng chỉ để “khuấy động những con chiên ngoan đạo”.

Như đã nói, những người Đức định vị khoảng xâm phạm một cách chính xác đến máy móc. Ví dụ, ngày trước tôi từng yêu cầu sinh viên của mình nói về khoảng cách được xem như bị kẻ thứ ba xen vào cuộc nói chuyện, không có sinh viên người Mỹ nào trả lời. Sinh viên Mỹ đều biết khi nào thì bị xen ngang, nhưng không thể cụ thể chỉ ra cách mà anh ta nhận biết điều đó. Song mấy sinh viên Đức và Ý, những người từng làm việc tại Đức, thì trả lời không chút do dự. Tất cả họ một mực nói rằng người thứ ba được cho là xen ngang hai người kia nếu anh ta tiến tới gần hơn 7 feet (2,1 m)!

Nhiều người Mỹ cảm thấy rằng mấy tay Đức quá cứng nhắc trong hành vi, thiếu sự linh động và rất ư là công thức. Lấy ví dụ về câu chuyện ứng xử với chiếc ghế ngồi. Nếu ai đó kéo ghế ra để điều chỉnh cự ly cho phù hợp, người Mỹ dường như không phiền – không nghĩ đến việc nói bất kì điều gì, vì nhận xét về cách cư xử của những người khác có thể là bất lịch sự. Ở Đức, thay đổi vị trí ghế ngồi bị xem là một sự xâm phạm. Để tránh sự việc không nên, hầu hết đồ nội thất ở Đức đều nặng hơn bình thường. Ngay cả kiến trúc sư lỗi lạc Mies van der Rohe, người thường bác bỏ lối truyền thống Đức trong những công trình của mình, vẫn làm ra những chiếc ghế rất nặng mà bất kể người khỏe mạnh nào cũng gặp khó khi di chuyển nó. Với một người Đức, đồ nội thất nhẹ là thứ đáng nguyền rủa, không chỉ vì nó có vẻ mỏng manh mà còn bởi mọi người có thể di chuyển nó và phá hỏng hết trật tự, bao gồm cả sự xâm phạm vào “khối cầu cá nhân”. Một trường hợp tôi được nghe kể, nhà soạn báo nọ người Đức chuyển tới Hoa Kỳ sống đã bắt vít chiếc ghế của ông ta vào sàn “ở một vị trí hợp lý” vì ông ta không thể dung thứ cho thói quen dịch-chuyển-ghế kiểu Mỹ.

Farnworth house - Mies van de Rohe △

NGƯỜI ANH

Có thể nói rằng người Anh và người Mỹ là hai nhóm lớn bị phân chia vì một ngôn ngữ. Những khác biệt – có thể đổ lỗi cho ngôn ngữ – có thể không phải vì quá nhiều từ được sử dụng trong hoạt động giao tiếp ở nhiều cấp độ bắt đầu từ âm điệu kiểu Anh (những thanh âm đã ảnh hưởng tới rất nhiều người Mỹ) và sự tiếp nối từ cái “tôi” này sang cái “tôi” khác trong cách ứng xử với thời gian, không gian và vật chất. Nếu đã từng tồn tại hai nhóm văn hóa mà giữa họ có những khác biệt sâu sắc về không gian giao tiếp (proxemic), thì đó chính là tầng lớp có học thức Anh và tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ. Một trong những lý do cơ bản cho sự khác biệt lớn này là ở Mỹ, chúng ta sử dụng không gian như một cách phân loại con người và hoạt động, trong khi tại Anh, không gian là hệ thống xã hội, nó cho biết bạn là người như thế nào. Ở Mỹ, địa chỉ là một dấu hiệu quan trọng để xác định vị trí (không chỉ áp dụng với nhà ở mà còn cả cơ quan). Joneses đến từ Brooklyn và Miami không “ở trong” giống như Joneses đến từ Newport and Palm Beach. Greenwich và Cape Cod là những thế giới hoàn toàn xa lạ với Newark và Miami. Hoạt động kinh doanh trên đại lộ Madison và đại lộ Park sôi động hơn trên đại lộ Bảy và đại lộ Tám. Trong một tòa nhà, văn phòng có vị trí ở góc sẽ uy tín hơn văn phòng cạnh thang may hay ở cuối hành lang. Còn người Anh sinh ra đã mang theo mình một hệ thống xã hội. Lãnh Chúa vẫn là Lãnh chúa, chẳng quan trọng bạn tìm thấy anh ta ở đâu, kể cả trong hàng cá. Ngoài những phân biệt về mặt giai cấp còn có những khác biệt giữa hai bên trong cách thức phân bổ không gian.

Tầng lớp trung lưu lớn lên tại Mỹ cảm thấy họ có “quyền” sở hữu căn phòng của riêng mình, hoặc ít nhất là một phần trong đó. Những đối tượng Mỹ trong cuộc khảo sát được yêu cầu vẽ một căn phòng hoặc một văn phòng lý tưởng. Kết quả y nguyên với tất cả mọi người: căn phòng được vẽ chỉ dành cho họ, không một ai khác. Khi được yêu cầu vẽ căn phòng hoặc nơi làm việc hiện tại, họ chỉ vẽ phần diện tích riêng mình trong phòng chung rồi vẽ thêm một đường vào giữa. Cả nam và nữ trong cuộc khảo sát đều nhận định bếp và phòng ngủ thuộc về người mẹ hoặc người vợ, trong khi “lãnh địa” của người cha là phòng học hoặc phòng làm việc (nếu có); không thì đó là “xưởng”, là “tầng hầm”, đôi khi là chiếc bàn làm việc hoặc nhà xe. Những người phụ nữ Mỹ muốn một mình có thể đi vào phòng ngủ và đóng cửa lại. Cửa đóng là dấu hiệu của “Đừng làm phiền” hay “Tôi đang giận”. Người Mỹ có thể bước vào nếu cửa mở, dù ở nhà hay ở cơ quan. Anh ta không lúc nào thả lỏng bản thân mà luôn trong trạng thái sẵn sàng trả lời người khác. Cửa đóng dành cho những hội nghị, các cuộc nói chuyện riêng và cho việc cần sự tập trung, học, nghỉ, ngủ, thay đồ và quan hệ tình dục.

Giới trung lưu và thượng lưu Anh thì khác, họ được nuôi nấng trong cùng một vườn ươm có cả những bé trai lẫn bé gái. Đứa lớn tuổi nhất chiếm một phòng cho mình, phòng mà nó bỏ trống khi nó chuyển tới trường nội trú, có thể là lúc chín hoặc mười tuổi. Sự khác biệt giữa căn phòng của riêng một người và những quy định ngay-từ-đầu trong không gian chung (dường như không quan trọng) ảnh hưởng quan trọng lên thái độ của người Anh về không gian của riêng mình. Anh ta có thể không bao giờ có được một căn phòng cố định, cũng hiếm khi mong chờ điều đó xảy đến với mình và người khác. Ngay cả những Nghị viên Quốc hội cũng chẳng có văn phòng. Họ thường làm việc trên sân nhìn ra sông Thames. Thế nên, người Anh bị bối rối với nhu cầu cần chỗ bảo mật khi làm việc trong một văn phòng Mỹ. Những người Mỹ làm việc tại Anh có thể bị phiền nếu họ không được cấp cho không gian làm việc khép kín thích đáng với hộ. Đến đây, xét một cách tổng thể, có thể xếp người Mỹ vào một vị trí ở giữa người Đức và người Anh.

Những hình mẫu đối lập – kiểu Anh và kiểu Mỹ – có một số quy tắc ngầm đáng chú ý, đặc biệt khi ta giả định rằng con người hoặc động vật có nhu-cầu-định-sẵn là đôi khi muốn tách mình khỏi người khác. Một sinh viên người Anh trong buổi hội thảo của tôi đã nêu ví dụ về những gì xảy ra khi mô hình ẩn này bị phá vỡ. Rõ là cậu ta đang trải qua cảm giác tồi tệ trong mối quan hệ với người Mỹ. Dường như không thứ gì là đúng, và từ những nhận xét của anh ta, có thể thấy khá rõ ràng rằng chúng ta - những người Mỹ không biết cách phải hành xử như thế nào. Những lời phàn nàn của cậu ta chỉ ra rằng nguồn phiền toái đến từ việc người Mỹ dường như không đủ tinh tường để nhận ra dấu hiệu “đừng làm phiền”. Như cậu ta thuật lại: “Tôi đi khắp căn hộ và kiểu như bất cứ chỗ nào tôi muốn một mình thì bạn cùng phòng lại bắt chuyện với tôi. Anh hỏi tôi với vẻ dễ mến “Có chuyện gì vậy?” và muốn biết khi nào tôi giận. Rồi tôi giận dữ đáp lại.”

Cuối cùng, chúng tôi cũng có thể nhận diện được hầu hết những điểm đối lập gây mâu thuẫn trong vấn đề của người Mỹ và người Anh. Khi người Mỹ muốn một mình, anh ta đi vào trong phòng và đóng cửa lại – lệ thuộc vào đặc tính che chắn của kiến trúc. Để từ chối nói chuyện với ai khác hiện diện trong phòng, đưa cho họ một “phép hành xử thầm lặng” là hình thức từ chối tối ưu và một dấu hiệu chắc chắn của sự không vừa lòng. Ngược lại, người Anh từ bé đã không có phòng riêng, nên chưa bao giờ thực hành sử dụng không gian như một hình thức trốn tránh người khác. Họ có một rào chắn trong tâm trí, họ dựng lên và cho rằng những người khác sẽ nhận ra. Vì thế, người Anh càng muốn tách riêng mình khi đang ở với một bạn Mỹ thì hình như mấy ông Mỹ càng muốn xen vào để chắc chắn mọi thứ đều ổn. Căng thẳng đến khi nào cả hai đã hiểu về nhau. Vấn đề là là nhu cầu về không gian và kiến trúc của hai bên là không giống nhau.

