The hidden dimension

Chiều kích ẩn của không gian

4. NHẬN THỨC KHÔNG GIAN: NHỮNG THỤ THỂ KHOẢNG CÁCH - MẮT, TAI VÀ MŨI

. . . Có lẽ sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được thế giới, nếu không . . . có những rung động vật lý chạm tới những giác quan.

F. P. Kilpatrick - Explorations in Transactional Psychology

Nghiên cứu về giải phẫu, sinh lý học và hành vi của động vật dẫn đến những kết luận quen thuộc rằng mỗi loài đều đã tiến hóa để thích ứng tài tình với cuộc sống ở bất kì xó xỉnh nào trên trái đất . . . Mỗi loài cũng cư trú ở nơi riêng biệt không thể tiếp cận trực tiếp. Thế giới này được hình thành từ những thông tin bên ngoài, dưới dạng thông điệp mà những cơ quan thụ cảm tiếp nhận được.

H. W. Lissman - Electric Location by Fishes, đăng trên tạp chí Scientific American

Hai khẳng định trên chỉ ra tầm quan trọng của những thụ thể (receptors) trong sự hình thành thế giới cảm quan khác nhau ở các loài. Lời khẳng định cũng nhấn mạnh rằng những khác biệt trong thế giới cảm quan (sensory world) không thể bỏ qua. Để hiểu loài người, cần phải hiểu tương đối về bản chất của những hệ thống thụ cảm và những thông tin được thu nhận từ đó đã bị văn hoá biến đổi như thế nào. Bộ máy giác quan của con người chia làm hai loại rõ rệt như sau:

  1. Những thụ thể khoảng cách (distance receptors) – đảm nhận việc xác định những vật cách chúng ta một khoảng – gồm mắt, tai và mũi.
  2. Những thụ thể tiếp xúc (immediate receptors) – xác định những vật cận kề, những thứ “chạm” vào chúng ta – gồm da, niêm mạc và cơ bắp.

Tuy nhiên, cách phân loại này cũng không phản ánh chính xác. Chẳng hạn, da là bộ phận chính tiếp nhận những tác động theo dạng tiếp xúc, cảm nhận biến thiên nhiệt độ xung quanh; hiện tượng truyền nhiệt và bức xạ nhiệt đều được phát hiện bởi da. Vì vậy, nghiêm túc mà nói, có thể xếp da vào cả hai loại.

Có một mối liên hệ chung giữa tuổi phát triển của hệ thống thụ cảm và số lượng cũng như chất lượng của thông tin mà nó truyền lên hệ thống thần kinh trung ương. Hệ thống xúc giác phát triển ngay từ khi con người mới sinh ra; hơn thế, khả năng phản hồi sự kích thích là điều căn bản của sự sống. Thị giác là giác quan chuyên biệt nhất, được phát triển sau cùng trên cơ thể người. Hoạt động quan sát trở nên quan trọng hơn, thay thế cho khứu giác khi tổ tiên con người ở đây đang nói đến những loài linh trưởng đầu tiên, từ loài thú sống dưới mặt đất tiến hoá lên thành loài sống trên cây rời mặt đất lên sống trên cây, như tôi đã nhắc đến ở chương trước. Nhìn bằng hai mắt rất quan trọng với cuộc sống trên cây, nếu không có nó thì việc di chuyển từ cành này sang cành khác trở nên rất nguy hiểm.

KHOẢNG KHÔNG THỊ GIÁC VÀ THÍNH GIÁC

Ta khó lòng mà tính toán một cách chính xác được lượng thông tin đôi mắt - đôi tai “thu thập”. Phép tính như vậy không chỉ mắc mớ vào một quá trình chuyển hóa, mà còn bị cản trở vì những gì “thu thập” được vẫn còn là ẩn số. Dù vậy, người ta có thể biết tương đối về sự phức tạp này thông qua việc so sánh kích cỡ của những bó thần kinh kết nối mắt - tai với trung khu não bộ. Vì số dây thần kinh nhãn cầu nhiều hơn gấp mười tám lần số dây thần kinh ốc tai, nên có thể phỏng đoán rằng mắt truyền nhiều thông tin hơn. Thực tế, ở các loài bình thường, khả năng quét thông tin của mắt hiệu quả hơn tai gấp hàng nghìn lần.

Trong cuộc sống hàng ngày, “tai thường” có thể bắt được âm thanh hiệu quả trong một khoảng khá hạn chế. Với khoảng cách gần hơn 20 feet (6,1m), tai hoạt động rất hiệu quả. Tới giới hạn 100 feet (30,5m), giao tiếp âm thanh một chiều vẫn khả thi với mức độ thấp hơn thông thường, còn việc đối thoại trở nên khó khăn. Qua giới hạn khoảng cách này, những tín hiệu âm thanh mà con người có thể nghe thấy bắt đầu suy giảm đi rất nhiều. Với “mắt thường” thì khác, nó có thể quét một lượng thông tin lớn trong bán kính 100 yard (914 m), thậm chí vẫn khá hiệu quả khi tương tác trong khoảng cách 01 dặm (1609 m).

Nguồn năng lượng kích hoạt tai và mắt khác nhau về tốc độ cũng như chất lượng. Ở 0oC (32oF), độ cao 0m so với mực nước biển, sóng âm truyền đi với vận tốc 1 100 feet/s (334m/s) và tai có thể tiếp nhận những âm có tần số từ 50 tới 50 000 Hz. Ánh sáng truyền đi với vận tốc 186 000 dặm/s (300 000 m/s) và mắt có thể tiếp nhận ánh sáng có tần số 10 000 000 000 000 000 Hz (mười triệu tỉ hertz!!!).

Sự phức tạp của những thiết bị nghe-nhìn đã nói lên mức độ cũng như số lượng thông tin xử lý của hai hệ thống. Radio đơn giản hơn và được phát triển sớm hơn nhiều so với tivi. Ngày nay, với kĩ thuật tinh vi để phục vụ cho con người, việc mô phỏng lại âm thanh và hình ảnh đã có những khác biệt rất lớn. Người ta có thể tạo ra những âm thanh có độ trung thực vượt mức dung sai mà tai cảm nhận được, còn số lượng khung hình trong một giây đã nhiều hơn những gì đôi mắt – bộ não cần để tái hiện một chuyển động Để đôi mắt cảm nhận được một chuyển động thì số hình ảnh trong một giây (thời gian) phải vượt ngưỡng nào đó. Ta vẫn thường biết đến khái niệm 24 hình/ giây trong điện ảnh - giá trị (quy ước) tối thiểu để đảm bảo chuyển động trên phim mượt mà..

Những khác biệt không chỉ là số lượng và loại hình thông tin mà hai hệ thống thụ cảm này có thể tiếp nhận. Khác biệt còn xuất hiện trong những loại không gian mà chúng có thể dò tìm được. Ở khoảng cách một phần tư dặm (400m), người ta có thể thấy ngay vật chắn giữa hai người, nhưng giả thử bị mắt lại thì khó có thể phát hiện nó được bằng tai. Bởi lẽ đó, khoảng không thị giác có đặc tính khác biệt hoàn toàn với khoảng không thính giác. Những thông tin dạng hình ảnh ít bị nhiễu loạn hơn những thông tin dạng âm thanh. Trường hợp ngoại lệ là người mù, họ học được cách xử lý những âm tần cao hơn để định vị đối tượng trong phòng.

Với loài dơi, âm thanh chúng phát ra như một cái radar cho phép định vị vật thể nhỏ như một con muỗi. Cá heo cũng sử dụng âm tần cao thay vì quan sát để điều hướng và định vị thức ăn (âm thanh truyền trong nước nhanh gấp bốn lần trong không khí).

Sự không đồng nhất giữa khoảng không thị giác và khoảng không thính giác vẫn là vấn đề chưa lý giải được. Chẳng hạn, trong một phòng âm vang, những người nhìn thấy nhiều hơn lại dễ vấp chân vào ghế? Liệu có dễ dàng hơn khi lắng nghe một ai đó, nếu giọng nói đến từ một điểm thay vì đến từ nhiều nguồn âm, giống như trong hệ thống phóng thanh? Dù vậy, vẫn có một số dữ liệu trong khoảng không thính giác giống như một yếu tố biểu diễn. Một nghiên cứu của nhà vật lý âm thanh J. W. Black đã chứng minh độ lớn và thời gian âm vang của một căn phòng ảnh hưởng tới mức độ tiếp nhận. Người ta tiếp nhận âm thanh trong một phòng lớn – nơi mà thời gian âm vang dài – chậm hơn trong một căn phòng nhỏ. Một kiến trúc sư tài năng người Anh - từng tham gia cuộc phỏng vấn của tôi, đã giải quyết những bất đồng nhân sự của một ủy ban bằng cách áp dụng nguyên lý âm học vào phòng hội nghị. Mọi người phàn nàn rằng lục đục là do sự vắng mặt của người chủ trì, ông ta bị yêu cầu nhường ghế. Ngược lại, kiến trúc sư tin rằng có nhiều vấn đề ở môi trường làm việc hơn là ở chủ tọa, và ông ta bắt tay vào sửa lỗi nó. Phòng họp nằm ngay cạnh một tuyến phố tấp nập, tiếng ồn xe cộ tăng lên khi phản xạ từ những bức tường và mặt sàn không trải thảm bên trong. Khi âm nhiễu xạ giảm xuống, cuộc họp được tiến hành mà không gây ra căng thẳng quá mức. Những lời phàn nàn chủ tọa cũng ngưng.

◁ Nhà thờ do Basil Spence phục dựng lại, đạt hiệu quả cả về hình ảnh lẫn âm thanh

Ví dụ trên cũng giải thích rằng năng lực định hướng và điều chỉnh giọng nói của tầng lớp thượng lưu ở Anh tốt hơn nhiều người Mỹ. Sự phiền toái trong tiếng Anh thực sự rất lớn – những âm lồng vào nhau làm ta cảm thấy thật khó nghe. Người ta cảm được “độ bén” của tiếng Anh với không gian khi Sir Basil Spence phục dựng lại được bầu không khí nguyên bản của nhà thờ Coventry (bị phá hủy trong vụ nổ) bằng một thiết kế mới, trực quan và táo bạo. Sir Basil cảm thấy rằng nhà thờ thực sự thì không chỉ "trông" giống như một nhà thờ, mà còn phải "nghe" giống nữa: phải trọn vẹn cả phần hình lẫn phần tiếng. Chọn nhà thờ ở Durham như một mô hình nghiên cứu, ông đã thử nghiệm hàng trăm mẫu thạch cao cho đến khi tìm thấy một mẫu có tất cả những phẩm chất âm thanh mà ông mong muốn.