Việc sử dụng điện thoại

Những cơ chế bảo mật nội bộ của người Anh và màn chắn riêng tư của người Mỹ tạo nên những thói quen khác nhau trong việc sử dụng điện thoại. Không có tường hay cửa nào có thể chặn được các cuộc điện thoại. Người ta bắt buộc phải nghe máy vì không thể biết ai gọi đến hay sự khẩn cấp nào đó đằng sau tiếng chuông kêu lên. Hẳn ai đó sẽ đoán, người Anh đối xử với điện thoại như một sự xen ngang dòng suy nghĩ. Vì không thể biết bên kia sẽ bận tâm thế nào nên họ do dự trước các cuộc gọi; thay vào đó, họ viết ghi chú. Gọi điện thoại là hành động “tham vọng” và thô lỗ. Một lá thư hoặc điện tín có thể chậm hơn, nhưng nó sẽ ít làm phiền hơn. Những cuộc gọi chỉ nên phục vụ cho công việc và những tình huống thực sự khẩn cấp.

Tôi đã sử dụng phương pháp này trong khoảng thời gian gặp nhiều muộn phiền khi sống ở Santa Fe, New Mexico. Tôi miễn điện thoại vì nó tính phí. Bên cạnh đó, tôi giữ yên tĩnh và tránh bị làm phiền bằng cách ẩn dật trên núi. Điều này đã gây sốc với mọi người và họ thực sự không biết phải làm gì với tôi. Bạn có thể thấy nét bối rối trên gương mặt họ khi hỏi đáp: “Làm thế nào để liên lạc với anh?”- “Viết cho tôi một tấm thiệp. Tôi sẽ tới bưu điện hằng ngày.”

Sau khi cung cấp cho tầng lớp trung lưu căn phòng riêng và rời thành phố để đến ngoại ô, chúng tôi tiếp cận lại đến từng ngóc nghách riêng tư của họ bằng thiết bị công cộng nhất – chiếc điện thoại.. Bất kì ai vào bất kì lúc nào cũng có thể “động đến” chúng ta. Trên thực tế, chúng tôi lắp đặt những thiết bị “ăn sẵn” để người bận rộn nhất cũng có thể dùng luôn. Những kĩ năng tốt nhất được vận dụng khéo léo vào quá trình sàng lọc thông điệp sao cho những người khác không bị xúc phạm. Càng ngày, công nghệ của chúng ta càng mâu thuẫn với những nhu cầu của mọi người – nhu cầu được ở riêng với gia đình hay suy nghĩ của mình. Vấn đề bắt nguồn từ tiếng chuông điện thoại: không thể biết được ai đang gọi và việc của họ khẩn thiết thế nào. Một vài người không công khai điện thoại nhưng điều đó lại cản trở những người bạn muốn liên lạc với họ. Giải pháp của chính quyền là dùng những điện thoại đặc biệt cho những người quan trọng (theo truyền thống thường là màu đỏ). Đường dây đỏ - the red line – vượt qua những thư kí hay đám thanh niên quấy quả, không màng những giờ giải lao hay tín hiệu bận. Nó được kết nối trực tiếp với bộ chuyển tín hiệu của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc.

Những người hàng xóm

Những người Mỹ sống ở Anh có thái độ rất kiên định với người Anh. Đa số họ bị tổn thương và lúng túng vì họ lớn lên và bước ra từ mô hình “hàng xóm kiểu Mỹ” và không thể giải thích nó một cách chính xác với người Anh. Ở Anh, bà con hàng xóm chẳng có ý nghĩa gì. Sự thật rằng bạn phải sống sát vách một gia đình, không cho bạn vào thăm, mượn mõ hay sinh hoạt gì đó với họ, hoặc là lũ trẻ của bạn cũng không được chơi với con của họ. Khó có thể thu thập được con số chính xác về những người Mỹ thích ứng tốt với người Anh. Thái độ của người Anh đối với người Mỹ cơ bản có chút nặng nề vì câu chuyên thuộc địa trong quá khứ. Điều này đã nằm trong ý thức, vì hình như làm vậy thể hiện quyền im lặng của người Anh và giữ gìn sự riêng tư của anh ta trước thế giới. Với những hiểu biết sâu sắc nhất của tôi, người ta hiếm khi cố gắng làm thân với người Anh dù nhà cửa gần nhau. Họ có thể quen biết hay thậm chí thích những người hàng xóm, nhưng điều đó không xảy ra nếu họ sống sát vách, vì những mối quan hệ kiểu Anh không được hình thành theo không gian mà theo tình huống xã hội.

Phòng của ai là phòng ngủ?

Trong những ngôi nhà thuộc tầng lớp trung lưu ở Anh, không phải phụ nữ mà người đàn ông mới có quyền riêng tư trong phòng ngủ, có lẽ để tránh nhứng đứa trẻ chưa hiểu chuyện. Phòng thay đồ là của người đàn ông, chứ không phải phụ nữ; họ cũng cần chỗ làm việc của riêng mình. Đàn ông Anh cũng khó tính cả trong việc lựa chọn trang phục và dành nhiều thời gian để tâm đế vấn đề mua sắm quần áo. Ngược lại, với việc mua sắm đó người phụ nữ Anh lại làm ta nhớ đến cung cách của mấy anh chàng người Mỹ.

Nói to và nói khẽ

Để duy trì việc giãn cách hợp lý giữa mọi người có rất nhiều phương thức. Độ to của giọng nói là một trong những cơ chế thay đổi tùy theo văn hóa. Ở Anh và ở châu Âu, người Mỹ thường liên tục bị cáo buộc nói to. Một trong hai chức năng kiểm soát giọng nói là: (a) âm lượng và (b) định hướng. Những người Mỹ nói to nhỏ tuỳ vào khoảng cách, với mỗi biến số khoảng cách là âm lượng tương ứng (thì thào, nói bình thường, hét to, vv. . .). Trong nhiều tình huống, những người Mỹ thích tụ tập chẳng quan tâm đến đám đông đến việc bị nghe lỏm. Sự cởi mở đó cho thấy rằng họ không có gì để giấu. Thứ mà người Anh quan tâm là cách ứng biến trong hoàn cảnh không có văn phòng riêng nhưng vẫn phải tránh việc xen ngang người khác. Họ đã phát triển khả năng điều chỉnh giọng nói một cách vừa đủ vượt qua tiếng ồn xung quanh và khoảng cách để hướng nó về phía đối phương. Với người Anh, nghe lỏm là xâm phạm người khác, một lối hành xử tồi tệ và là một văn hóa kém ý thức. Dù vậy, qua cách điều chỉnh tiếng nói của mình, người Anh, trong một bối cảnh Mỹ, có thể phát ra âm thanh và ánh nhìn đầy mưu mô với người Mỹ, và dễ bị hiểu lầm là kẻ gây rối.

Cử chỉ trong ánh mắt

Nghiên cứu về hành xử bằng ánh mắt tiết lộ một vài sự đối lập thú vị giữ hai nền văn hóa. Người Anh ở quốc gia này gặp rắc rối không chỉ khi họ cần ở một mình và thu mình lại, mà còn cả khi họ muốn tương tác. Họ không bao giờ biết chắc rằng người Mỹ đang lắng nghe hay không. Chúng ta, theo một cách khác, cũng không biết liệu người Anh có hiểu chúng ta hay không. Rất nhiều tham vọng của các trung tâm giao tiếp dựa trên những khác biệt trong cách sử dụng đôi mắt. Người Anh được dạy để nghiêm túc chú ý, lắng nghe cẩn thận, những gì phải làm nếu anh ta là người lịch sự và xung quanh không có rào cản âm thanh. Anh ta không nhúc nhích cái đầu, không lẩm bẩm cái miệng để cho bạn biết anh ấy hiểu hay đã nghe, anh ta chỉ nháy mắt. Trái lại, người Mỹ được dạy không nhìn chằm chằm. Chúng ta nhìn thẳng vào mắt người khác mà không hề dao động chỉ khi muốn cực kì chắc chắn rằng mình muốn liên lạc với anh ta.

Ánh nhìn người Mỹ hướng về đối phương trong cuộc nói chuyện thường “lang thang” từ mắt này sang mắt kia và thậm chí rời khỏi khuôn mặt đối phương một lúc lâu. Hành vi lắng nghe đúng mực kiểu Anh bao gồm cả việc cố định ánh mắt ở khoảng xã hội, thế nên bất kì mắt nào nhìn vào đều trông như đang nhìn thẳng vào bạn. Để làm được điều này, người Anh phải cách xa 8 feet hoặc hơn. Sẽ là quá gần khi phạm vi bao quát 12o của vùng macula trên võng mạc không cho một trường nhìn ổn định. Ở khoảng gần hơn 8 feet, người ta phải nhìn vào mắt này hoặc mắt kia.

NGƯỜI PHÁP

Người Pháp sống ở phía nam và phía đông Paris quanh Địa Trung Hải hầu hết có văn hóa khá phức tạp. Cách sử dụng không gian của dân Địa Trung Hải có thể quan sát được nơi đám đông như trên tàu, xe buýt, ô tô, quán cà phê dọc đường hay trong nhà của họ. Các lâu đài và biệt thự của những người giàu có là trường hợp ngoại lệ. Cuộc sống đông đúc thường đồng nghĩa với việc các giác quan phải hoạt động nhiều. Bằng chứng là ở Pháp, các giác quan không chỉ xuất hiện trong lúc ăn, giải trí, trò chuyện, viết lách, tụ tập cà phê mà còn có thể nhìn thấy trong cách họ làm bản đồ. Bản đồ được nghiên cứu kĩ lưỡng và được thiết kế rất chi tiết dành cho khác ngoại quốc. Sử dụng được bản đồ Pháp cần huy động tất cả các giác quan. Mấy tấm bản đồ này có thể giúp bạn đi dạo loanh quanh và chúng cũng nói cho bạn biết nơi đâu có thể tận hưởng cảnh trí, nơi đâu bạn sẽ tìm ra những chuyến đi đẹp như tranh vẽ, thỉnh thoảng là nơi để nghỉ ngơi, làm mới bản thân, dạo bộ hay thậm chí là ăn một bữa dễ chịu. Những tấm bản đồ thông báo cho khách du lịch những trải nghiệm giác quan đáng mong chờ trong chuyến đi.