Cảm nhận không gian không chỉ nằm ở những gì có thể tiếp thu, mà còn phụ thuộc nhiều vào những thứ bị lọc ra. Một cách vô thức, người ta được nuôi dưỡng trong những nền văn hóa khác nhau từ lúc còn trẻ, dẫn đến cách chọn lọc thông tin khi tương tác cũng khác nhau. Cách thức cảm nhận dường như được duy trì khá ổn định trong suốt cuộc đời. Tỉ dụ, người Nhật ngăn tầm nhìn theo rất nhiều cách, nhưng hoàn toàn thỏa mãn với vách ngăn bằng giấy bồi, coi đó như những màn chắn âm thanh. Còn với người Tây phương, đó là một trải nghiệm mới lạ, khi nghỉ đêm tại một lữ quán Nhật Bản mà bên kia vách cửa giấy bồi, tiệc tùng linh đình. Người Đức và người Hà Lan lệ thuộc vào những bức tường dày và cửa hai lớp cách âm. Ngay cả việc cố giữ tập trung để tránh những tiếng ồn cũng trở nên khó khăn. Nếu hai phòng có cùng kích thước, một phòng cách âm, một phòng không, người Đức sẽ cảm thấy căn phòng cách âm rộng và thoải mái hơn vì nó có ít sự xâm nhập.

KHOẢNG KHÔNG KHỨU GIÁC

Khứu giác của người Mỹ cực tệ. Chất khử mùi sử dụng tràn lan dẫn đến hệ quả là một “đất nước của khứu giác nhợt nhạt và đơn điệu”, khó có thể thấy nơi nào tương tự trên thế giới. Sự nhạt nhẽo này tước đoạt đi bao điều phong phú và đa dạng trong cuộc sống, khỏa lấp đi kí ức, bởi lẽ việc ngửi liên quan đến nhiều kỉ niệm sâu sắc hơn là nhìn hay nghe. Nhân nói đến người Mỹ và khứu giác kém-phát-triển, sẽ thật hữu ích khi xem chức năng khứu giác như một hoạt động sinh học. Nó là giác quan đảm nhiệm những chức năng trọng yếu trong quá khứ của chúng ta. Dù nền văn hóa Mỹ bài trừ hay phớt lờ đi “cái mũi”, thì vẫn có lý do để ta cần phải biết nó đã đóng vai trò gì, và vai trò nào không còn phù hợp nữa.

Cơ sở hóa học của khứu giác

Sư tử đánh dấu lãnh thổ! Nguồn: flickrer Willievs ▷

Mùi (hôi/hương) là một trong những phương thức giao tiếp cơ bản xuất hiện sớm nhất và cơ bản nhất. Thực chất nó là một loại hóa chất tự nhiên và được xem là chemical sense. Mùi đảm nhiệm nhiều chức năng: không chỉ giúp phân biệt từng cá thể mà còn giúp xác định trạng thái cảm xúc của nó; hỗ trợ cho việc tìm kiếm thức ăn, giúp cá thể cuối cùng theo dấu đàn; cũng như là một phương thức đánh dấu lãnh thổ. Mùi hôi báo hiệu sự hiện hiện của kẻ thù, và trong một số trường hợp như loài chồn hôi là giúp tự vệ. Hiệu ứng mãnh liệt của mùi hương giới tính có thể quan sát từ việc con chó cái thu hút con đực cách nó hàng dặm. Tương tự, nhiều loài động vật khác cũng có khứu giác phát triển. Hãy xem những con tằm, chúng có thể định vị bạn đời ở khoảng cách từ hai tới ba dặm (3,2 đến 4,8km), hay loài gián, với một khứu giác kì lạ: chỉ một lượng tương đương ba mươi phân tử chất kích dục tiết ra từ con cái cũng đủ để kích thích những con đực phất cánh và giao hợp. Nói chung, mùi hương được khuếch đại trong môi chất đậm đặc (chẳng hạn như nước biển) và không hoạt động tốt trong môi chất loãng. Chẳng hạn, cá hồi sử dụng mùi (hương) để quay trở lại đẻ trứng sau hàng nghìn dặm vượt sông vượt suối. Khứu giác nhường vai trò cho thị giác khi môi chất loãng đi (tỉ dụ như ở trên trời, nếu con diều hâu săn chuột cách xa cả nghìn feet bên dưới bằng khứu giác thì sẽ rất khó). Dù giao tiếp theo nhiều cách là một chức năng chính của mùi hương, song nó không được xem như một hệ thống tín hiệu hay thông điệp. Chỉ cho tới khi biết tới mối liên hệ giữa những cơ quan ngoại tiết (exocrinology) và nội tiết (endocrinology), người ta mới xem xét lại quan điểm này.

Trong suốt lịch sử nghiên cứu lâu dài về những cơ quan điều tiết bên trong cơ thể, ta biết được rằng giao tiếp hóa học là giải pháp phù hợp nhất để giải phóng các phản ứng chọn lọc cao. Vì vậy có những tế bào đặc biệt “chuyên” phản ứng với những “thông điệp hóa học” dưới hình thức hormone, còn các tế bào lân cận khác thì không. Việc chuyên biệt hóa hệ thống nội tiết để phản hồi với sức ép đã được viết trong hai chương trước. Sinh vật bậc cao không thể sống được nếu tất cả các “hệ thống thông điệp hóa học” trên cơ thể không hoạt động 24 giờ một ngày để cân bằng việc thực hiện với yêu cầu. Đó là một hệ thống hoàn chỉnh và chuyên biệt. Về mặt tổ chức, chúng được cho là vượt trội và phức tạp tương đương với bất kỳ “công cụ hỗ trợ” nào mà con người tạo ra. Nó hàm chứa tất cả các hình thức của ngôn ngữ (nói, viết, hay thậm chí là toán học) cũng như sự vận hành rất nhiều loại thông tin bởi hầu hết máy vi tính. Những hệ thống thông tin hóa học của cơ thể đủ chuyên biệt và chính xác để tái tạo cơ thể và giữ nó hoạt động trong nhiều trường hợp dự phòng.

Như chúng ta nhìn thấy trong chương trước, Parkes và Bruce chứng minh rằng hệ nội tiết của chuột liên quan mật thiết đến những cơ quan khác, và khứu giác là kênh thông tin chính. Có thêm những ví dụ, mà giao tiếp hóa học cấu thành những (hoặc một) phương tiện quan trọng tương thích với hành vi, ở hầu hết các các mức độ tiến hóa. Điều này diễn ra ngày cả trên những dạng sống sơ cấp nhất. Trùng amip – một sinh vật đơn bào kích thước hiển vi – duy trì một khoảng cách đồng đều giữa các cá thể bằng phương thức hóa học. Ngay sau khi thức ăn cung cấp giảm xuống, trùng amip sử dụng chất định vị hóa học gọi là acrasin. Nhắc về trùng amip, nhà sinh học Bonner đã trích dẫn câu nói trong bài “How Slime Molds Communicate” (Loài nấm nhầy giao tiếp như thế nào) của John Tyler trên tạp chí Scientific American, tháng Tám năm 1963, khẳng định:

Giờ không còn là thời mà ta bận tâm chuyện các tế bào tương tác với nhau thế nào trong quá trình sắp xếp thành một sinh vật đa bào thống nhất (a unified multicellular organism). Chúng ta bắt đầu quan tâm tới cuộc đối thoại giữa những mô tế bào và phần xung quanh chúng. Mức tương tác được nâng lên: từ mức độ tế bào lên mức độ sinh vật đa bào. Ngày nay, ta nhận ra rằng có cùng một nguyên tắc giao tiếp cho tất cả.

Bonner và đồng nghiệp của ông chứng minh rằng khi lũ amip tụ hợp lại thì quần thể đó được giãn cách đều đặn. Cơ chế giãn cách ở đây là khí gas, được sản sinh ra trong quần thể, ngăn chặn tình trạng quá tải bằng cách duy trì một mật độ cá thể (tối đa không vượt quá 250 tế bào trên một millimet khối không khí). Trong phòng thí nghiệm, Bonner tăng mật độ bằng cách đặt than hoạt tính gần quần thể amip. Viên than hấp thụ khí gas và mật độ cũng tăng lên theo, qua đó đưa ra một trong những hệ thống kiểm soát số lượng cá thể đơn giản và cơ bản nhất.

Những “thông điệp hóa học” có thể có rất nhiều loại. Một số thậm chí còn cảnh báo về những gì xảy ra từ thế hệ trước cho thế hệ kế tiếp. Từ việc tiếp cận trạng thái sợ hãi của loài tuần lộc, Hediger chỉ ra con tuần lộc sẽ chạy trốn như thế nào nếu nó ngửi thấy mùi hương được tiết ra từ tuyến móng của những con đang sợ hãi khác. Hediger cũng viện dẫn những thí nghiệm của von Frisch, người đã tìm ra một chất lỏng bài tiết từ vùng da bị tổn thương của một con minnow (một loại cá nước ngọt) sẽ gây ra phản ứng bạo lực giữa đồng loại. Trong cuộc thảo luận về những “thông điệp khứu giác” với các bác sĩ trị liệu, tôi đã biết được rằng những vị này có khả năng nhận ra mùi “giận dữ” của bệnh nhân từ khoảng cách 6 feet hoặc hơn. Những ai làm việc với bệnh nhân tâm thần phân liệt lâu năm đều khẳng định rằng họ có một mùi đặc trưng. Những quan sát tự nhiên này dẫn đến một chuỗi các thí nghiệm mà ở đó Tiến sĩ Kathleen Smith – một bác sĩ tâm lý ở viện St. Louis – đã chứng minh được rằng những con chuột dễ dàng phân biệt được mùi của một bệnh nhân tâm thần phân liệt với một người bình thường. Hiệu ứng mạnh mẽ của những hệ thống thông điệp hóa học được sáng tỏ khiến người ta tự đặt câu hỏi: liệu sự sợ hãi, tức giận và hoảng loạn có thể tác động trực tiếp lên hệ nội tiết của những người gần đó hay không?

Khứu giác loài người

Người Mỹ đi du lịch nước ngoài thường phàn nàn về mùi hương colognes nồng nặc của những người đàn ông ở các nước Địa Trung Hải. Người Mỹ kế thừa “văn hóa Bắc Âu” nên khó có thể khách quan trong vấn đề này. Bước vào taxi, họ thấy ngột ngạt vì mùi hương của ông tài xế choán đầy xe.