Nhà và gia đình

Một lý do khả dĩ cho vấn đề tại sao người Pháp thích ở ngoài trời hơn, vì nhiều người trong số họ phải chấp nhận sống chung trong chốn chật nít người. Người Pháp tìm thú vui trong những nhà hàng và quán cà phê. Nhà là nơi dành cho gia đình, còn ra ngoài là để giải trí và quan hệ xã hội. Giai cấp công nhân và đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản rất đông, điều đó cho thấy người Pháp có liên quan nhiều với nhau về mặt tri giác. Cách bài trí trong văn phòng, nhà ở hay bố cục những thị trấn, thành phố và vùng nông thôn cũng gắn kết với họ.

Trong những cuộc trò chuyện, mối gắn kết này đạt đến mức cao; khi nói chuyện với bạn thì người Pháp thực sự đang nhìn vào bạn và không có lầm lẫn gì trong chuyện này. Trên đường phố Paris, đàn ông Pháp nhìn thẳng vào phụ nữ. Thế nên mới có chuyện: trở về nước sau thời gian sống tại Pháp, phụ nữ Mỹ thường trải qua thời kì thiếu thốn cảm xúc. Nhiều người nói với tôi rằng, bởi họ đã bắt đầu quen với việc được chú ý nên thói quen “không nhìn” của người Mỹ làm họ cảm thấy như mình không tồn tại.

Không chỉ liên hệ mật thiết với nhau, người Pháp còn quen thuộc với những gì là cảm giác đầu vào gia tăng mạnh mẽ với chúng ta. Ô tô Pháp được thiết kế đáp ứng nhu cầu Pháp. Kích thước nhỏ của nó được sử dụng để áp dụng một tiêu chuẩn sinh hoạt thấp hơn và giá vật liệu cao hơn. Không còn nghi ngờ gì khi xem giá cả là một nhân tố, nhưng thật ngây thơ khi cho đó là nhân tố chính. Ô tô chỉ như một cách biểu đạt của văn hóa, giống như ngôn ngữ, và vì thế nó có những đặc điểm thích nghi trong bối cảnh văn hóa. Những thay đổi trong chiếc xe sẽ phản chiếu và được phản chiếu lại sự thay đổi của địa điểm. Nếu người Pháp lái xe Mỹ, họ sẽ phải từ bỏ nhiều cách thức hành xử với không gian nơi họ yêu mến. Giao thông dọc theo đại lộ Chams-Elysees và quanh Khải Hoàn Môn là một sự giao thoa giữa đường Tumpike ở New Jersey chiều chủ nhật và trường đua Indianapolis. Những chiếc ô tô mang kích thước Mỹ sẽ gây ra nhiều vụ tự tử. Ngay cả ở định dạng “compact”, những chiếc xe Mỹ trong dòng giao thông ở Paris trông như “một con cá rô giữa bầy săn sắt”. Ở Hoa Kỳ, những chiếc xe đó trông bình thường vì mọi xe xung quanh đều cùng cỡ. Trông bối cảnh ngoại quốc, Detroit Iron bị người ta xét nét lại xem nó là cái gì. Những kẻ khổng lồ Mỹ này khẳng định cái “tôi” và ngăn cản việc chồng lấn những “khối cầu cá nhân” trong một chiếc xe, vì thế mỗi hành khách bị ràng buộc rất ít với những người khác. Với câu chuyện này, tôi không có ý rằng tất cả người Mỹ đều như vậy, và họ đều tuân theo khuôn khổ Detroit. Nhưng từ khi Detroit không sản xuất những-gì-được-mong-muốn, nhiều người Mỹ thích mấy xe châu Âu cỡ nhỏ và dễ điều khiển hơn, thứ phù hợp với những phẩm chất cá nhân và nhu cầu ngày càng thân mật của họ. Trái lại, nếu ai đó đơn thuần nhìn vào kiểu cách của ô tô Pháp, anh ta sẽ thấy tính cá nhân mạnh mẽ hơn trong những thiết kế của Mỹ. So sánh với những Peugeot, Citroen, Renault, Dauphine và hai dòng C.V.shoebox nhỏ nhắn, ta sẽ cần rất nhiều năm thay đổi kiểu dáng để tạo ra những sự khác biệt như vậy tại Mỹ.

Cách sử dụng những không gian mở

Vì tổng số nhu cầu không gian sẽ được giữ ở mức cân bằng nên thị dân Pháp đã học cách làm ra các công viên và không gian ngoài trời. Với họ, thành phố là một nơi mà người ta có thể tìm thấy sự hài lòng, vậy nên mọi người sống tại đó. Không khí sạch sẽ vừa phải, vỉa hè rộng 70 feet (2,1m). Những chiếc ô tô sẽ không hấp dẫn người ta như khi họ bước qua những đại lộ có những tiệm cà phê ngoài trời và những không gian mở cho mọi người tụ hội và thưởng thức cùng nhau. Vì người Pháp tận hưởng bầu không khí và hòa mình vào thành phố – những hình ảnh, những âm thanh và cả những mùi hương của nó; vỉa hè rộng cùng những công viên lớn và đại lộ thênh thang – nhu cầu cần không gian tách biệt trong chiếc ô tô phần nào ít hơn so với ở Mỹ, nơi mà người ta thích nhà chọc trời và những sản phẩm của Detroit, nơi người ta bị tấn công trực diện bởi rác rưởi và đồ ô uế, rồi bị ngộ độc bởi khói và carbon dioxide.

Mạng lưới hình sao và bàn cờ

Có hai hệ thống chính ở châu Âu định hình không gian. Một là “mạng lưới hình sao” ở Pháp và Tây Ban Nha – một dạng sociopetal space [không gian kết nối]. Cái còn lại, “mạng lưới bàn cờ”, xuất xứ từ vùng Tiểu Á, được người La Mã sử dụng và mang tới Anh vào thời Caesar – một dạng sociofugal space [không gian chia cắt]. Hệ thống của người Pháp và người Tây Ban Nha kết nối tất cả các điểm và các chức năng. Trong hệ thống tàu điện ngầm ở Pháp, những đường tàu thường xuyên giao nhau tại những địa điểm được ưa thích như quảng trường Concorde, nhà hát Opera và nhà thờ Madeleine. Hệ thống lưới bàn cờ phân chia các hoạt động bằng cách trải đều chúng ra. Cả hai hệ thống đều có những ưu điểm nhưng một người quen với hệ thống này sẽ khó khăn trong việc sử dụng hệ thống còn lại.

Tỉ dụ, một sự nhầm lẫn trong việc định hướng ở tâm điểm của mạng lưới hình tia trở nên nghiêm trọng hơn nhiều với người khách du lịch, khi bạn chọn sai hướng. Trong hệ thống lưới bàn cờ, những lỗi cơ bản trong việc chọn hướng vuông góc hay đi thẳng thường đủ rõ ràng để người ta cảm nhận được, ngay cả với những người định hướng kém. Nếu bạn đang đúng hướng, dù bạn có lỡ đi qua một hay hai ô phố thì lỗi này cũng dễ dàng sửa chữa bất cứ lúc nào. Ngược lại, có một số ưu điểm cố hữu trong hệ thống tâm điểm. Một khi đã học được cách sử dụng nó, bạn sẽ dễ dàng định vị đối tượng hoặc sự kiện trong không gian hơn, bằng việc gọi tên một điểm đầu đoạn đường. Vì thế, ngay cả trên một vùng đất lạ, hoàn toàn có thể hẹn gặp một người ở km số 50 trên Quốc lộ 20 nam Paris; đó là tất cả những thông tin mà anh ta cần. Ngược lại, hệ thống định vị lưới cần tới ít nhất hai đoạn thẳng và một điểm để định vị vật gì đó trong không gian (thường cần nhiều đường và nhiều điểm, phụ thuộc vào việc bạn làm bao nhiêu lần). Hệ thống hình sao có thể tích hợp một số lượng hoạt động khác nhau trong những điểm trung tâm với ít không gian hơn so với hệ thống lưới. Vì thế, những khu vực cư trú, mua sắm, chợ búa, thương mại và giải trí đều có thể gặp nhau và vươn ra từ những tâm điểm.

Thật khó có thể hình dung được rằng mô hình hình sao tác động được tới bao nhiêu khía cạnh trong đời sống người Pháp. Gần như là toàn bộ nền văn hóa được sắp đặt trên một mô hình mà động lực, ảnh hưởng và sự kiểm soát tuân theo một loạt những giao điểm. Có mười sáu đường cao tốc chính chạy vào Paris, mười hai vào Caen (gần bờ biển Omaha), mười hai vào Amiens, mười một vào Le Mans và mười vào Rennes. Ngay cả những con số đó cũng không đủ để truyền tải hình ảnh về ý nghĩa thực sự của bố cục này. Ở Pháp, một chuỗi mạng lưới hình sao tạo nên những tâm điểm ngày càng lớn hơn. Mỗi tâm điểm nhỏ có một kênh riêng với một mức kế tiếp cao hơn. Như một quy luật chung, những tuyến đường giữa các vùng trung tâm không đi qua những thị trấn khác, vì mỗi thị trấn được kết nối với vùng khác bằng tuyến đường riêng của mình. Điều này đối lập với mô hình Mỹ gồm những chuỗi đô thị nhỏ nằm dọc theo những con đường nối những trung tâm chính, giống nhưng những chuỗi hạt trên một cái vòng cổ.