Người Ả Rập dường như cũng thừa nhận một mối liên hệ giữa việc dàn xếp và mùi hương. Ở Ả Rập, để đảm bảo buổi lễ kết đôi diễn ra tốt đẹp, người tổ chức đám cưới thậm chí còn kiểm tra “mùi” cô dâu và sẽ hủy hôn nếu cô ấy “không đẹp mùi”, không hẳn chỉ dựa trên tiêu chuẩn thẩm mỹ, mà có thể do mùi hôi gây ra sự tức giận và bất mãn. “Tắm” cho một ai đó trong “hơi thở” của mình là hoạt động thường thấy ở các nước Ả Rập. Người Mỹ được dạy là không thở vào người khác. Thế nên hẳn là sẽ rất khó nhọc cho anh ta khi đứng bên một ai đó chẳng thân thuộc gì, đặc biệt là ở những nơi công cộng. Anh ta sẽ thấy ngột thở và khó lòng chú tâm vào những gì đang được nói, khi đó tâm trạng cũng rất khó chịu. Tóm lại, anh ta gặp rắc rối nhân đôi và bị đẩy theo hai hướng trong cùng một lúc. Việc thiếu sự tương đồng giữa hệ thống khứu giác người Mỹ và người Ả Rập ảnh hưởng tới cả hai bên và gây ra hậu quả là sự khó chịu hoặc phớt lờ. Chương 12, nói về tương tác văn hóa giữa Mỹ và Ả Rập, sẽ mở ra những điểm rõ ràng hơn. Khi loại bỏ hầu như tất cả những mùi hôi nơi công cộng, người Mỹ chúng ta đã làm gì với chính mình và hành động đó gây nên những hiệu ứng gì cho đô thị?

Thánh đường hồi giáo Mecca, Ả Rập Xê Út, vào thời gian đỉnh điểm của tháng Hành Hương. Nơi đâu cho trò "điền vào chỗ trống"? Người ta không thể chứng kiến một cảnh tượng nào tương tự tại những không gian công cộng của Mỹ. Nguồn ảnh: iis.ac.uk

Theo truyền thống Bắc Âu, hầu hết người Mỹ đã đoạn tuyệt với một kênh giao tiếp mạnh mẽ: khứu giác. Những thành phố của chúng ta thiếu đi cả sự đa dạng về thị giác và khứu giác. Bạn sẽ nhận ra điều đó khi rảo bước trên đường ở nhiều vùng quê hay thị trấn châu Âu. Trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai, tại Pháp, tôi đã được chứng kiến: hương bánh mỳ mới ra lò lúc 4 giờ sáng có thể khiến một tay đi xe Jeep đang tăng tốc đột ngột dừng lại. Đến đây, người đọc có thể băn khoăn: ở Mỹ, mùi hương nào có thể mang lại kết quả như vậy. Ở một thị trấn Pháp điển hình, người ta có thể thưởng thức mùi hương của cà phê, gia vị, rau củ, thịt gà mới làm lông, quần áo phơi và hương đặc trưng của quán cà phê ngoài trời. Khứu giác có thể mang lại một cảm giác mới cho cuộc sống; những thay đổi và chuyển biến không chỉ giúp định vị vật thể trong không gian mà còn làm cuộc sống trở nên dễ chịu hơn.

5. NHẬN THỨC KHÔNG GIAN: NHỮNG THỤ THỂ TRỰC TIẾP – DA VÀ CƠ BẮP

Thành công của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright đến từ sự nhìn nhận đa chiều về trải nghiệm của con người bên trong không gian. Khách sạn hoàng gia tại Tokyo là ví dụ. Một không gian không ngừng lay động đôi mắt, bàn tay đến tận gót chân của lữ khách, một thế giới hoàn toàn xa lạ với người phương Tây, từ những đoạn giật cấp, đường tròn, tường âm, thang bộ đến tất cả các chi tiết nhỏ đều mang trải nghiệm mới! Wright là nghệ sĩ trong việc sử dụng chất cảm. Ông dùng những viên gạch thô nhất, mạch vữa xây mềm dày nửa inch. Bước xuống những khoảng sảnh, người khách có thể nhận ra rằng ngón chân mình luôn đặt vào phần mạch vữa. Đó hẳn không phải là chủ ý của Wright, nhưng cách kết hợp vật liệu thô sắc – mềm nhẵn làm người ta vô thức tuân theo. Trải nghiệm không gian tăng lên qua từng bề mặt mà người ta lướt qua.

Khách sạn hoàng gia Tokyo – Frank Lloyd Wright thiết kế năm 1923
Khách sạn hoàng gia Tokyo – Frank Lloyd Wright thiết kế năm 1923
Khách sạn hoàng gia Tokyo – Frank Lloyd Wright thiết kế năm 1923
Khách sạn hoàng gia Tokyo – Frank Lloyd Wright thiết kế năm 1923
Khách sạn hoàng gia Tokyo – Frank Lloyd Wright thiết kế năm 1923

Từ xa xưa, người làm vườn Nhật Bản đã hiểu rất rõ mối liên hệ giữa trải nghiệm vận động và trải nghiệm thị giác. Thiếu đi những khoảng không gian mở và quần tụ với nhau như cách sống bao đời, người Nhật đã học cách làm ra những không gian nhỏ nhất. Họ đặc biệt tài tình trong việc kéo giãn khoảng không thị giác bằng cách phóng đại không gian chuyển động. Người ta không chỉ làm vườn cho vừa mắt mà còn bắt nhiều nhóm cơ phải vận động hơn khi bước qua. Trên mặt hồ, những phiến đá được đặt cách nhau không đều. Phải ngừng chân lại, rồi nhìn xuống để bước bước tiếp theo: bước đi là việc của đôi chân, mà ở đây, cơ cổ cũng phải làm việc. Khoảnh khắc ngẩng đầu lên để thu vào mắt hình ảnh của khu vườn sẽ kết thúc khi anh tiếp tục đi. Trong không gian nội thất, người Nhật để trống những cạnh biên của căn phòng: mọi thứ được đặt hết vào trung tâm. Người châu Âu có xu hướng bố trí nội thất kín hết các cạnh tường. Kết quả là căn phòng châu Âu thường trông lộn xộn hơn phòng Nhật.

Người Nhật lẫn người Châu Âu quan niệm về trải nghiệm không gian khác chúng ta – trải nghiệm không gian có nhiều giới hạn hơn. Ở Mỹ, không gian làm việc của giới nhân viên văn phòng thường bị hạn chế. Bất cứ khoảng thừa ra nào đều bị xem là diêm dúa. Để đo khoảng cách, ta có thể dùng thước, nhưng để rõ về cảm giác chật chội thì chúng ta phải áp dụng một các đánh giá hoàn toàn khác.

NHỮNG VÙNG ẨN TRONG CÁC VĂN PHÒNG Ở NƯỚC MỸ

Vì có rất ít thông tin về những gì sinh ra cảm giác chủ quan nên tôi đã tiến hành một loạt những cuộc phỏng vấn “không-định-hướng” về phản ứng của con người với không gian văn phòng. Đối tượng của tôi là một phụ nữ đã làm việc ở nhiều văn phòng khác nhau. Làm cùng một công việc trong cùng một tổ chức nhưng ở rất nhiều địa điểm, cô ấy thu nhận được những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Có một văn phòng rất vừa vặn, còn lại thì không. Xem xét lại kĩ lưỡng, tôi đi tới kết luận rằng: giống như nhiều người, cô ấy có thói quen đẩy người ra xa khỏi bàn và tựa lưng để thư giãn. Tôi nhận thấy khoảng cách xô-khỏi-chiếc-bàn rất đồng đều và nếu lưng ghế chạm vào tường thì văn phòng đó quá nhỏ. Nếu không, không gian đó khá là thoải mái.

Dựa vào những cuộc phỏng vấn với hơn một trăm người Mỹ, có thể thấy rằng tồn tại ba vùng ẩn trong các văn phòng ở nước Mỹ:

  1. Vùng làm việc trực tiếp nơi đặt màn hình và ghế.
  2. Tập hợp những điểm trong tầm với của cánh tay nhưng nằm ngoài vùng kể trên.
  3. Không gian được xem như giới hạn chạm tới khi một ai đó tự đẩy ghế ra xa khỏi bàn tạm rời khỏi công việc (song họ không thực sự đứng dậy).

Một phạm vi chỉ thỏa mãn vùng số (1) sẽ mang đến trải nghiệm chật chội. Một văn phòng với kích cỡ của vùng số (2) bị xem là “nhỏ.” Còn khi thỏa mãn điều kiện số (3), văn phòng được cho là vừa vặn, đôi khi thừa.

Khoảng không vận động (kinesthetic space) là một yếu tố quan trọng trong cuộc-sống-hàng-ngày mà người thiết kế phải lưu tâm. Đa phần các phòng khách sạn ngày nay đều quá bé: chẳng thể đi quanh phòng mà không va phải thứ gì. Với hai căn phòng giống nhau, phòng nào cho phép vận động thoải mái hơn thì người Mỹ sẽ cảm giác rộng hơn. Như vậy hẳn là người ta có nhu cầu rất cải thiện cách bài trí nội thất để mọi người khỏi bị va vào nhau. Một người phụ nữ (khuyết danh) trong ví dụ của tôi, vốn vui vẻ hoạt bát, đã phải kiềm chế bức xúc cả chục lần với căn bếp hiện đại nhưng được thiết kế thật tệ hại. Cô ấy nói:

“Tôi ghét chạm vào hay va phải ai đó khi họ đang ở gần tôi. Đó là lý do vì sao căn bếp này làm tôi phát rồ người, khi đang làm bất cứ thao tác nấu nướng gì thì luôn có người chắn lối đi.”

Quảng trường San Marco ở Venice

Dù giữa từng cá nhân và nền văn hóa có sự khác biệt đáng kể về nhu cầu không gian (được viết từ chương 10 đến chương 12) song vẫn có những khái quát chung để phân định không gian này với không gian kia. Nói ngắn gọn, những gì bạn có thể làm trong một không gian xác định cách bạn trải nghiệm nó như thế nào. Một căn phòng mà bạn có thể đi từ đầu cho đến cuối phòng trong một hoặc hai bước chân sẽ mang lại trải nghiệm khác biệt hoàn toàn với một căn phòng cần mười lăm hay hai mươi bước chân. Một căn phòng mà bạn có thể chạm tay tới trần sẽ khác với một căn phòng trần cao 11 feet (3,35m). Ở những không gian ngoài trời lớn, bạn có được thực sự trải nghiệm cảm giác mênh mông hay không, điều đó phụ thuộc vào việc có hay không thể đi dạo quanh. Quảng trường San Marco ở Venice thật tuyệt vời không chỉ vì kích thước và tỉ lệ mà còn bởi bạn có thể cảm nhận từng inch của mặt nền trong từng bước chân.

KHOẢNG KHÔNG NHIỆT

Thông tin tiếp nhận từ những thụ thể khoảng cách (mắt, tai và mũi) chiếm một phần quan trong trong đời sống thường nhật. Ít người trong chúng ta có thể nghĩ rằng da cũng là một cơ quan thụ cảm quan trọng. Mất đi khả năng cảm nhận nóng và lạnh, sinh vật – trong đó có cả con người – sẽ chóng chết. Con người sẽ bị đông cứng vào mùa đông và sốc nhiệt vào mùa hè. Một số trong nhiều tính chất thụ cảm (và giao tiếp) tinh vi của da thường bị bỏ qua, bao gồm cả những tính chất liên quan đến cảm nhận của con người về không gian.