Trong cuốn sách The Silent Language, tôi đã miêu tả người ta thường nhìn thấy một người phụ trách một văn phòng Pháp ở giữa văn phòng – với cấp dưới vây quanh như những vệ tinh. Tôi cũng đã có lần được đối diện với “một nhân vật trung tâm” khi thành viên người Pháp trong đội ngũ các nhà khoa học dưới sự lãnh đạo của tôi muốn một chức vụ cao hơn, vì bàn của anh ta ở giữa! Ngay cả De Gaulle cũng đưa chính sách quốc tế dựa trên nền tảng coi Pháp là trung tâm. Dĩ nhiên, có người sẽ nói rằng hệ thống trường học Pháp ngữ cũng theo mô hình tập trung cao độ không hề có bất kì mối liên hệ nào với cách bố trí trong các văn phòng, những hệ thống tàu điện ngầm, đường đi lại và thực tế là với toàn bộ đất nước, nhưng tôi không đồng ý với họ. Kinh nghiệm lâu dài với những mô hình khác nhau về văn hóa đã dạy cho tôi rằng những đường may sợi chỉ cơ bản thường trải đều trên toàn bộ tấm vải xã hội.

Lý do cho việc nhận định lại ba nền văn hóa châu Âu này – ba nền văn hóa mà tầng lớp trung lưu ở Mỹ có liên hệ chặt chẽ (về cả lịch sử và văn hóa) hơn bất cứ nền văn hóa nào khác – là góc nhìn đối lập, nhấn mạnh những “mẫu số chung” ngầm định của chúng ta. Phần nhận định lại này chỉ ra cách sử dụng giác quan khác nhau dẫn tới rất nhiều nhu cầu khác nhau liên quan đến không gian, không quan trọng ở cấp độ quan tâm của người dùng. Bất kì thứ gì từ một văn phòng tới một thị trấn hay thành phố, cũng sẽ phản ánh cách định hình cảm giác của những nhà thầu và cư dân của tòa nhà hoặc đô thị đó. Khi xem xét giải pháp cho những vấn đề chẳng hạn như việc tái thiết đô thị và thành phố nén, điều thiết yếu là phải biết dân cư cảm nhận không gian như thế nào và họ sử dụng các giác quan của mình ra sao. Chương tiếp theo sẽ đề cập tới những người tương đối khác biệt với chúng ta về tất cả những khía cạnh liên quan đến không gian. Từ họ, chúng ta có thể biết thêm về bản thân.

12. KHÔNG GIAN GIAO TIẾP TRONG BỐI CẢNH GIAO THOA VĂN HÓA: NHẬT BẢN VÀ THẾ GIỚI Ả RẬP

Ở loài người, những hình mẫu không gian giao tiếp đảm nhận một vai trò tương đương với biểu hiện hành vi ở những hình thức sống thấp hơn; đó là, chúng đồng thời hợp nhất và phân chia nhóm từ những cá nhân khác nhau, một phần bằng cách tăng cường đặc trưng nhóm, phần khác bằng cách làm giao tiếp nội bộ nhóm khó khăn hơn. Dù rằng con người có thể là một loài đặc biệt về mặt sinh lý và di truyền, những hình mẫu không gian giao tiếp của người Mỹ và người Nhật thường tác động vào một người theo mô hình phân chia lãnh thổ giống như loài chim trĩ châu Mỹ và chim đinh viên châu Úc được miêu tả ở chương 2.

NHẬT BẢN

Trong xã hội Nhật Bản cũ, tổ chức không gian đi liền với tổ chức xã hội. Mạc phủ Tokugawa sắp xếp Daimyo, hay các lãnh chúa phong kiến vào những khu vực trung tâm quanh kinh đô Edo (Tokyo). Sự quần tụ quanh vùng lõi thể hiện mối quan hệ khăng khít và lòng trung thành với Shogun; đa số quí tộc nằm trong vòng bảo vệ. Ở bờ bên kia của quốc đảo này, chạy theo chiều bắc nam và dọc theo sườn núi là những người ít được tin tưởng hơn hoặc lòng trung thành của họ đang bị đặt nghi vấn. Khái niệm trung tâm – vị trí có thể tiếp cận từ mọi hướng – là một chủ đề chủ đạo trong văn hóa Nhật Bản. Toàn bộ cách bố trí này mang đậm chất Nhật. Người Nhật biết mình sẽ thừa nhận nó như biểu hiện của một mô hình hoạch định chức năng trong hầu như mọi lĩnh vực đời sống người Nhật.

Như đã nhắc đến từ trước, người Nhật gọi tên những giao lộ thay vì đặt tên cho những con đường. Trên thực tế, mỗi góc của giao lộ có một đặc điểm nhận dạng riêng. Đoạn đường từ A đến B dường như không định trước với người phương Tây và cũng không căng thẳng như với chúng ta. Không có thói quen sử dụng đường đi cố định, người Nhật không xác định điểm đến của họ khi đi ngang qua Tokyo. Những tài xế taxi phải hỏi đường ở những trạm cảnh sát, không chỉ vì phố không có tên mà còn bởi những ngôi nhà được đánh số theo thời điểm chúng được xây. Những người hàng xóm thường không biết về nhau nên không thể chỉ đường. Để đương đầu với điều này, sau V-J Day Victory over Japan Day, ngày chiến thắng phe Phát Xít trên toàn khu vực Thái Bình Dương. Mỗi nước trong khu vực có một ngày kỉ niệm khác nhau, trong khoảng từ 15 tháng 8 đến 2 tháng 9. quân Mỹ cát cứ tại Nhật buộc phải đặt tên một vài đường chính ở Tokyo, đặt cho các con phố những biển báo tiếng Anh (Đại lộ A, B và C). Người nhật chờ đợi một cách “lịch sự” cho tới cuối thời gian chiếm đóng để gỡ biển xuống. Dù vậy, sau đó người Nhật lại rơi vào cái bẫy “đổi mới văn hóa” ngoại quốc. Họ phát hiện ra rằng việc tạo ra một con đường kết nối hai điểm thực sự hữu ích. Thật thú vị khi thấy sự thay đổi liên tục trong nền văn hóa Nhật Bản.

Có thể thấy mô hình Nhật Bản nhấn mạnh vào các tâm điểm không chỉ áp dụng trong cách sắp đặt không gian – tôi hi vọng chứng minh được – mà ngay cả trong những cuộc nói chuyện. Chảo nướng Nhật Bản hibachi và vị trí đặt nó mang theo một sắc thái cảm xúc mạnh ngang bằng, nếu không muốn nói là hơn, quan niệm của chúng ta về lò sưởi. Như một mục sư già đã từng giải thích: “Để thực sự hiểu về người Nhật, anh phải dành ra vài đêm đông lạnh lẽo quây quần cùng họ quanh hibachi. Tất cả mọi người ngồi cùng nhau. Một tấm mền chung phủ lên hibachi và chân của tất cả mọi người. Theo cách này, nhiệt được giữ lại. Khi anh chạm tay vào và cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể họ, là khi anh đã hiểu về người Nhật. Đó thực sự là Nhật Bản!” Trong những khái niệm tâm lý, nhấn mạnh vào trung tâm là tích cực còn dạt sang cạnh biên là tiêu cực (khi lạnh giá đến vào mùa đông). Người ta sẽ thắc mắc khi người Nhật nói rằng phòng của chúng ta trong như chả có gì (vì vùng trung tâm trống).

Một khía cạnh khác của sự đối lập trung tâm – cạnh biên tác động lên cách thức và những tình huống người di chuyển cùng với thứ được cho là không gian mang đặc tính cố định và bán cố định. Ở Nhật Bản, chúng là bán cố định. Những vách tường có thể di chuyển và những căn phòng thì đa chức năng. Tại những lữ quán (ryokari) ở vùng quê Nhật Bản, người khách khám phá ra rằng các thứ đến với anh ta khi khung cảnh thay đổi. Anh ta ngồi ở giữa phòng, trên tatami (một loại chiếu) trong khi những tấm cửa trượt đóng hoặc mở. Tùy vào thời gian trong ngày, căn phòng có thể bao gồm tất cả phần bên ngoài trời hay nó thu lại cho tới khi tất cả chỉ còn là một phòng ngủ. Một vách trượt ra sau và một bữa ăn được bưng lên. Khi ăn xong và đến giờ ngủ, đệm ngủ được trải ra ở đúng vị trí những hoạt động ăn uống, nấu nướng, suy nghĩ và sinh hoạt tập thể diễn ra. Buổi sáng, khi một lần nữa căn phòng lại được mở ra ngoài trời, những tia nắng rực rỡ hay hương thơm dịu dàng từ ngọn núi mờ sương đi sâu vào không gian thân mật và lướt qua làm nó trở nên tươi mới.

Các góc quay cận cảnh trong phim Woman in the dunes △

Một ví dụ tốt về những khác biệt trong thế giới nhận thức của phương Tây và phương Đông là bộ phim Nhật Bản “Woman in the Dunes”. Những dấu hiệu tri giác của người Nhật được minh họa rõ ràng hơn trong bộ phim. Xem nó, người ta có cảm giác đang đi sâu vào bên trong lớp da của những nhân vật trên màn ảnh. Một vài lúc, ta không thể nhận ra phần nào trên cơ thể đang được nhìn thấy. Ống kính máy quay đi chậm, thể hiện từng chi tiết trên cơ thể. Khung hình của làn da được kéo rộng; bề mặt của nó trong như một địa hình, ít nhất là dưới con mắt người phương Tây. Mụn trứng cá đủ lớn để soi được từng cái trong khi các hạt cát trở nên giống như hệt những viên sỏi thạch anh thô. Trải nghiệm không khác gì khi nhìn vào nhịp sống sinh sôi của phôi cá dưới kính hiển vi.