Những dây thần kinh được gọi với cái tên proprioceptor giữ vai thông báo cho một người biết những gì đang diễn ra khi anh ta hoạt động cơ bắp. Những phản hồi đó giúp con người di chuyển mượt mà. Những dây thần kinh chiếm một vị trí then chốt trong việc nhận thức khoảng không vận động. Một hệ dây thần kinh khác, exterioceptor, nằm bên dưới da, truyền tải những cảm giác nóng, lạnh, động chạm hay đau đớn lên hệ thần kinh trung ương. Có thể phỏng đoán rằng khi hai hệ thống dây thần kinh khác nhau làm việc, khoảng không vận động và khoảng không nhiệt sẽ khác nhau về mặt tính chất. Điều đó hoàn toàn chính xác trong trường hợp này mặc dù hai hệ thống này hoạt động cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau trong hầu hết thời gian.

Một số tính chất về nhiệt của da chỉ mới được rõ ràng trong thời gian gần đây. Khả năng phát thải và phát hiện bức xạ nhiệt (hồng ngoại) của da đều cực kì tốt. Người ta sẽ cho rằng khả năng trên, do được phát triển cao độ, quan trọng với sự sinh tồn trong quá khứ và có thể vẫn còn chức năng. Con người được trang bị để gửi và nhận những thông điệp cũng như trạng thái cảm xúc của mình bằng nhiều phương thức thay đổi nhiệt trên da ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Trạng thái cảm xúc cũng được phản ánh trong sự thay đổi hoạt động cung cấp máu cho những phần khác nhau của cơ thể. Mọi người xem cái “đỏ mặt” là một dấu hiệu thị giác; nhưng kể cả những người da tối màu thì mặt cũng đỏ nên dấu hiệu đó không phải là sự thay đổi của màu da. Quan sát thật kĩ những người da tối màu lúc bối rối hoặc giận dữ, ta sẽ thấy nguyên do: sự phình lên của những mạch máu dưới da mặt. Lượng máu cung cấp thêm làm tăng nhiệt độ trong vùng “đỏ”.

Những dụng cụ mới giúp cho việc nghiên cứu về hoạt động thải nhiệt, một lĩnh vực mà trước đây không thể tiến hành nghiên cứu bằng quan sát trực tiếp. Đây là tiền đề cho những nghiên cứu chi tiết hơn về nhiệt trong giao tiếp. Những dụng cụ mới được nhắc tới là thiết bị phát hiện tia hồng ngoại và máy quay phim hồng ngoại phát triển từ công nghệ cho vệ tinh và tên lửa dẫn đường. Những thiết bị hồng ngoại ghi hình một cách tuyệt hảo. Tác giả R. D. Barnes trong một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Science đã nhắc tới phương pháp chụp những hình ảnh trong bóng tối bằng cách sử dụng nhiệt bức xạ của cơ thể con người. Ông chỉ ra một số điểm đáng chú ý từ những hình ảnh này. Chẳng hạn, màu da không ảnh hưởng tới lượng nhiệt thải ra: da tối màu và da sáng màu phát ra một lượng nhiệt tương đương nhau. Hiệu ứng này (hình ảnh chụp được có màu sắc biến thiên theo từng vị trí) là do hoạt động cung ứng máu lên một vị trí nhất định trên cơ thể. Những thiết bị xác thực rằng một vùng da bị viêm trên cơ thể nóng hơn xung quanh một vài độ, có thể phát hiện điều này qua tiếp xúc thông thường. Hiện tượng tắc nghẽn lưu thông máu và mầm bệnh (bao gồm cả ung thư vú ở phụ nữ) có thể được chuẩn đoán bằng kĩ thuật hồng ngoại.

Nhiệt tăng trên bề mặt cơ thể của một người được phát hiện theo ba cách: thứ nhất, bởi các thụ thể dò nhiệt trong da, nếu hai đối tượng đủ gần; thứ hai, bằng cách tăng cường tương tác khứu giác (mùi nước hoa hoặc kem dưỡng da mặt có thể ngửi được ở khoảng cách lớn hơn khi nhiệt độ da tăng lên); và thứ ba, qua việc kiểm tra bằng mắt.

Khi còn trẻ, tôi thường “thám thính” đối phương trong khi khiêu vũ. Không chỉ có sự khác biệt về nhiệt độ giữa các bạn nhảy, mà với cùng một người thì nhiệt độ cũng thay đổi theo thời gian. Có một việc luôn xảy ra, lúc tôi thấy mình đã ổn định thân nhiệt và bắt đầu hưng phấn (mà không thực sự biết tại sao) thì những cô gái trẻ này sẽ gợi ý ra "lấy chút khí trời”. Sau nhiều năm, tôi ngẫm nghĩ lại câu chuyện này, về những biến đổi nhiệt của các cô gái, và hiểu được rằng chúng khá giống nhau ở họ. Một đối tượng khẳng định cô ấy có thể nói về trạng thái cảm xúc của bạn trai từ khoảng cách 3 đến 6 feet (0,9m đến 1,8m) trong bóng tối. Cô ấy thuật lại rằng cô có thể phát hiện ra lúc nào cảm xúc giận dữ hoặc ham muốn bắt đầu. Một người khác dựa trên những thay đổi nhiệt trên ngực của bạn nhảy nam để đưa ra được động thái chính xác trước khi mọi thứ “đi quá xa.”

Ừ thì ai đó có thể chế nhạo những quan sát như trên nếu chúng không phải báo cáo của một cuộc điều tra khoa học về giới tính. Vậy nên tôi xin đề cập đến một bài luận được trình bày ở Hiệp hội Nhân chủng học Hoa Kỳ năm 1961. Trong bài luận, W. N. Masters đã chỉ ra rằng nhiệt độ phần da bụng tăng dần, được biểu thị bằng những dải màu, là một trong những dấu hiệu sớm của sự hưng phấn tình dục. Đỏ mặt vì tức giận, đỏ mặt do bối rối, đỏ đôi mắt như đang "cháy âm ỉ", lòng bàn tay đổ mồ hôi và "mồ hôi lạnh" của nỗi sợ hãi, và việc dâng trào đam mê nhiều hơn là sự tò mò. Kết hợp với những kiến thức mà chúng ta biết về hành vi trong các dạng sống thấp hơn (những động vật bậc thấp hơn loài người), có thể coi những hiện tượng trên là tàn dư biểu hiện (cũng có thể gọi là hóa thạch hành vi - behavioral fossil) ban đầu phục vụ mục đích để cho người khác biết điều gì đang diễn ra.

Phần trình bày này dường như vẫn đáng tin cậy ngay cả khi chúng ta xem xét khả năng do Hinde và Tinbergen đề xuất, rằng có một cơ chế thần kinh nào đó điều khiển những con chim sử dụng bộ lông để làm mát và giữ ấm. Cơ chế đó phân chia chức năng rõ ràng: một con đực hiện diện trước một con đực khác đang giận dữ, một thông điệp phức tạp (nội tiết và thần kinh) truyền tới những phần khác nhau của cơ thể, chuẩn bị cho cuộc giao chiến. Một trong nhiều thay đổi sau đó là sự gia tăng nhiệt độ dẫn tới hiện tượng xù lông như trong ngày hè nóng bức. Cơ chế này rất giống với bộ điều nhiệt ở xe hơi trong thời kì đầu, hoạt động đóng mở lỗ thông hơi của bộ tản nhiệt tùy theo trạng thái nóng hay nguội của động cơ.

Nhiệt độ có một tác động to lớn tới cách con người trải nghiệm trạng thái đông đúc. Một dây chuyền phản ứng xảy ra khi không có đủ không gian để tiêu tan sức nóng của đám đông và nhiệt lượng bắt đầu tích tụ. Để duy trì cùng một mức độ thoải mái và bớt dính vào nhau, một đám đông đang “xung” cần nhiều phòng, hơn là một phòng lạnh. Tôi đã có dịp chứng kiến điều này khi gia đình tôi đi du lịch châu Âu bằng máy bay. Hoãn chuyến liên miên và chúng tôi phải đứng xếp hàng đợi, cuối cùng được chuyển từ trong nhà ga hàng không có máy điều hòa sang một nơi ngoài trời giữa trời mùa hè nóng bức. Dù những hành khách không đứng gần nhau hơn, nhưng tình trạng chen chúc rõ ràng hơn rất nhiều. Tác nhân quan trọng dẫn đến sự thay đổi là nhiệt. Khi những khối cầu nhiệt giao vào nhau và mọi người đều có thể ngửi thấy những người xung quanh, họ không chỉ càng “dính” vào nhau hơn, mà thậm chí còn bị chi phối bởi ảnh hưởng hóa học từ cảm xúc những người khác – nếu hiệu ứng Bruce được nhắc tới trong chương 3 cũng xảy ra với con người. Một vài đối tượng khảo sát của tôi phản ánh về những trạng thái cảm xúc của những người không-liên-hệ (những người tránh tiếp xúc với người lạ), rằng họ ghét ngồi ghế bọc da mà có ai đó ngồi trước vừa mới rời đi. Trong tàu ngầm, một lời phàn nàn thường thấy của thủy thủ đoàn là về vấn đề “cái giường nóng” – hai người chung chiếc giường tầng, khi một ai đó đến phiên “chui ra khỏi ổ” thì người hết ca vào thế chỗ. Chúng tôi không biết tại sao nhiệt của chính bản thân thì có thể chấp nhận được nhưng của người lạ thì không. Có thể do sự nhạy cảm mãnh liệt đối với những sai khác nhiệt độ dù khá nhỏ. Con người dường như phản ứng một cách tiêu cực với hơi ấm người lạ.

Có hay không quá trình diễn giải của nhận thức về nhiều thông điệp mà các thụ thể nhiệt thu nhận được; nếu có thì sẽ như thế nào? Đây là quá trình phức tạp, ngay từ ban đầu đã có nhiều điểm uẩn khúc. Chẳng hạn, hoạt động bài tiết của tuyến giáp làm thay đổi cảm giác lạnh; chứng suy giáp khiến cho vật chủ cảm thấy lạnh, trong khi chứng cường giáp gây hiệu ứng ngược lại. Giới tính, độ tuổi và hóa chất sinh học bên trong cơ thể đều có liên quan đến nhau. Xét dưới góc độ thần kinh học, việc điều hòa nhiệt nằm sâu trong não và được kiểm soát bởi vùng dưới đồi. Nhưng văn hóa hiển nhiên cũng ảnh hưởng tới thái độ. Sự thật rằng con người có thể ít gắng sức hoặc không quan tâm việc kiểm soát hệ thống thân nhiệt, điều này có thể giải thích tại sao lại có ít nghiên cứu trong vấn đề này đến vậy. Như nhận xét của Freud và đồng sự, nền văn hóa của chúng ta có xu hướng đổ dồn vào những thứ có thể kiểm soát được và phủ nhận những thứ không. Thân nhiệt mang đặc trưng cá nhân cao, nó gắn bó mật thiết với trí óc cũng như những trải nghiệm tuổi thơ.

Tiếng Anh có rất nhiều cách diễn đạt kiểu như “hot under the collar”, “a cold stare”, “a heated argument”, “he warmed up to me”. Những kinh nghiệm về không gian giao tiếp - proximics khiến tôi tin rằng các cách diễn đạt trên mang ý nghĩa sâu xa hơn chỉ là hình thức của câu nói. Rõ ràng việc nhận biết những biến đổi thân nhiệt, của mình và của người khác, là một trải nghiệm thông dụng được tích hợp vào trong ngôn ngữ.

Một phương pháp kiểm tra phản ứng của con người với trạng thái nhiệt trong cơ thể của anh ta và những người khác là sử dụng bản thân như một thiết bị điều khiển. Một ví dụ, lần tôi đi dạ tiệc, vị quan khách danh dự đang nâng dĩa và mọi người đổ dồn sự chú ý vào ông. Trong khi chăm chú lắng nghe, tôi nhận ra có cái gì đó khiến tôi rụt tay lại khỏi bàn theo phản xạ. Tôi không hề chạm phải, nhưng có một kích thích nào đó đã tạo ra cú rụt tay không mong muốn, khiến tôi giật mình. Khi không rõ nó là cái gì, tôi đặt lại tay vào vị trí cũ. Rồi tôi nhìn sang tay của vị khách ngồi cạnh tôi đang đặt lên khăn trải bàn. Nhớ lại vài giây trước đó, tôi đã mơ hồ nhìn thấy, ở ngoại vi trường nhìn, cô ấy đặt tay lên bàn trong khi lắng nghe. Tôi cảm tưởng như sắp chạm vào một nguồn nhiệt, chỉ cách tay mình chừng 2,5 inch! Trong những trường hợp khác, tôi hoàn toàn biết được sự hiện diện của ai đó trong khoảng cách từ 11 đến 18 inch (2,8m đến 4,6m) dựa vào nguồn nhiệt phát ra từ mặt họ, cũng như là khi có ai đó tựa vào tôi trong khi đang xem một bức tranh hay một cuốn sách.

Bạn đọc có thể dễ dàng kiểm tra sự nhạy cảm của chính mình. Môi và mu bàn tay nhận biết nhiệt rất tốt. Đặt mu bàn tay lên trước mặt, từ từ di chuyển nó lên và xuống ở những khoảng cách khác nhau. Bạn có thể biết được vị trí mà nhiệt được phát hiện một cách dễ dàng.

Người mù rất nhạy cảm với bức xạ nhiệt. Dù vậy, họ không ý thức được sự nhạy cảm của chính mình cho tới khi họ tự đi tìm kiếm những cảm giác nhiệt. Điều này được phát hiện ra trong khi tôi và bác sĩ chuyên khoa tâm thần Warren Brodey tiến hành phỏng vấn. Chúng tôi điều tra về cách sử dụng giác quan của người mù. Trong suốt cuộc phỏng vấn, những người tham gia nhắc đến những luồng không khí quanh cửa sổ, và cửa sổ quan trọng như thế nào với người mù trong việc định hướng không-nhờ-tới-thị-giác. Cửa sổ cho phép họ định vị chính mình trong một căn phòng và duy trì liên lạc với bên ngoài. Vì thế, chúng ta có lý do để tin rằng người mù có nhiều giác quan phát triển (trước nay người ta thường chỉ nói đến thính giác của người mù được cho là tốt hơn người bình thường). Ở phần kế tiếp trong cuộc phỏng vấn với nhóm này, tôi phát hiện ra những điểm trùng hợp: nhiệt bức xạ từ đối tượng được người mù sử dụng như một công cụ hỗ trợ tìm đường. Một bức tường gạch ở mặt phía bắc của con phố sẽ được người mù xem như dấu hiệu nhận biết, vì nó tỏa nhiệt trên toàn bộ chiều rộng của lối đi bộ.

KHOẢNG KHÔNG XÚC GIÁC

Những trải nghiệm không gian về mặt xúc giác và thị giác luôn đan xen lẫn nhau không thể tách rời. Hãy nghĩ một phút về cách trẻ con với, ôm, vuốt và dùng miệng chạm vào tất cả mọi thứ, và phải mất bao nhiêu năm để dạy chúng bớt dùng xúc giác mà chuyển sang sử dụng thị giác. Bình xét về nhận thức không gian, danh họa người Pháp Braque phân biệt giữa khoảng không thị giác và xúc giác như sau: khoảng không xúc giác phân tách người xem với đối tượng trong khi khoảng không thị giác phân tách các đối tượng với nhau. Nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai loại và mối liên hệ của chúng với trải nghiệm không gian, ông ấy khẳng định rằng về khía cạnh khoa học, phép phối cảnh không có gì sai, nhưng nếu dùng nó như một cách đánh lừa thị giác – một trò lừa lọc tai hại – thì nghệ sĩ không thể truyền tải đầy đủ trải nghiệm của không gian.

James Gibson, nhà tâm lý học, có sự so sánh hai giác quan với nhau. Ông ấy khẳng định rằng nếu chúng ta quan niệm hai thứ như hai kênh thông tin, mà ở đó chủ thể khám phá (quét thông tin) một cách chủ động với tất cả các giác quan, thì dòng cảm nhận sẽ mạnh lên. Gibson phân biệt hai khái niệm tiếp xúc chủ động (quét bằng xúc giác) và tiếp xúc thụ động (bị va chạm vào). Tiếp xúc chủ động cho phép sao chép khái quát các đối tượng được sàng lọc bằng mắt với độ chính xác 95%. Trong khi đó, tiếp xúc thụ động chỉ chính xác 49%.

Michael Balint, viết trong tạp chí “International Journal of Psychoanalysis”, miêu tả hai thế giới nhận thức khác biệt, một bên định hướng theo thị giác, bên kia định hướng theo xúc giác. Balint nhận thấy thế giới định hướng xúc giác nhanh hơn và cũng thân thiện hơn so với thế giới định hướng thị giác, mà trong đó không gian thân thiện nhưng đầy nguy hiểm và nhiều đối tượng không đoán trước được (con người).

Mặc dù ai cũng biết da có chức năng thu nhận thông tin, song những nhà thiết kế và kĩ sư vẫn thất bại trong việc nắm bắt những ý nghĩa sâu xa của xúc giác, đặc biệt là tiếp xúc chủ động. Họ không hiểu được tầm quan trọng của nó trong việc duy trì mối liên kết giữa con người với thế giới anh ta sống bên trong. Hãy xem “những con quái vật Detroit tai tiếng” tác giả muốn nhắc tới những chiếc xe hơi sản xuất tại Detroit làm tắc nghẽn giao thông ở Mỹ vào thập niên 50, 60 . Kích thước khổng lồ của chúng cộng với những chiếc ghế davenport, giảm xóc êm và cách âm tốt làm mỗi chuyến đi thiếu thốn cảm giác. Xe hơi Mỹ được thiết kế để mang lại ít cảm giác hành trình nhất có thể. Nhưng rất nhiều điều thú vị trên một chuyến đi bằng xe thể thao hay thậm chí là xe hơi châu Âu đến từ cảm nhận trong tương tác của của người dùng với chiếc xe cũng như với mặt đường. Một trong những điểm thu hút của bộ môn đua thuyền buồm, theo góc nhìn của những người đam mê nó, nằm ở tương tác của các loại trải nghiệm: nhìn, vận động và tiếp xúc. Một người bạn chơi đua thuyền nói với tôi nếu không cầm lái thì anh ta có rất ít cảm giác về những gì đang diễn ra với con thuyền. Không còn hoài nghi gì nữa, đua thuyền buồm mang lại cảm giác luôn luôn mới cho những tín đồ của bộ môn này, một cảm giác bị chúng ta khước từ trong cuộc sống ngày càng biệt lập và tự động.

Khi gặp sự cố hoặc thảm họa, nhu cầu tránh giao tiếp vật lý có thể rất quan trọng. Tôi không nói về những sự cố quá tải nghiêm trọng gây ra thảm họa, chẳng hạn như những con tàu buôn người với mật độ 1,1 đến 8,0 feet vuông một người (0,10 đến 0,74m2/ người), ở đây tôi nhắc đến những trường hợp “thông thường” hơn trong tàu điện ngầm, thang máy, nơi trú ẩn không kích, bệnh viện và nhà tù. Hầu hết dữ liệu được dùng để thiết lập nội quy cho đám đông là không phù hợp vì họ quá đông. Thiếu mất thước đo rõ ràng, những người nghiên cứu trạng thái đông đúc lại rơi vào vòng luẩn quẩn với những sự cố mà ở đó tình trạng đã quá cực đoan dẫn đến kết cục điên loạn hoặc tử nạn. Càng biết được nhiều điều về con người và động vật thì càng thấy rõ rằng: da là một ranh giới hay thước đo rất không thỏa đáng cho tình trạng đông đúc . Giống như những phân tử dao động hình thành nên hợp chất, những sinh vật cũng vận động và cần ít nhiều khoảng trống cố định. Sự co kéo không gian có thể chạm tới đáy – mức không tuyệt đối – khi con người bị nén lại, mọi vận động bị cản trở. Trên mức này, không gian bao chứa hoặc là cho phép người ta di chuyển thoải mái, hoặc là kiến anh phải xô đẩy, bon chen. Cách anh ta phản ứng lại sự xô đẩy này, và do đó cũng là cách ứng xử với không gian, phụ thuộc vào cảm giác của anh ta về sự va chạm với những người lạ. Hai nhóm người mà tôi đã có chút ít kinh nghiệm - người Nhật Bản và người Ả Rập - có khả năng chịu đựng việc tụ tập trong không gian công cộng và trên phương tiện vận chuyển cao hơn nhiều so với người Mỹ và người Bắc Âu. Tuy nhiên, người Ả Rập và người Nhật dường như quan tâm nhiều hơn đến những yêu cầu riêng của họ đối với những không gian họ sinh sống hơn là người Mỹ. Người Nhật đặc biệt dành nhiều thời gian để tổ chức không gian ở cho phù hợp với cảm nhận của tất cả các giác quan của họ.

Chất cảm, thứ mà tôi rất ít nhắc đến, được đánh giá và kiểm nghiệm gần như hoàn toàn bằng cách tiếp xúc dù cho nó hiển hiện rất trực quan. Với vài ngoại lệ (được đề cập đến ở sau), kí ức trải nghiệm xúc giác cho phép ta đánh giá đầy đủ giá trị của chất cảm. Cho đến nay, chỉ có một vài nhà thiết kế đã chú ý nhiều đến điều đó, và việc sử dụng nó trong kiến trúc phần lớn là lộn xộn và bất quy tắc. Nói cách khác, chất cảm bề mặt trên và trong các tòa nhà hiếm khi được người thiết kế sử dụng có ý thức, kiến thức sử dụng trong thiết kế ít khi song hành cùng nhận thức về mặt tâm lý hay xã hội.