Một trong những khái niệm được sử dụng thường xuyên nhất bởi người Mỹ để miêu tả người Nhật “modus operandi” là một từ “vô hướng”. Một nhân viên ngân hàng người Mỹ, người đã sống nhiều năm ở Nhật và co kéo để chỗ ở nhỏ nhất có thể, nói với tôi rằng những gì anh ta thấy chán nản và khó khăn nhất chính là tính vô hướng của họ. Anh ta phàn nàn: “Một người thuần Nhật có thể lái xe nhanh hơn bất cứ gã điên nào tôi biết. Họ cứ nói quanh co vòng vèo về một điểm và không bao giờ để ý đến điều đó.” Dĩ nhiên, điều anh ấy không nhận ra rằng tính khí khăng khăng đòi “đến một điểm” nhanh chóng của người Mỹ chỉ như đang làm bực người Nhật – họ không hiểu tại sao chúng ta lúc nào cũng phải “lý trí” như thế.

Những nhà truyền giáo Dòng Tên trẻ hoạt động tại Nhật Bản vấp phải khó khăn lớn lúc ban đầu, với việc rao giảng của mình. Tam đoạn luận là thứ họ dựa vào để lập nên quan điểm, nó xung đột với một số hình mẫu cơ bản nhất trong đời sống người Nhật. Sự khó xử của họ là: trung thành với đạo và thất bại, hay là từ bỏ nó và thành công. Nhà truyền giáo Dòng Tên thành công nhất ở Nhật, thời kì tôi ghé năm 1957, đã phạm phải những quy tắc nhóm khi ông ta đã tán thành phong tục địa phương. Sau một bài giới thiệu tam luận ngắn gọn, ông ta sẽ chuyển chủ đề và nói quanh một điều rồi lán lại với những cảm xúc tuyệt vời (cái này quan trọng với người Nhật) mà người ta có nếu họ theo đạo Công Giáo. Điều gây hứng thú cho tôi: ngay cả những người anh em theo Công Giáo của anh ta biết việc gì anh ta đang làm và có thể biết khi nào anh ta đạt được, thì văn hóa của họ vẫn đủ mạnh để giữ người ta. Vậy nên một vài người có thể để bản thân của họ noi theo gương của anh ta và xâm nhập vào chính mình nhiều hơn.

Đám đông chen chúc như thế nào?

◁ Cảnh tượng chen lèn thường thấy trên các tuyến tàu điện giờ cao điểm tại Nhật Bản

Với người phương Tây trong những nhóm không quen biết, “chen chúc” là một từ mang những dấu hiệu khó chịu. Những người Nhật mà tôi biết thích việc chen chúc hơn, ít ra là trong một vài trường hợp. Họ cảm thấy thoải mái khi ngủ gần nhau trên cùng một mặt sàn, cái mà họ nhắc đến như “phong cách Nhật Bản” đối lập với “phong cách Mỹ”. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng theo Donald Keene, tác giả cuốn “Living Japan”, không có từ ngữ tiếng Nhật nào chỉ sự riêng tư. Nhưng người ta không thể nói rằng khái niệm về sự riêng tư không tồn tại trong tiếng Nhật, nó chỉ rất khác so với quan niệm phương Tây. Trong khi một người Nhật có thể không muốn một mình nên sẽ không phiền khi mọi người rải rác xung quanh anh ta, thì anh ta vẫn có những cảm giác mạnh mẽ chống lại sự chung đụng một vách tường của nhà hoặc căn hộ của mình với một nhà hoặc căn hộ khác. Anh ta xem nhà mình và khu vực vây quanh ngay sát nó là một cấu trúc duy nhất. Khu vực tự do này, miếng đất trống này, được xem như một phần của ngôi nhà (giống như cái mái nhà). Theo truyền thống, nó có một khu vườn dù nhỏ bé, thứ giúp người trong nhà tương tác trực tiếp với thiên nhiên.

Quan niệm Nhật Bản về khoảng không chứa “ma”

Những khác biệt giữa phương Tây và Nhật Bản không chỉ dừng lại ở việc “dịch chuyển quanh một điểm” với việc “tiến tới một điểm”, hay là việc “tập trung vào những đoạn thẳng” với việc “tập trung vào các giao điểm”. Toàn bộ trải nghiệm về không gian trong những mối liên hệ trọng yếu nhất khác với chúng trong nền văn hóa phương Tây. Khi những người phương Tây nghĩ và nói về không gian, họ có ý nhắc đến khoảng cách giữa những vật thể. Ở phương Tây, chúng ta được dạy nhận thức và phản ứng với những cách sắp xếp đồ vật và nghĩ về không gian là một thứ “trống rỗng”. Ý nghĩa của điều này thực sự sáng tỏ chỉ khi nó đối lập với người Nhật, những người được dạy là phải “ban cho những khoảng trống ý nghĩa” – tức là nhận thức về hình dạng và cách sắp đặt của không gian; họ gọi thứ này là “ma”. “Ma”, hay khoảng nghỉ, là một khối công trình cơ bản trong tất cả trải nghiệm về không gian của người Nhật. Nó có chức năng không chỉ trong những cách bài trí hoa lá mà còn rõ ràng là một dấu hiệu ẩn trong bố cục của tất cả các không gian. Kĩ năng Nhật trong cách xử lý và sắp đặt “ma” thật phi thường và đáng ngưỡng mộ, thậm chí đôi khi còn là kinh ngạc với các nước châu Âu. Kĩ năng đó được hình thành từ thế kỉ 15, trong vườn thiền ở Ryoanji, bên ngoài cố đô Kyoto. Khu vườn đến như một bất ngờ. Dạo bước qua khoảng tối, cánh cửa khối nhà chính, người ta đi vòng qua một khúc uốn và đột nhiên vào trong sự hiện diện của một sức mạnh sáng tạo mãnh liệt – mười lăm hòn đá nổi trên mặt sóng của vụn sỏi. Ngắm nhìn Ryoanji là một trải nghiệm đầy cảm xúc. Người ta sẽ bị chinh phục bởi tính trật tự, sự thanh tịnh, và quy luật của sự tối giản. Con người và thiên nhiên bằng cách nào đó đã chuyển hóa, và có thể xem như hòa quyện vào nhau. Đây cũng là một thông điệp triết học về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Việc nhóm lại không phụ thuộc vào vị trí người ta ngồi để thưởng ngoạn khung cảnh, một trong những hòn đá đặt trong khu vườn luôn ẩn đi (có thể là một manh mối khác dẫn tới tư duy người Nhật). Họ tin rằng kí ức và trí tưởng tượng luôn luôn có thể tham gia vào quá trình nhận thức.

Một phần trong kĩ năng tạo ra khu vườn người Nhật bắt nguồn từ sự thật: trong nhận thức về không gian, người Nhật sử dụng thị giác cũng như tất cả các giác quan khác. Khứu giác, những biến chuyển về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, bóng đổ và màu sắc cùng làm việc theo một cách để gia tăng hoạt động sử dụng toàn bộ thân thể như một cơ quan thụ cảm. Đối lập với phối cảnh một điểm tụ của những họa sĩ Phục Hưng và Baroque, vườn Nhật Bản được thiết kế để tận hưởng từ nhiều điểm nhìn. Người thiết kế làm ra khu vườn mà du khách có thể dừng chân ở chỗ này hay chỗ khác, có thể nhận ra điểm đặt chân trên hòn đá ở giữa hồ, nhờ vậy anh ta có thể ngẩng lên vào đúng thời điểm để bắt được một cái nhìn thoáng qua hay cả một khung cảnh không ngờ. Không gian Nhật thể hiện thói quen dẫn lối người xem tới một điểm, nơi mà anh ta có thể phát hiện ra điều gì đó cho bản thân.

Không gian Nhật thể hiện thói quen dẫn lối người xem tới một điểm, nơi mà anh ta có thể phát hiện ra điều gì đó cho bản thân.

Những mô hình kiểu Ả Rập được miêu tả dưới đây không có gì để “dẫn dắt” người ta đi bất cứ đâu. Trong thế giới Ả Rập, một người được mong đợi kết nối những điểm riêng biệt trên cơ thể anh ta một cách rộng rãi, và cũng rất nhanh. Vì lý do này, bạn đọc phải “đổi chiều bánh răng tâm lý” khi xem về người Ả Rập.

THẾ GIỚI Ả RẬP

Dù có mối quan hệ hơn hai nghìn năm lịch sử, người phương Tây và người Ả Rập vẫn không hiểu nhau. Nghiên cứu về không gian giao tiếp hé lộ ra những cái nhìn sâu hơn về sự khó khăn này. Những người Mỹ ở vùng Trung Đông bị tấn công ngay tức khắc bởi hai cảm giác đối lập. Ở nơi công cộng, họ bị đè nén và ngột thở vì mùi, chen chúc và tiếng ồn; trong những ngôi nhà, người Mỹ thường cảm thấy “thông thống” vì không gian quá nhiều! (Các ngôi nhà và căn hộ của tầng lớp trung lưu và thượng lưu Ả Rập mà người Mỹ trọ thường rộng hơn nơi ở mà họ thường sinh sống.) Cả sự kích thích giác quan ở mức cao – thứ được người Mỹ trải nghiệm ở những nơi công cộng – và sự bất an cơ bản đến từ việc sống trong một ngôi nhà quá rộng đã giới thiệu với người Mỹ về thế giới cảm quan của các nước Ả Rập.

Hành vi ở nơi công cộng

Hành động xô đẩy ở những nơi công cộng là đặc trưng của văn hóa Trung Đông. Nhưng đó không phải toàn bộ những gì người Mỹ nghĩ về nó (xô đẩy và thô lỗ) mà bắt nguồn từ một loại các giả định khác nhau, không chỉ liên quan đến các mối quan hệ giữa mọi người, mà còn là cách người ta trải nghiệm ra sao. Nghịch lý thay, người Ả Rập xem người Bắc Âu và người Mỹ quá kiêu kì. Điều này làm tôi rất bối rối khi bắt đầu khảo sát về hai cách nhìn. Bằng cách nào mà những người Mỹ đứng gọn sang một bên và tránh va chạm, lại bị coi là kiêu kì? Tôi từng yêu cầu người Ả Rập giải thích về nghịch lý này. Không ai trong số những đối tượng của tôi có thể nói cụ thể cho tôi về những gì trong hành vi trách nhiệm của người Mỹ, nhưng tất cả họ đồng ý rằng ấn tượng này đã được phổ biến rộng rãi khắp các nước Ả Rập. Sau nhiều lần bất thành trong nỗ lực thâu tóm cách nhìn sâu sắc trong thế giới nhận thức Ả Rập vào một thời điểm cụ thể, tôi đã xếp nó vào loại câu hỏi mà chỉ có thời gian mới trả lời được. Khi câu trả lời đến, đó là bởi một phiền toái dường như không quan trọng.

Trong khi chờ một người bạn ở sảnh một khách sạn ở Washington D.C và muốn được dễ nhận ra và ở một mình, tôi đã ngồi ở một chiếc ghế riêng bên ngoài dòng người đi lại. Trong một bối cảnh như vậy, hầu hết người Mỹ tuân theo một quy luật ràng buộc tất cả bởi chúng ta hiếm khi nghĩ về nó, vì thế có thể tuyên bố là tuân theo: ngay khi một người dừng lại hoặc ngồi xuống ở một nơi công cộng, những bong bóng cá nhân anh ta có một khối cầu riêng tư được coi là bất biến. Kích cỡ của khối cầu này thay đổi theo mức độ chen chúc, độ tuổi, giới tính và sự quan trọng của nhân vật cũng như những thứ xung quanh. Bất kì ai bước vào khu vực này và ở lại đó đều đang xâm phạm nó. Thực tế, một người lạ chen ngang vào, ngay cả với mục đích riêng, nhìn nhận về câu chuyện xâm phạm bằng việc bắt đầu yêu cầu “Xin lỗi, nhưng tôi có thể nói với bạn . . . ?”

Để tiếp tục, khi tôi đợi ở khoảng sảnh vắng người, một người lạ bước tới nơi tôi đang ngồi và đứng gần đủ để tôi có thể dễ dàng chạm vào anh ta, thậm chí là có thể nghe được nhịp thở. Ngoài ra, phần mờ của cơ thể anh ta lấp đầy vùng nhìn ngoại vi ở phía bên trái tôi. Nếu khu sảnh đông người, tôi sẽ hiểu cách hành xử của anh ấy, nhưng trong một khoang sảnh trống vắng, sự hiện diện của anh ta làm tôi cực kì không thoải mái. Cảm thấy phiền phức vì bị xen vào, tôi đã dịch người sang như một cách để phản ứng với sự phiền toái. Lạ thay, những hành động của tôi dường như khuyến khích anh ấy lại gần hơn. Mặc cho ý muốn thoát khỏi sự phiền phức cám dỗ, tôi bỏ sang một bên những ý nghĩ rút lui của mình, nghĩ: “Làm thế quái nào với nó đây? Tại sao ta phải di chuyển? Ta ở đây trước và không định để việc này đẩy tôi đi thậm chí anh ta có là ông chủ đi nữa.” May thay, một nhóm người sớm đã tới chỗ của kẻ tra tấn tôi, ngay lập tức họ tham gia vào vụ này. Cách hành xử của họ giải thích hành vi của anh chàng kia, với những gì tôi biết từ cả câu nói lẫn cử chỉ thì họ là những người Ả Rập. Tôi không thể đưa ra nhận định quan trọng này bằng việc nhìn vào đối tượng đang ở một mình, bởi lẽ khi ấy anh ta chẳng nói gì và còn đang mặc quần áo Mỹ.

Khi miêu tả cảnh đó với một đồng nghiệp Ả Rập, hai hình mẫu đối lập nổi lên. Quan điểm và cảm giác của tôi về vòng tròn riêng tư của riêng mình ở một nơi “công cộng” ngay lập tức khiến bạn Ả Rập thấy kì lạ, bối rối. Anh ta nói: “Sau tất cả, đây là một nơi công cộng, phải không?” Theo đuổi lộ trình của cuộc điều tra, tôi nhận ra rằng ở Ả Rập, suy nghĩ rằng tôi không có quyền với bất cứ thứ gì bởi đức tính xâm chiếm một vị trí nhất định của họ; vị trí của tôi hay cơ thể của tôi, chẳng cái nào là bất khả xâm phạm. Với người Ả Rập, không có gì gọi là xâm phạm ở nơi công cộng. Công cộng nghĩa là công khai. Với cách nhìn như vậy, nhiều hành vi kiểu Ả Rập – thứ bị xem là rối rắm, phiền phức và đôi khi là kinh khủng – bắt đầu có lý. Tỉ dụ, tôi đã hiểu được rằng nếu A đang đứng ở góc phố và B muốn chỗ đứng thì B vẫn trong quyền hạn của mình nếu anh ta làm những gì có thể để khiến A đủ khó chịu mà bỏ đi. Ở Beirut thủ đô Li-băng (Lebanon), một quốc gia giáp Địa Trung Hải và Syria, chỉ có người gan lì mới ngồi hàng cuối trong rạp chiếu phim, bởi lẽ thường có những người phải đứng – họ muốn có chỗ ngồi – sẽ xô đẩy và gây phiền toái để mọi người bỏ cuộc và rời đi. Dưới góc nhìn khác, người Ả Rập “xen vào” không gian của tôi trong sảnh khách sạn rõ ràng đã lựa chọn nó vì chính lý do mà tôi đưa ra: đó là một chỗ tốt để quan sát hai cửa và thang máy. Thái độ của tôi thay vì làm anh ta đi ra xa thì lại chỉ khuyến khích anh ta tiến gần hơn. Tay này nghĩ rằng hắn đang làm cho tôi dời đi.

Một nguồn xung đột thầm lặng khác giữa người Mỹ và người Ả Rập là trong khu vực mà người Mỹ hành xử rất suồng sã – các thói quen và quyền trên đường đi. Nói chung, ở Mỹ, chúng ta có xu hướng chặn những xe lớn hơn, mạnh hơn, nhanh hơn và chở nặng hơn. Trong khi một người đi bộ dọc theo một con đường có thể thấy phiền, nghiễm nhiên anh ta sẽ bước sang bên tránh một ô tô đang lao nhanh. Anh ta hiểu rằng vì mình đang di chuyển nên không có quyền sở hữu không gian xung quanh, thứ mà anh ta có khi đứng yên (giống như tôi trong sảnh khách sạn). Ngược lại, những người Ả Rập rõ ràng có quyền giãn cách khi họ di chuyển. Một ai đó đi vào không gian mà một người Ả Rập khác cũng đang di chuyển vào là một sự xâm phạm quyền lợi của anh ta. Người Ả Rập sẽ tức giận khi ai đó cắt mặt anh ta trên đường cao tốc. Cách hành xử vô lễ đó của người Mỹ làm người Ả Rập gọi đó là hung hăng và kiêu ngạo.

Những quan niệm về sự riêng tư

Trải nghiệm được miêu tả trên đây và nhiều trải nghiệm khác gợi mở cho tôi rằng, những người Ả Rập thực sự có một tập hợp hoàn toàn đối lập của những giả định liên quan đến cơ thể và những quyền lợi gắn liền với nó. Xu hướng “xô đẩy mọi người ở nơi công cộng, rồi là sờ sịt và cấu véo phụ nữ trên phương tiện giao thông công cộng” chắc chắn sẽ không được những người phương Tây dung thứ. Câu chuyện cho tôi thấy rằng họ không có bất kì khái niệm nào về vùng riêng tư bên ngoài cơ thể. Điều này được chứng minh là chính xác.

Ở thế giới phương Tây, một con người đồng nghĩa với một cá nhân bên trong lớp da. Và ở miền bắc châu Âu nói chung, da và thậm chí cả quần áo có thể là bất khả xâm phạm. Bạn cần được cho phép để chạm vào một trong hai, nếu bạn là một người lạ. Quy tắc này áp dụng ở một số vùng trong nước Pháp, nơi mà việc đơn thuần chạm vào người khác trong cuộc tranh luận được chính thức xem là tấn công. Với người Ả Rập, vị trí của bản thể con người trong mối liên hệ với cơ thể là khá khác biệt. Bản thể tồn tại ở một nơi nào đó bên trong cơ thể. Dù vậy, cái “tôi” không hoàn toàn ẩn đi vì nó có thể dễ dàng chạm tới bằng sự xúc phạm. Xúc giác không thể với tới nó nhưng ngôn ngữ thì có thể. Sự phân ly của cơ thể và bản ngã có thể giải thích tại sao việc cắt cụt tay của kẻ trộm một cách công khai được cho phép như một tiêu chuẩn trừng phạt ở Ả-rập Xê-út. Nó cũng làm sáng tỏ lý do tại sao một chủ nhân Ả Rập sống trong một căn hộ hiện đại có thể cung cấp đầy tớ của mình chỉ một căn phòng có kích thước khoảng 5 x 10 x 4 feet (1,5 x 3 x 1,2 m), treo trên trần nhà, để giữ nguyên diện tích sàn, rồi còn mở ra để có thể theo dõi được người hầu.