Nhìn những sản phẩm mà người Nhật tạo ra, ta hiểu rằng họ có ý thức hơn về tầm quan trọng của chất cảm bề mặt. Một cái bát nuột nà và “thích tay” khi chạm vào không chỉ thể hiện sự quan tâm của người nghệ nhân tới sản phẩm và người sử dụng; cái bát đó còn thể hiện sự quan tâm của anh ta đến chính mình. Những phần hoàn thiện bằng gỗ thô của những thợ thủ công thời trung cổ cũng truyền tải tầm quan trọng của chúng gắn với xúc giác. Xúc giác là giác quan mang lại nhiều trải nghiệm cá nhân nhất. Với nhiều người, những khoảnh khắc thân mật nhất trong cuộc đời đều gắn liền với sự thay đổi chất cảm trên bề mặt làn da. Làn da thô ráp giống như kháng cự động chạm, rồi khi người ta đang yêu, và làn da mềm như lụa; đó đều là những thông điệp mang ý nghĩa phổ quát mà một cơ thể truyền tải cho một cơ thể khác.

Mối quan hệ của con người với môi trường xung quanh là một chức năng của cỗ máy cảm quan cộng thêm cách thức bộ máy này được tạo điều kiện để phản hồi. Ngày nay, hình ảnh vô thức về bản thân – cuộc đời người đó, quá trình tồn tại từng phút – được dựng từ các mẩu thông tin phản hồi cảm giác trong một môi trường cơ giới rộng lớn. Một bài viết về những thụ thể trực tiếp cho thấy rằng những người Mỹ sống ở vùng nội đô và ngoại ô có ít cơ hội trải nghiệm chủ động trên cơ thể họ hay trong không gian họ cư trú. Những không gian đô thị của chúng ta ít hứng thú và đa dạng về mặt thị giác, và hầu như không có cơ hội để xây dựng yếu tố vận động trong trải nghiệm không gian. Nhiều người bị tước đi trải nghiệm này, thậm chí còn bị bó trong chật chội. Ngoài ra, ô tô đang làm con người dần xa lạ với cơ thể của chính mình và môi trường xung quanh. Ai đó sẽ có cảm nhận rằng ô tô đang gây chiến với thành phố và có thể là với chính con người. Hai khả năng cảm quan bổ sung – tính nhạy bén của da với những thay đổi của nhiệt và chất cảm – không chỉ thông báo những thay đổi cảm xúc cá nhân cho người khác mà còn phản hồi lại những thông tin về bản chất cá nhân đặc trưng từ môi trường xung quanh.

Cảm giác của con người trong không gian rất gần với những cảm giác về cơ thể, thứ nằm trong quan hệ giao tiếp mật thiết với môi trường. Có thể được xem con người bao gồm các khía cạnh như thị giác, vận động, xúc giác và nhiệt trong bản thân mình mà có thể bị ức chế hoặc khuyến khích phát triển bởi môi trường của mình. Chương 6 bàn về thế giới thị giác của con người và cách người đó xây dựng nó.

6. KHÔNG GIAN THỊ GIÁC

Thị giác là giác quan tiến hóa cuối cùng và phức tạp nhất. Dữ liệu được gửi về hệ thần kinh từ mắt nhiều hơn và mạnh hơn so với xúc giác hay thính giác. Thông tin mà người mù có thể thu nhận được bị giới hạn trong bán kính từ 20 tới 100 feet (6 m đến 30,4 m), trong khi nếu sáng mắt, anh ta có thể nhìn thấy sao. Người mù dù giỏi lắm cũng chỉ đi lại với một tốc độ tối đa trung bình từ 2 đến 3 dặm một giờ (3,2 đến 4,8 km/h) trong khu vực quen thuộc, nhưng nếu sáng mắt, anh ta có thể bay nhanh hơn âm thanh – nhanh đến độ thị giác cũng không thể tránh cho anh ta khỏi một cuộc va chạm Trên một chiếc MACH 1, người phi công phải nhận được thông tin về những chuyến bay khác trước khi họ có thể nhìn thấy. Nếu hai chiếc máy bay đang trong quá trình lao vào nhau, tốc độ của chúng không cho phép họ có thời gian để tránh. .

Ở loài người, mắt kiêm nhiều chức năng:

  1. Nhận dạng đồ ăn, bạn bè và trạng thái vật lý của nhiều thứ ở một khoảng cách.
  2. Định hướng trên mọi địa hình, tránh vật cản và nguy hiểm.
  3. Chế tạo những công cụ, định hình vẻ ngoài cho bản thân và những người khác, …. Và thu thập thông tin về trạng thái cảm xúc của người khác.

Người ta thường xem mắt là phương tiện chính giúp con người thu thập thông tin song một chức năng hữu ích khác thì ít khi được để ý tới, đó là truyền tải thông tin. Chẳng hạn, một ánh mắt thôi có thể trừng phạt hay khích lệ ai đó, trong một số trường hợp người ta sử dụng ánh mắt như một cách để tạo lợi thế. Độ mở của con ngươi (đồng tử) có thể biểu thị cho sự yêu thích hay chán ghét.

NHÌN LÀ MỘT QUÁ TRÌNH TỔNG HỢP

Mấu chốt trong sự hiểu biết về con người là khả năng tổng hợp kinh nghiệm ở một vài điểm điểm quan trọng. Hay có thể nói, con người học trong lúc quan sát; những gì anh ta học được sẽ tác động ngược trở lại cách anh ta quan sát. Điều này tạo ra khả năng thích nghi cao ở loài người và cho phép họ khám phá những kinh nghiệm trước đó. Chẳng hạn, nếu con người cố gắng quan sát, sự ngụy trang sẽ phát huy tác dụng trong mọi tình huống và con người không còn khả năng phòng vệ trước những sinh vật có khả năng ngụy trang tốt. Khả năng phát hiện hành vi giả trang chứng minh một điều: con người đã thay đổi nhận thức sau những lần học hỏi.

Để bàn luận về thị giác, trước tiên phải phân biệt được hình ảnh trên võng mạc và những gì con người tiếp thu. Nhà tâm lý học tài năng ở Cornell, James Gibson, người mà tôi sẽ nhắc đi nhắc lại trong chương này, đã phân biệt cái có trước – “trường thị giác” (trường nhìn) (visual field) – và cái xuất hiện sau – “thế giới thị giác” (visual world). Trường thị giác được tạo nên bởi tập hợp sự thay đổi ánh sáng liên tục – được lưu lại trên võng mạc – thứ để con người xây dựng thế giới thị giác. Sự thật thì con người phân biệt được những ấn tượng cảm giác tác động vào võng mạc (mà hoàn toàn không ý thức được việc đó) với những gì anh ta nhìn thấy – dữ liệu cảm giác từ những nguồn khác và được dùng để kiểm tra trường thị giác. Để có những miêu tả chi tiết hơn về sự khác biệt cơ bản giữa trường thị giác và thế giới thị giác, người đọc có thể tham khảo công trình nghiên cứu của Gibson, “The Perception of the Visual World.”

Khi di chuyển, con người dựa vào những thông điệp thu nhận được từ cơ thể để ổn định thế giới thị giác. Nếu không có những phản hồi từ cơ thể, rất nhiều người sẽ mất kết nối với thực tế và gặp ảo giác. Tầm quan trọng của sự kết hợp trải nghiệm vận động và trải nghiệm thị giác này được chứng minh bởi hai nhà tâm lý học, Held và Heim, khi họ mang những chú mèo con qua một mê cung có nhiều dấu chân trùng nhau mà những con mèo khác đã đi. Những chú mèo con đó đã thất bại trong việc phát triển “khả năng thị giác về không gian thông thường.” Cũng như những con mèo khác, chúng gần như không học được gì từ mê cung đó. Kinesthesia – thụ thể vận động như một yếu tố bổ khuyết cho thị giác, được kiểm chứng thông qua hai lần thí nghiệm của Adelbert Ames và sau đó là nhiều nhà tâm lý học giao tiếp khác. Trong một căn phòng, các đối tượng được đưa cho một cây gậy và yêu cầu đánh dấu một điểm gần cửa sổ. Trước khi bước vào thí nghiệm, họ thấy căn phòng là hình chữ nhật. Họ luôn luôn nhầm ở một vài lần thử đầu tiên. Khi họ dần dần học được cách điều chỉnh theo ý của mình và có thể kiểm soát mục tiêu bằng đầu gậy, họ thấy căn phòng không phải là vuông vức hoàn hảo mà thực ra là khối lập phương biến dạng. Một ví dụ khác cá biệt hơn là ngọn núi không bao giờ trông giống nó một khi người ta đã leo lên.

Rất nhiều tư tưởng được trình bày ở đây không hề mới. Khoảng 250 năm trước, Bishop Berkeley đã đặt nền tảng khái niệm cho các lý thuyết hiện đại về thị giác. Dù ở thời đó, nhiều học thuyết của Berkeley bị bác bỏ thì chúng vẫn đặc biệt đáng chú ý, nhất là dưới góc độ khái quát chung của khoa học. Berkeley lập luận rằng con người thực sự nhận diện khoảng cách dựa trên kết quả của sự tương tác qua lại giữa các giác quan với một người khác và với những trải nghiệm trong quá khứ. Ông lập luận rằng chúng ta không “cảm nhận ngay lập tức bằng thị giác bất cứ thứ gì ngoài ánh sáng, màu sắc và hình dạng; hay bằng cách lắng nghe bất cứ điều gì ngoại trừ âm thanh”. Berkeley lấy ví dụ về việc lắng nghe âm thanh từ một cỗ xe ngựa, song song là hình ảnh của nó. Có người thì quả quyết nói không nghe thấy; còn người nghe được thì thấy rằng âm thanh xe ngựa như đang quyện vào trong tâm trí anh ta. Con người có khả năng “lấp đầy” chi tiết thị giác dựa trên những tín hiệu âm thanh mà họ thu nhận được. Trong hoàn cảnh tương tự, Berkeley phủ nhận khoảng cách được nhận thấy ngay tức khắc. Những từ như “cao”, “thấp”, “trái” và “phải” mang gốc gác sâu xa xuất phát từ trải nghiệm tiếp xúc và vận động.

. . . Giả sử bằng thị lực của mình, ở khoảng cách một dặm, tôi lờ mờ nhìn thấy một số thứ mà tôi hoài nghi liệu đó là người, hay là cây, hay tòa tháp. Hiển nhiên tôi không có ý rằng những gì tôi nhìn thấy được nằm trong khoảng một dặm – hoặc đó là hình ảnh duy nhất hay vật có hình dạng giống với bất cứ thứ gì trong khoảng cách một dặm – vì mỗi bước tôi đi tới mục tiêu thì hình ảnh về nó lại thay đổi, từ khuất lấp, bé nhỏ, nhạt nhòa sang mạnh mẽ, to lớn và rõ ràng. Và khi tôi đi tới cuối đoạn đường một dặm đó, những gì tôi nhìn thấy ban đầu đã gần như biến mất, tôi không tìm thấy bất kì sự tương đồng nào nữa.

Berkeley đang miêu tả trường nhìn vô thức ở mức cao của nhà khoa học và nghệ sĩ. Người ta đánh giá sự vật sự việc dựa vào “thế giới thị giác” của chính mình. Mãi sau này, giống như Berkeley, Piaget đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa cơ thể với thị giác và khẳng định “những quan niệm không gian là những hành động nội tâm.” Dù vậy, nhà tâm lý học James Gibson đã chỉ ra một mối tương tác giữa thị giác và tri giác cơ thể (kinesthesia) mà Berkeley đã không thừa nhận. Có những dấu hiệu rõ ràng về thị giác với nhận thức không gian, chẳng hạn như trường thị giác mở rộng khi bạn di chuyển tới gần và thu nhỏ khi bạn lui ra xa. Một trong những đóng góp lớn lao của Gibson là việc ông đã làm quan điểm này trở nên rõ ràng.

Gần đây những nhà khoa học đã tìm ra bản chất của những kinh nghiệm chủ quan – subjective experience. Những cơ quan thụ cảm không thể sản sinh ra những hiệu ứng (tâm lý, cảm xúc,...) nếu thiếu vắng quá trình tổng hợp trong não bộ. Kì lạ thay, một cái cửa đi, một ngôi nhà, hay một chiếc bàn luôn luôn được xem như có cùng hình dạng và màu sắc, dù cho chúng được cảm nhận từ nhiều góc độ rất khác nhau. Mắt chúng ta không ngừng chuyển động, vì vậy hình ảnh thị giác gốc trên võng mạc có thể không bao giờ trùng lặp. Nếu điều này được công nhận, nó sẽ trở thành một luận điểm quan trọng để tìm ra quá trình cho phép con người thấy mọi vật như bất động, trong khi những thứ được ghi lại trên võng mạc thì vẫn không ngừng chuyển động. Đặc điểm này, cùng với quá trình tổng hợp trong não bộ, được nhân đôi khi ta lắng nghe người khác nói.

Những nhà ngôn ngữ học nói với chúng tôi rằng khi những chi tiết của lời nói được phân tích và ghi âm lại với tính nhất quán và chính xác, thường rất khó khăn để phân tách rạch ròi từng âm độc lập. Điều này thấy rất rõ ở những du khách khi đến một vùng đất ngoại quốc, dù đã chuẩn bị rất kĩ ở nhà, vẫn không thể hiểu được người địa phương nói. Thật đáng buồn và rắc rối! Với những người nói một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, người ta sẽ nghe thấy một âm thanh mờ nhạt không phân biệt được. Sau đó, những phát thảo thô sơ về một mô thức bắt đầu hiện lên trong não. Khi học tốt thứ ngôn ngữ đó nghĩa là anh đang tổng hợp rất thành công, anh có thể diễn giải rất nhiều sự vật sự việc. Nhiều thứ ngày xưa khó hiểu thì nay đã trở nên tỏ tường.

Lý thuyết cho rằng “nói và hiểu là một quá trình tổng hợp” dễ được chấp nhận hơn ý tưởng “thị giác là sự tổng hợp”, vì chúng ta ít khi chủ động để tâm tới việc quan sát như là tới việc phát ngôn. Chả mấy ai nghĩ rằng mình phải học cách “nhìn”. Song người ta thừa nhận rằng có một “thực tế” không đổi được hệ thống thị giác thụ động ghi lại, thông qua đó những gì nhìn thấy là giống nhau với tất cả mọi người, và vì thế có thể được coi như một điểm tham khảo chung.

Quan niệm “không có hai người nào nhìn thấy giống hệt nhau khi quan sát cùng một thứ trong trạng thái tự nhiên của thị giác” đang gây sốc với một số người. Nó ám chỉ rằng con người không liên hệ với thế giới xung quanh theo cách thức tương đương nhau. Dù chưa có quan điềm thống nhất, ta vẫn biết quá trình diễn giải thế giới cảm nhận của một người sang người khác là không thể. Cách biệt giữa thế giới cảm nhận của hai người trong cùng một nền văn hóa chắc chắn sẽ ít hơn giữa hai người mang hai văn hóa khác nhau, nhưng vẫn sẽ có những vấn đề. Khi còn trẻ, tôi đã dành nhiều mùa hè cho việc nghiên cứu khảo cổ với sinh viên trên những hoang mạc miền bắc Arizona và nam Utah. Tất cả mọi người trong đoàn đều mang tâm trạng hồ hởi, mong tìm ra thứ gì đó: những đồ vật chế tác bằng đá hay đầu mũi tên. Chúng tôi bước đi dọc theo vách đá, nhìn xuống và đào bới khu vực khảo cổ. Khí thế lên cao nhưng sinh viên của tôi cứ bước đi bước lại qua những đầu mũi tên nằm ngay lớp đất trên cùng. Trước sự thất vọng tràn trề của họ, tôi cúi xuống nhặt lên những thứ mà đơn giản là họ không nhìn thấy, bởi lẽ tôi đã học được những gì nên chú ý và những gì thì bỏ qua. Tôi đã làm việc nhiều năm và biết những gì cần tìm, nhưng lại không biết rõ manh mối nào đã dẫn lối tôi.

Tôi có thể tìm thấy những đầu mũi tên trên sa mạc, thế nhưng cái tủ lạnh thì đúng là một khu rừng rậm rạp, mà lần nào tôi cũng bị lạc. Tuy nhiên, vợ tôi có thể dễ dàng chỉ chỗ mẩu phô mai hay miếng thịt nướng ngay trước mặt tôi mà tôi không nhìn thấy. Hàng trăm trải nghiệm thực tế đã khiến tôi tin rằng đàn ông và phụ nữ sống trong những thế giới thị giác tương đối khác nhau. Có những khác biệt không thể đổ thừa cho độ nhạy bén của mắt. Đàn ông và phụ nữ đơn giản là đã học cách sử dụng mắt khác nhau.

Bằng chứng rõ ràng về việc con người ở những nền văn hóa khác nhau mang những thế giới nhận thức khác nhau được tìm ra trong cách họ định hướng không gian, cách họ đi xung quanh và di chuyển từ điểm này sang điểm khác. Ở Beirut, tôi đã có trải nghiệm về việc này trong khi tìm đường tới một tòa nhà – nó đang ở khá gần tôi. Một người Ả Rập mà tôi đã hỏi đường nói cho tôi vị trí tòa nhà và chỉ hướng đi một cách đại khái. Thú thật, với hành động của anh ta – mà anh ta nghĩ là mình đang chỉ đường – thì tôi không thể biết được anh ta đang nhắc đến tòa nhà nào, hay thậm chí cả ba con phố giáp mặt nó, dù tất cả đều hiển hiện ở chỗ chúng tôi đang đứng. Rõ ràng, chúng tôi đang sử dụng hai hệ thống định hướng hoàn toàn khác nhau.

CƠ CHẾ QUAN SÁT

Làm thế nào những khác biệt trong thế giới thị giác của hai người trở nên rõ ràng hơn nếu ta biết rằng võng mạc (phần tiếp nhận ánh sáng) được tạo thành bởi ít nhất ba phần, hay ba khu vực riêng biệt: fovea, maculavùng nhìn ngoại vi. Mỗi vùng đảm nhận những chức năng quan sát khác nhau, cho phép con người nhìn theo ba cách. Ba cách quan sát xảy ra đồng thời và hòa vào nhau. Fovea là một hố tròn nhỏ nằm ở trung tâm võng mạc chứa gần 25 000 tế bào nón (tiếp nhận và xử lý ánh sáng màu), mỗi tế bào nối với một dây thần kinh. Fovea chứa những tế bào với mật độ cực cao: 160 000 tế bào trên một milimet vuông (tương đương với diện tích của một đầu kim). Fovea cho phép người bình thường nhìn thấy một vòng tròn nhỏ có kích thước từ 1/96 inch (0,25mm) đến 1/4 inch (6,35mm) ở khoảng cách 12 inch tính từ mắt. Fovea cũng được tìm thấy ở loài chim và loài vượn – những loài nằm trước con người trong thang tiến hóa. Ở người, việc xâu kim, lựa mảnh vụn và chạm khắc là một vài hoạt động cần đến đến fovea. Không có nó, thì chẳng có máy móc, kính hiển vi hay kính viễn vọng nào cả. Tóm lại là cũng không có khoa học hay công nghệ!

Một minh chứng đơn giản chỉ ra một vùng diện tích nhỏ cũng có thể được fovea phát hiện. Lấy một vật màu sáng, bất kì hình thù nào như một cây kim và giữ nó ổn định trên chiều dài cánh tay. Cùng lúc đó, lấy một vật tương tự và dịch chuyển nó từ từ lại gần đối tượng thứ nhất cho tới khi cả hai ở trong một vùng nhìn duy nhất và có thể được quan sát dễ dàng mà không phải di chuyển mắt. Hai điểm gần như chồng lên nhau trước khi người ta có thể phân biệt rõ ràng. Khó nhất là việc tránh bị phân tâm, khiến mắt rời khỏi điểm cố định sang điểm đang chuyển động.

Xung quanh foveamacula. Vùng võng mạc này có hình oval, màu vàng, chứa những tế bào cảm nhận màu sắc. Nó tiếp nhận hình ảnh trong giới hạn góc 3o theo chiều đứng và 12o-15o theo phương ngang. Hình ảnh từ macula khá rõ ràng, nhưng không bằng fovea, vì những tế bào không tập trung với mật độ cao như ở fovea. Con người sử dụng macula để nhìn những vật khác.