Người ta có thể nghi ngờ: những định hướng sâu sắc về bản thân giống kiểu vừa được miêu tả cũng được phản ánh trong ngôn ngữ. Điều này mang lại cho tôi sự chú ý vào một buổi chiều, khi một cộng sự Ả Rập là tác giả của cuốn từ điển Anh – Ả Rập đến văn phòng tôi và thả mình xuống ghế trong trạng thái rõ là kiệt sức. Khi tôi hỏi anh ấy có chuyện gì đang xảy ra, anh ấy trả lời: “Tôi dành cả chiều để tìm từ Ả Rập tương đương với từ “rape” (cưỡng đoạt) trong tiếng Anh. Không có từ như thế trong ngôn ngữ Ả Rập. Tất cả các nguồn, cả viết và nói, có thể tiếp cận đều không cho kết quả nào hơn một sự gần đúng, chẳng hạn “Chàng trai ép cô gái làm ngược lại ý định của mình.” Không có thứ gì trong tiếng Ả Rập tiệm cận ngữ nghĩa của các ông mà được diễn tả chỉ trong một từ.”

Những quan niệm khác biệt về sự thế chỗ bản ngã trong mối liên hệ với cơ thể thật không dễ dàng nắm bắt. Tuy nhiên, khi một ý tưởng như vậy được chấp nhận, hoàn toàn có thể hiểu được nhiều phương diện khác trong cuộc sống các nước Ả Rập mà điều trái ngược sẽ khó giải thích. Một trong những phương diện đó là mật độ dân số cao của nhiều thành phố Ả Rập như Cairo, Beirut và Damascus. Theo những nghiên cứu về động vật được trình bày trong những chương trước, những người Ả Rập đang sống trong một “vùng trũng hành vi”. Có thể là họ đang phải chịu đựng những áp lực từ dân số, song cũng có thể sức ép liên tục từ sa mạc dẫn đến một sự thích nghi văn hóa với mật độ cao – điều này đã được miêu tả bên trên. Việc giấu cái “tôi” vào “bên trong lớp da” không chỉ giúp người Ả Rập có thể thích nghi với mật độ cao, mà còn giải thích tại sao sự leo thang trong hoạt động giao tiếp của người Ả Rập mạnh hơn nhiều khi so với hình mẫu giao tiếp của người Bắc Âu. Không chỉ sự gia tăng mức ồn, mà cả cái nhìn xuyên thấu đôi mắt, cái chạm vào tay và việc cùng đắm mình trong hơi thở vừa ẩm vừa ấm suốt cuộc hội thoại thể hiện sự gia tăng của những tín hiệu cảm quan tới một mức độ mà nhiều người châu Âu không thể chịu đựng được.

Giấc mơ Ả Rập về một ngôi nhà có nhiều không gian là thứ nhiều người không thể có được. Nhưng khi anh ta có khoảng trống, thì sẽ rất khác so với một người tìm được nó trong đa phần những ngôi nhà Mỹ. Những không gian Ả Rập trong ngôi nhà của tầng lớp khá giả lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của chúng ta. Họ tránh việc chia phòng vì người Ả Rập không thích ở một mình . Hình thức của ngôi nhà như kiểu giữ mọi người trong gia đình sống quần tụ trong một lớp vỏ bảo vệ duy nhất, bởi người Ả Rập sống rất khăng khít với nhau. Những tính cách của họ xen kẽ và được nuôi dưỡng từ người khác như rễ cây và đất. Nếu chỉ có một mình và không chủ động liên hệ bằng một số cách, người ta có thể bị tước đoạt đi cuộc sống của mình. Một ông lão Ả Rập nói về giá trị này: “Thiên Đường mà không có con người thì không nên bước chân vào, vì đó chẳng khác gì Địa Ngục.” Vậy nên, những người Ả Rập ở Hoa Kỳ thường cảm thấy bị tước đoạt về mặt xã hội và cảm quan, đồng thời ao ước được quay trở về nơi có hơi ấm con người.

Vì như chúng ta biết, không có sự riêng tư về mặt vật lý trong gia đình Ả Rập, thậm chí cả trong ngôn ngữ, nên ta có thể đoán rằng những người Ả Rập sẽ sử dụng các phương tiện khác để ở một mình. Và đó là dừng nói chuyện. Giống như người Anh, khi thu mình lại, người Ả Rập không ám chỉ rằng có điều gì không đúng hay anh ta đang rút lui, chỉ là anh ta muốn đơn độc với suy nghĩ của chính mình hoặc không muốn bị xen vào. Một người được khảo sát nói rằng cha cô ấy muốn có những ngày không phải nói một từ nào, và trong gia đình không ai phải bận lòng về điều đó. Nhưng vì chính lý do này, một sinh viên trao đổi người Ả Rập tới thăm một nông trại tại Kansas đã không thể bắt được dấu hiệu về sự tức giận đến từ mấy người chủ khi họ “lẳng lặng cư xử” với cậu ta. Cậu sinh viên chỉ phát hiện ra có sự “sai sai” khi họ đưa cậu tới thị trấn và cố tình đẩy cậu lên xe buýt tới Washington, D.C., trụ sở của chương trình trao đổi chịu trách nhiệm về sự có mặt của cậu ta ở Hoa Kỳ.

Những khoảng cá thể của người Ả Rập

Giống như những chủng người khác trên thế giới, người Ả Rập không thể lập công thức riêng cho những quy luật về hình mẫu hành vi bất định của họ. Thực tế, họ thường phủ nhận bất kì quy luật nào, và họ thường bị lo lắng bởi những đề xuất như vậy. Thế nên, để xác định người Ả Rập thiết lập khoảng cách ra sao, tôi đã khảo sát cách sử dụng từng giác quan một cách riêng biệt. Dần dần, những hình mẫu hành vi rõ ràng và riêng biệt bắt đầu hiện ra.

Khứu giác chiếm một vị trí nổi bật trong đời sống Ả Rập. Nó không chỉ là một trong những cơ chế thiết lập khoảng cách mà còn là một phần thiết yếu của hệ thống hành vi phức tạp. Những người Ả Rập không ngừng thở vào người đối diện khi nói chuyện. Dù vậy, thói quen này có nhiều cách thực hiện khác nhau. Với người Ả Rập, những mùi thơm mang lại cảm giác dễ chịu và là một cách để gắn kết với người khác. Ngửi bạn của một ai đó không chỉ là hành động đẹp mà còn được ưa chuộng, hơi thở của bạn từ chối anh ta là việc làm hổ thẹn. Theo một cách khác, người Mỹ – những người được dạy không được thở vào mặt người khác – tự động truyền đạt cảm giác xấu hổ khi cố tỏ ra lịch sự. Ai sẽ mong đợi khi các nhà ngoại giao cao nhất của chúng ta đang cư xử tốt nhất có thể, mà cũng tự thấy "xấu hổ"? Song đây là những gì xảy ra liên tục, bởi vì ngoại giao không chỉ thông qua ánh mắt mà còn qua hơi thở.

Với việc tập trung vào khứu giác, người Ả Rập không cố gắng loại bỏ tất cả mùi cơ thể, chỉ làm đậm chúng và sử dụng chúng trong việc xây dựng những mối quan hệ. Hoặc là họ không tự nhận thức về việc nói với những người khác khi họ không thích những gì ngửi thấy. Một người dời nhà vào buổi sáng có thể bị ông chú nhắc nhở: “Habib, bụng cháu có mùi khó chịu và hơi thở cháu không được thơm tho cho lắm. Tốt hơn là không nói quá gần mọi người trong ngày hôm nay.” Mùi hương thậm chí được coi như một tiêu chí chọn bạn đời. Khi trai gái được ghép cặp cho đám cưới, người đàn ông đi giữa đôi khi sẽ yêu cầu được ngửi cô gái. Cô ấy có thể bị hạ bệ nếu không “đẹp mùi”. Người Ả Rập thừa nhận rằng mùi hương và cách bố trí có liên quan đến nhau.

Nói ngắn gọn, ranh giới khứu giác thể hiện hai vai trò trong cuộc sống người Ả Rập: dung nạp những người muốn kết thân và tách biệt những người không muốn. Người Ả Rập thấy cần thiết phải ở trong vùng khứu giác như một phương cách lưu lại những thay đổi nhỏ trong cảm xúc. Hơn thế nữa, anh ấy có thể cảm thấy đông đúc ngay sau khi ngửi thấy mùi gì đó khó chịu. Dù không có nhiều thông tin về “khứu giác tập trung” song điều này có thể chứng minh là có ý nghĩa như bất kì biến số nào khác trong đám đông phức tạp bởi nó được liên quan trực tiếp lên hệ thống hóa học trên cơ thể, cũng như với trạng thái sức khỏe và cảm xúc. (Bạn đọc sẽ nhớ lại rằng đó là khứu giác trong hiệu ứng Bruce làm giảm sự thụ thai ở chuột.) Thế nên, không có gì bất ngờ khi biết ranh giới khứu giác cấu thành một cơ chế thiết lập khoảng cách bất thường cho những người Ả Rập, đối lập với những cơ chế thị giác của người phương Tây.