Con người có thể phát hiện chuyển động ngoài biên của mắt bằng vùng nhìn ngoại vi trên võng mạc. Dịch chuyển khỏi phần trung tâm của võng mạc, tính chất và chất lượng của hình ảnh thay đổi đi đáng kể. Khả năng nhìn màu giảm bớt khi những tế bào hình nón phân bố rời rạc hơn. Tầm nhìn tốt kết hợp với những tế bào thụ cảm được nhóm lại gần nhau – mỗi tế bào có riêng dây thần kinh – chuyển sang tầm nhìn hạn chế, ở đây cảm nhận về chuyển động được tăng cường. Hai trăm (hoặc hơn) tế bào hình que mới kết nối với một dây thần kinh duy nhất, điều đó làm tăng khả năng phát hiện chuyển động song lại làm giảm chất lượng hình ảnh. Vùng nhìn ngoại vi là một vùng mở rộng khoảng 90o về cả hai phía so với đầu. Cả góc nhìn và khả năng nhìn để phát hiện chuyển động đều có thể xác định được nếu bạn đọc làm theo thí nghiệm sau. Xòe tay ra, đánh hai dấu ở đầu những ngón tay. Di chuyển ngón tay tới một điểm cạnh nó, nhưng gần như là nằm phía sau, ở tai. Nhìn thẳng, vẫy ngón tay và từ từ nâng cả bàn tay cho đến khi chuyển động bị phát hiện. Vì ngay cả người quan sát một vòng tròn dưới góc nhỏ hơn 1o thì mắt vẫn dịch chuyển rất nhanh khi họ đưa mắt nhìn bức tranh trong các chi tiết của thế giới thị giác. Nó còn đọng lại với ấn tượng về một vùng-nhìn-rõ lớn hơn thực tế diễn ra trong trường thị giác. Sự thật rằng việc chú ý cần đến foveamacula phối hợp với nhau cũng duy trì ảo ảnh về dải rộng của vùng-nhìn-rõ.

Chúng ta hãy dùng một bối cảnh giới hạn để minh họa loại thông tin một người có thể thu nhận được từ những khu vực khác nhau trên võng mạc. Quy tắc của người Mỹ là cấm nhìn chằm chằm vào người khác. Dù vậy, một người đàn ông với thị lực bình thường, ngồi trong một nhà hàng, cách bàn người khác 15 feet (4,6 m), có thể quan sát họ bằng toàn bộ phần mắt (đến tận đuôi mắt). Anh ta có thể nói rằng cái bàn bị khuất và có thể đếm số người hiện diện, đặc biệt nếu họ nhúc nhích chút ít. Ở một góc 45o, anh ta có thể biết màu tóc người phụ nữ, cũng như màu sắc quần áo cô ấy mặc, nhưng không thể nhận ra được chất liệu. Anh ta có thể biết người phụ nữ đang nhìn và nói chuyện với bạn, nhưng không thể biết cô ấy có đeo nhẫn hay không. Anh ta có thể nắm bắt được toàn bộ sự di chuyển của đoàn hộ tống cô ấy, nhưng không thể xem giờ ở chiếc đồng hồ trên tay anh vệ sĩ. Anh ấy có thể phân biệt giới tính, vóc dáng, tuổi đời của một người một cách chung chung, nhưng không biết liệu mình có biết hắn hay không.

Cấu trúc của mắt có sự quan hệ mật thiết với việc thiết kế không gian. Với kiến thức của mình, tôi không kiếm chứng hay đưa ra một quy tắc nào về điều này. Tuy nhiên, việc thiết kế dựa trên cấu trúc và chức năng của mắt mới chỉ ở mức sơ khai. Ví dụ, chuyển động được khuếch đại ở vùng nhìn ngoại vi của mắt, người ta chú ý đến những cạnh thẳng màu đen và những mảng trắng, khi đó, những bức tường dọc bên đường càng gần nhau thì hình ảnh chuyển động trong mắt càng rõ ràng. Tính chất này của mắt khiến những người lái xe ở những quốc gia như Pháp đi chậm lại khi từ một cao tốc họ rẽ vào một con đường có hàng cây hai bên. Để tăng tốc độ của người lái xe mô tô trong đường hầm, những tác động thị giác (như đèn chiếu) cần được hạ xuống khỏi tầm mắt. Trong nhà hàng, thư viện và một số nơi công cộng khác, việc ngăn cản chuyển động ở vùng ngoại vi trường nhìn sẽ giảm đi phần nào cảm giác đông đúc, trong khi kích thích tối đa vùng ngoại vi sẽ gây nên cảm giác nhiều người.

THỊ GIÁC PHÂN CỰC - Stereoscopic Vision

Bạn đọc có thể thắc mắc tại sao tôi không nói thêm về hình ảnh phân cực. Sau tất cả, liệu có phải cảm nhận về khoảng cách hay không gian có được là nhờ thị giác phân cực hay không? Câu trả lời là cả có và không; nếu là có, chỉ dưới một số điều kiện hết sức hạn chế. Người một mắt có thể nhìn được độ sâu rất tốt. Họ có khuynh hướng giảm thị lực ngoại vi ở phía mắt không nhìn thấy. Bất kì ai từng nhìn bằng hai mắt đều có thể cảm nhận hạn chế của việc đó trong một phút, và cùng lúc đó nhận ra rằng những lời giải thích khoa học về nhận thức độ sâu dựa trên đặc điểm phân cực của mắt người thì đều không xác đáng. Thông thường, trong một vài giây nhìn vào hình ảnh phân cực, có một sự thúc giục mạnh mẽ khiến phần đầu di chuyển để thay đổi góc nhìn và quan sát thấy phần vật thể di chuyển còn phần hậu cảnh vẫn đứng im. (một chiếc porsche lướt qua, ta có xu hướng đưa mắt theo nó, rõ ràng nó đang đứng yên so với mắt chúng ta, xong ta vẫn có cảm giác là nó đang chuyển động). Có một sự thật là thị giác phân cực làm mạnh lên những vật cố định và không đổi, hình ảnh thu được là một ảo ảnh.

Trong cuốn sách “The Perception of the Visual World”, Gibson đã đưa ra quan điểm về việc quan sát thông thường – mà cảm giác về chiều sâu là chức năng cơ bản của hiệu ứng phân cực – sinh ra bởi hai trường thị giác chồng lên nhau.

Trong nhiều năm qua, chúng ta thường tin rằng nền tảng quan trọng duy nhất để cảm nhận độ sâu trong thế giới thị giác là hiệu ứng phân cực từ việc nhìn bằng hai mắt. Quan điểm này được thừa nhận rộng rãi trong nhãn khoa – nghiên cứu y học và vật lý về thị lực. Nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ, người nghiên cứu hình ảnh động và những người giảng dạy về hình ảnh đều cho rằng một khung cảnh có thể diễn tả đúng chiều sâu thật của nó khi có sự hỗ trợ của công nghệ phân cực hình ảnh. Ngành hàng không cho rằng chỉ có một loại kiểm tra cảm nhận về chiều sâu mà phi công cần vượt qua để chứng minh độ nhạy về thị lực phân cực. Quan điểm này được dựa trên giả định tồn tại một loại kinh nghiệm gọi là cảm giác bẩm sinh. Ngày nay tâm lý học hiện đại có nhiều nghi vấn cho giả thiết trên, khiến quan điểm “thị giác phân cực giúp nhận diện chiều sâu” để lại nhiều điểm vô căn cứ. Độ sâu mà chúng ta đã bàn tới không được hình thành ngoài cảm giác vật lý mà đơn giản là một chiều của trải nghiệm thị giác.

Quan điểm này đúng hay sai không còn quan trọng. Việc nhìn nhận một vấn đề theo quan điểm này sẽ gợi mở cho chúng ta, cung cấp thêm hiểu biết về những quá trình kì lạ của con người để cảm nhận thế giới thị giác. Trong khi quan điểm “thị giác phân cực là một nhân tố giúp cảm nhận độ sâu trong khoảng cách gần” (ngắn hơn hoặc bằng 6 feet) được công nhận rộng rãi thì vẫn có rất nhiều cách để con người tạo lập một hình ảnh về thế giới có chiều sâu. Gibson đã làm việc rất nhiều để tách và nhận dạng những phần tử tạo nên không gian ba chiều. Những nghiên cứu của ông ấy bắt đầu trong Chiến tranh thế giới thứ hai khi những phi công thấy rằng trong trường hợp khẩn cấp, việc phải phiên dịch dạng số trên đồng hồ sang dạng không gian ba chiều chuyển động là quá tốn thời gian và quá nguy hiểm. Gibson được giao nhiệm vụ phát triển những công cụ tạo ra một thế giới thị giác nhân tạo, tái tạo thế giới thực, qua đó phi hành gia có thể bay dọc theo những dòng điện tử trên không trung. Việc xem xét rất nhiều hệ thống cảm nhận chiều sâu của con người cùng với nhiều chuyến du hành trên không trung đã giúp Gibson nhận ra không chỉ một, hai mà là mười ba (loại phối cảnh)! Chủ đề này khá phức tạp, bạn đọc nên tham khảo nghiên cứu gốc, được tóm tắt trong phần Phụ lục. Tất cả sinh viên kiến trúc và quy hoạch nên đọc phần này.

Công trình của Gibson và những nghiên cứu của các nhà tâm lý học giao tiếp chỉ ra rằng cảm nhận về thị giác vượt xa những quy tắc phối cảnh thời Phục Hưng. Kiến thức về nhiều dạng phối cảnh khác nhau làm cho chúng ta có thể hiểu thông điệp mà các nghệ sĩ truyển tải từ hàng trăm năm trước. Tất cả mọi thứ được biết đến về nghệ thuật của con người ở tất cả các nền văn hóa trong quá khứ chỉ ra rằng có những khác biệt lớn vượt qua quy ước phong cách. Ở Mỹ, phối cảnh tuyến tính (linear perspective) vẫn là một phong cách nghệ thuật thịnh hành nhất trong công chúng. Nghệ sĩ Trung Quốc và Nhật Bản thì biểu thị chiều sâu theo một cách khác. Nghệ thuật phương Đông dịch chuyển điểm nhìn trong khi vẫn duy trì cảm giác bất biến, còn một số nền nghệ thuật phương Tây thì ngược lại. Thực tế, điểm khác biệt nổi bật giữa phương Đông và phương Tây ngoài sự phản ánh trong nghệ thuật, còn nằm ở sự cảm nhận không gian. Ở phương Tây, người ta cảm nhận theo vật thể chứ không theo khoảng cách giữa chúng. Tại Nhật Bản, những khoảng trống được ưu tiên, tôn kính và được đặt tên là “ma” (khoảng trống).

Chương 7 và chương 8 sẽ chứng minh nghệ thuật và văn học là chìa khóa khai mở thế giới cảm xúc của con người. Hiếm lắm thì thế giới của nghệ thuật và khoa học mới hợp lại với nhau. Điều này diễn ra suốt thời Phục Hưng và lặp lại một lần nữa vào cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20 khi những người Pháp theo trường phái Ấn Tượng nghiên cứu về tính chất vật lý của ánh sáng. Chúng ta có thể lại đang tiếp cận một thời kì như vậy. Trái ngược với quan niệm phổ biến trong giới tâm lý học và xã hội học thực nghiệm, các tác phẩm của các nghệ sĩ và nhà văn đại diện cho những tập hợp dữ liệu thô sơ phong phú và miên man của về cách con người cảm nhận. Chắt lọc và xác định các biến số quan trọng của hoạt động trải nghiệm là bản chất trong công việc thủ công của người nghệ sĩ.

. . . còn nữa . . .