Đối mặt và không đối mặt

Một trong những phát hiện sớm nhất của tôi trong lĩnh vực giao tiếp văn hóa là vị trí của cơ thể con người trong cuộc nói chuyện thay đổi cùng với văn hóa. Dù là vậy, tôi đã từng bối rối khi một người bạn Ả Rập đặc biệt dường như không thể vừa đi bộ và vừa nói chuyện. Sau nhiều năm ở Hoa Kỳ, anh bạn không thể ép mình đi thẳng và quay mặt về phía trước trong khi đang nói. Câu chuyện của chúng tôi bị dừng khi anh đang nhìn thẳng, rồi gần như chắn phía trước tôi và quay sang một bên để chúng tôi có thể nhìn thấy nhau. Mỗi khi ở trong tình huống này, anh ấy sẽ dừng lại. Hành vi của anh ấy được giải thích khi tôi hiểu rằng với người Ả Rập, nhìn qua loa vào người khác bị xem bị xem là bất lịch sự, còn ngồi hoặc đứng quay lưng vào nhau bị cho là thô lỗ. Anh phải tương tác khăng khít với những người Ả Rập là bạn của mình.

Một người hiểu nhầm quan niệm Mỹ là những người Ả Rập đều nói chuyện ở những khoảng cách gần. Trường hợp này không phải tất cả. Trong những sự kiện xã hội, họ có thể ngồi phía đối diện căn phòng và nói vang qua cho người khác. Dù vậy, họ có xu hướng nổi cáu khi người Mỹ sử dụng những khoảng cách không rõ ràng với họ, chẳng hạn khoảng xã hội được khuyến cáo là từ 4 feet đến 7 feet. Họ thường xuyên phàn nàn rằng người Mỹ lạnh lùng, xa cách, vô tâm. Đó là những gì mà một nhà ngoại giao Ả Rập lớn tuổi nghĩ về các y tá trong một bệnh viện ở Mỹ, khi cô ấy sử dụng cự ly “nghiệp vụ”. Ông có cảm giác mình bị lờ đi và rằng họ không chăm sóc tốt cho ông. Một đối tượng người Ả Rập khác đã phê bình, ám chỉ đến cách hành xử kiểu Mỹ: “Có chuyện gì vậy? Tôi có mùi hôi à? Hay họ sợ tôi?”

Những người Ả Rập tương tác với người Mỹ báo lại việc trải nghiệm về cách sử dụng rất khác của đôi mắt ở nơi riêng tư và nơi công cộng, cũng như giữa bạn bè và người lạ. Đó gần như là một sự bình lặng có thể sao chép một phần. Tuy một người sẽ thật thô lỗ khi đi quanh nhà người Ả Rập ngó nghiêng các thứ, nhưng người Ả Rập cũng nhìn mọi người theo kiểu thù địch hay thách thức (dưới con mắt của người Mỹ). Một người báo tin Ả Rập nói rằng anh ta liên tục trong trạng thái sôi máu với mấy tay Mỹ bởi cái cách anh ta nhìn họ mà không nể nang gì. Trên thực tế, anh ta có vài lần vừa may tránh được những cuộc đánh lộn với đàn ông Mỹ, những người chắc mẩm rằng sự nam tính của họ bị thách thức bởi cách anh ta nhìn họ. Như đã nói từ trước, khi nói chuyện, người Ả Rập tập trung nhìn vào mắt đối phương, và sự tập trung đó làm những người Mỹ cực kì khó chịu.

Sự gắn kết

Bây giờ bạn đọc có thể tổng kết lại, những người Ả Rập gắn bó với người khác trên nhiều cấp độ khác nhau. Sự riêng tư ở một nơi công cộng hoàn toàn xa lạ với họ. Chẳng hạn, những hoạt động giao dịch ở chợ không chỉ diễn ra giữa người bán và người mua, mà là giữa tất cả mọi người. Bất cứ ai đứng xung quanh cũng có thể tham gia vào. Nếu một người lớn nhìn thấy một cậu bé đập vỡ cửa sổ, anh ta sẽ ngăn lại dù không quen cậu. Sự gắn kết và tham gia còn được biểu hiện theo nhiều nhiều cách khác. Nếu hai người đàn ông đánh nhau, đám đông chắc chắn can ngăn. Ở cấp độ chính trị, thất bại trong việc can thiệp khi rắc rối đang bùng lên luôn bị gạt sang một bên, chuyện mà dường như Bộ Ngoại Giao ta lúc nào cũng tham gia vào. Có vài người trên thế giới hiện nay vẫn còn ý thức điều khiển khuôn phép văn hóa, thứ định hình suy nghĩ của họ. Người Ả Rập thường quan sát cách hành xử của chúng ta như thể nó bắt nguồn từ một loạt những giả định ẩn của chính họ.

Cảm nhận về những khoảng không bị quây kín

Trong quá trình phỏng vấn người người Ả Rập, khái niệm “tomb” (ngôi mộ) luôn song hành với không-gian-đóng-kín. Nói ngắn gọn, người Ả Rập không phiền khi phải chen chúc nhưng ghét bị vây trong những bức tường. Họ nhạy cảm quá mức với sự chật chội trong kiến trúc, hơn cả chúng ta. Không gian kín gặp phải ít nhất ba yêu cầu để vừa lòng người Ả Rập: phải có nhiều không gian không bị cản trở mà trong đó có thể đi quanh (có thể lên tới hàng nghìn feet vuông); trần cực cao – thực tế là cao tới mức không chạm tới trường nhìn; và ngoài ra, phải có tầm nhìn không bị cản trở. Đó là những không gian mà những người Mỹ được nhắc đến ở phần trước cảm thấy không thoải mái. Người ta thấy nhu cầu về tầm nhìn của người Ả Rập được biểu thị bằng nhiều cách, thậm chí có phần tiêu cực, việc chặn tầm nhìn nhà hàng xóm là một trong những cách hiệu quả nhất để chọc ngoái ông ta. Ở Beirut, mọi người có thể chứng kiến thứ được xem như là “ngôi nhà trái khoáy” ở đây. Không có gì hơn ngoài một bức tường dày cao bốn tầng nhà, được xây trên một dải đất hẹp sau một cuộc tranh chấp kéo dài giữa những người hàng xóm, để thể hiện mục đích ngăn tầm nhìn ra Địa Trung Hải từ bất kì ngôi nhà nào xây ở mảnh đất đằng sau. Theo những người cung cấp thông tin của tôi, cũng có một ngôi nhà và một khu đất nhỏ giữa Beirut và Damascus hoàn toàn bị vây kín bởi một bức tường nhà hàng xóm, nó được xây đủ cao để chắn hết tầm nhìn từ tất cả các cửa sổ!

Những ranh giới

Những hình mẫu không gian giao tiếp cho thấy những điều khác về văn hóa Ả Rập. Chẳng hạn, toàn bộ ý niệm về ranh giới như một quan điểm trừu tượng gần như không thể nắn được. Theo nghĩa nào đó, đường bao không tồn tại. “Những cạnh biên” của các thành phố, có, nhưng những đường biên giới lâu dài của lãnh thổ (những nét đứt), thì không. Trong quá trình làm việc với những đối tượng người Ả Rập, tôi trải qua thời gian khó khăn với việc diễn giải khái niệm ranh giới của chúng ta sang những khái niệm có thể tương đương với họ. Để làm rõ những đặc trưng giữa hai định nghĩa rất khác biệt, tôi nghĩ có thể hữu ích khi chỉ ra những hoạt động tạo nên sự xâm nhập. Cho tới nay, tôi vẫn không thể phát hiện bất kì điều gì, thậm chí là có chút liên hệ với khái niệm pháp lý của chúng ta về “sự xâm phạm”.

Cách hành xử Ả Rập với bất động sản của chính họ rõ ràng là một phần kế thừa (và vì thế cũng là bất biến với) của cách tiếp cận với cơ thể. Những đối tượng của tôi đơn giản đã thất bại trong phản ứng với bất kì sự xâm nhập nào được nhắc tới. Họ dường như không hiểu những gì tôi nói với khái niệm này. Điều này có thể được giải thích bằng sự thật là họ tổ chức những mối quan hệ với người khác theo những hệ thống xã hội gần gũi hơn là bởi những hệ thống không gian. Đã hàng nghìn năm, những người Hồi giáo, người Marinity, người Druze và người Do Thái sống trong những ngôi làng của họ, mỗi làng có sự gắn kết họ tộc mạnh mẽ. Thứ hạng tín nhiệm của họ là: đầu tiên chính mình, rồi đến họ hàng, đồng hương hoặc đồng chủng, những người cùng vùng hoặc cùng quốc gia. Ai không được xếp hạng thì là người lạ. Trong suy nghĩ của người Ả Rập, người lạ và kẻ địch rất gần với nhau, nếu không muốn nói là tương đương,. Trong bối cảnh này, sự xâm phạm phụ thuộc vào việc bạn là ai, thay vì một mảnh đất hay một không gian với ranh giới có thể bị từ chối với một người và mọi người, bạn bè và kẻ thù, tất cả như nhau.

Tóm lại, những hình mẫu không gian giao tiếp không giống nhau. Việc khảo sát họ có thể hé mở những khuôn khổ văn hóa ẩn đã định hình cấu trúc của một thế giới nhận thức làm tiền đề cho con người. Việc nhận thức thế giới theo cách khác thường dẫn đến những định nghĩa khác biệt về thứ cấu thành cuộc sống đông đúc, những mối liên hệ nội bộ cùng với một cách tiếp cận tới chính trị địa phương và quốc tế khác biệt. Ngoài ra còn có những chênh lệch lớn khác trong mức độ gắn kết của những cấu trúc văn hóa, thứ khiến các quy hoạch gia phải bắt đầu nghĩ về những loại thành phố khác nhau, những thành phố bất biến với những hình mẫu không gian giao tiếp của con người sống tại đó. Thế nên, sẽ có một sự nhìn nhận về cuộc sống đô thị mà tôi sẽ đề cập tới trong những chương còn lại của cuốn sách này.

. . . còn nữa . . .